1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kết cục thảm của một số đại gia Trung Quốc

"Danh sách những người giàu có tại Trung Quốc đã trở thành danh sách bị truy nã bởi có quá nhiều người làm giàu một cách bất hợp pháp", đó là nhận xét của một chuyên viên nghiên cứu kinh tế Trung Quốc.

Một phần tư thế kỷ sau khi Đặng Tiểu Bình thốt ra câu nói "giàu có là vinh quang", tầng lớp người giàu mới đã xuất hiện tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Hồ Nam Report, công ty chuyên thống kê danh sách những người giàu tại Trung Quốc, nước này đã sản sinh ra 7 tỉ phú USD (trong đó có 2 người từng là nông dân, một thợ rèn và một kỹ sư), và 400 doanh nhân có tài sản từ 60 triệu USD trở lên.

 

Báo cáo của Merill Lynch và Cap Gemini thì đưa ra con số 300 ngàn triệu phú tại Trung Quốc. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy kể từ năm 1978, khoảng 300 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và hàng triệu người nữa đang khởi nghiệp kinh doanh với hy vọng sẽ tham gia vào hàng ngũ triệu phú đang có khuynh hướng bành trướng nhanh chóng tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

 

Trung Quốc đang thay đổi với tốc độ cực nhanh, với tỷ lệ phát triển kinh tế trung bình khoảng 10% mỗi năm trong 15 năm qua. Tốc độ cải cách công nghiệp thì nhanh gấp 10 lần so với phương Tây. Thế nhưng, sự phát triển quá nhanh chóng có thể gây nguy hiểm cho nước này. Thực tế cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đang phải gánh 164 tỉ USD tiền nợ khó đòi và có nhiều người phất lên nhanh nhưng cũng sớm trắng tay.

 

Giàu có và tù tội

 

Quả thật giàu có là vinh quang nhưng đồng thời cũng đầy rủi ro. Ví dụ như trường hợp của Chen Tianqiao. Ông kiếm được một tỉ USD đầu tiên lúc mới 30 tuổi và có thời điểm giá cổ phiếu công ty của Chen tăng gấp 4 lần trong vòng 7 tháng. Thế nhưng sau một năm rưỡi thì một tỉ USD bốc hơi theo sự rớt giá thê thảm của cổ phiếu. Tài sản của Chen từ 1,5 tỉ USD tụt xuống còn 500 triệu USD. Tuy nhiên, Chen lại là một trong số những người may mắn trong giới giàu có Trung Quốc vẫn giữ được một phần tài sản của mình cùng với công việc kinh doanh, tuy vẫn còn khó khăn. Không ít đại gia khác đã kết thúc sự nghiệp trong cảnh phá sản, nợ nần chồng chất, phải ngồi tù, hay thậm chí "dựa cột".

 

Tháng 3 năm nay, Yuan Baojing, 42 tuổi, cựu môi giới chứng khoán từng nắm trong tay 60 công ty mà Hồ Nam Report cho rằng có đến 6 tỉ USD, đã bị xử tử hình vì tội sát hại một người làm ăn chung vốn mưu toan tống tiền ông này. Trong 3 năm qua, 2 triệu phú đã bị giết hại và ít nhất 2 người tự tử.

 

Yang Bin, 43 tuổi, từng là người giàu thứ hai ở Trung Quốc vào năm 2001 với tài sản 940 triệu USD, đã phải gỡ 18 cuốn lịch vì lừa gạt cổ đông bằng cách thổi phồng lợi nhuận công ty. Còn Công ty Thượng Hải Land đã bị loại khỏi Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong hồi năm ngoái sau khi người sáng lập Zhou Zhengyi phải ngồi tù vì tội gian lận.

 

Chính vì vậy, L.Brahm, một luật sư và nhà tư vấn người Mỹ chuyên về kinh doanh tại Bắc Kinh, mới kết luận: "Danh sách những người giàu có tại Trung Quốc đã trở thành danh sách bị truy nã bởi vì có quá nhiều người làm giàu một cách bất hợp pháp".

 

Theo Thanh niên/Bloomberg