Khát khao học vấn của giới trẻ Việt dưới con mắt người nước ngoài
(Dân trí) - Để tham dự kỳ thi quan trọng nhất trong đời, cô học sinh Lê Thị Hoài Thương, 18 tuổi, đã phải đi quãng đường 38 giờ ô tô cùng với cha mình, một người nông dân thực thụ nhưng không muốn con gái mình cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Thương cũng lờ mờ nhận ra những khó khăn mà ngày càng đông những cô cậu học sinh có cùng khát vọng như cô sẽ phải đối mặt.
Tháng này, 1,9 triệu học sinh trung học Việt Nam tham gia các kỳ thi đại học và cao đẳng. Cùng đà hiện đại hóa nhanh chóng của đất nước và nỗ lực của chính phủ theo đuổi việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học đạt chuẩn toàn cầu vào năm 2020, một thế hệ giới trẻ đang xem tấm bằng đại học là yêu cầu cơ bản để vào đời. Vấn đề là nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục đại học chưa bắt kịp nhu cầu. Với dân số 89 triệu người, Việt Nam chỉ có chưa tới 400 trường cao đẳng và đại học, trong khi Mỹ có 310 triệu dân nhưng có tới hơn 4.400 trường như vậy.
Ngay cả những trường học dưới chuẩn ở Việt Nam cũng có tỷ lệ chọn đầu vào cao bằng nhóm các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Mặc dù Việt Nam đã thay đổi kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng tỷ lệ sinh viên của Việt Nam chỉ bằng một nửa Thái Lan và bằng một phần ba của Hàn Quốc.
Tuần trước, Thương đến một điểm thi ở Quận 9 cùng 700 thí sinh khác để làm các bài kiểm tra, mỗi bài kéo dài 180 phút. Cô coi đây là thời khắc trọng đại của đời mình và có thể là cả tương lai con cái cô sau này.
Những phụ huynh chờ con ở bên ngoài khu vực thi, với tâm trạng căng thẳng. Một ông bố cầm theo nắm thuốc phòng khi cần khẩn cấp. Một giờ sau khi bắt đầu phát đề thi, những người tình nguyện tại điểm thi thông báo có một học sinh ngất xỉu.
“Cháu không căng thẳng quá”, Thương nói. “Đỗ đại học sẽ giúp cháu kiếm được một công việc tốt hơn, một nghề nghiệp tốt hơn. Cháu thấy bố mẹ và ông bà làm ruộng thực sự rất vất vả”. Các thế hệ trước trong gia đình Thương đều làm ruộng. Không một ai, kể cả hai anh chị của cô, học lên cao. Bố của Thương không bao giờ nghĩ con cái ông có thể vào đại học.
Cũng giống như Thương, nhiều thí sinh hy vọng đỗ được vào trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ “chọi” phụ thuộc vào từng khoa. Năm ngoái, trường chọn 7,1% số thí sinh vào khoa quản trị kinh doanh và 6,2% vào khoa tài chính ngân hàng. Trong khi đó, trường Đại học Harvad của Mỹ chọn 6,9% số thí sinh dự thi – tỷ lệ đầu vào gắt gao nhất trong lịch sử trường này.
Theo số liệu của chính phủ, khoảng 70% thí sinh dự thi đại học và cao đẳng trong nước có “kinh qua” các lò luyện thi. Nhiều giáo viên trung học mở các lớp ôn thi buổi tối tại nhà. Trong năm cuối trung học, mỗi ngày, Thương đạp xe 45 phút tới trường và ở lại thêm 2 đến 4 tiếng nữa để ôn tại lò luyện rồi mới lại đạp xe về nhà.
Khi buổi thi kết thúc, Thương nghĩ cô đã làm bài tốt. Kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng này, nhưng cô nói nếu thi trượt, cô sẽ đi làm, kiếm tiền để tiếp tục ôn thi năm sau. “Cũng cần thử xem mình làm bài được đến đâu”, cô gái trẻ tâm sự.
Vài phút sau buổi thi, Thương gặp bố bên ngoài điểm thi. Hai bố con vội vã ra bến để đón xe về Thanh Hóa. Hai chiếc vé mất gần 650.000 đồng. Bố Thương nói rằng ông ông sẽ “hơi buồn” nếu con gái đi học xa nhà, nhưng ông cũng sẽ rất tự hào. Nếu Thương đỗ đại học, ông sẽ vay thêm vốn và nuôi thêm nhiều lợn. “Con bé sẽ thoát phận làm nông dân”, ông nói.