1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kathmandu - thung lũng chết (1)

(Dân trí) - 10 năm nội chiến, triền miền súng đạn, hơi cay, dùi cui, biểu tình, khủng bố, đàn áp đã biến Kathmandu, thủ đô của đất nước kỳ diệu Nepal, trở thành xứ sở chết, gieo rắc sự bất ổn và khủng bố trong khu vực Nam Á.

Khác hẳn với những lo lắng trước khi băng qua vùng chiến sự, chỉ sau gần hai ngày đường, từ Base camp bên đỉnh Everest, nóc nhà thế giới tôi đã trở về Kathmandu thủ đô của Quốc vương Nepal hoàn toàn vô sự. Từ độ cao 5.400m tụt xuống 1.220m, tôi cảm thấy rất rõ mình bị rơi tõm xuống địa ngục trần gian. 10 năm nội chiến, triền miền súng đạn, hơi cay, dùi cui, biểu tình, khủng bố, đàn áp đã biến đất nước kỳ diệu này trở thành xứ sở chết, gieo rắc sự bất ổn và khủng bố trong khu vực Nam Á.

 

Con đường tử thần

 

 

Kathmandu - thung lũng chết (1) - 1
 

Nhà báo Xuân Bình tại Kathmandu.

Con đường từ cửa khẩu Trung Quốc - Nepal Zangmu trở về thủ đô Kathmandu chỉ 120km nhưng xe ôtô phải chạy mất hơn 5 giờ, mặc dù mỗi khi lăn bánh tài xế đều chạy mát ga. Mọi tuyến đường, mọi loại phương tiện giao thông và tất cả mọi người trở về thủ đô đều bị kiểm soát gắt gao. Hàng chục bốt gác dựng lên bởi các vật liệu ọp ẹp, những chướng ngại vật chủ yếu làm bằng thùng phuy nhồi lỏng chỏng dăm ba hòn đá cuội, những cuộn dây thép gai mong manh, những khẩu súng cũ kỹ lăm lăm trên tay những chú lính măng tơ nhiều năm qua đã không đủ sức chống đỡ được tình trạng bạo loạn, không ngăn được bao cái chết oan uổng của đồng bào Nepal dù là ở chiến tuyến nào.

 

Những công cụ của tử thần đủ làm cho tinh thần của du khách cứ căng ra ở các thái cực cảm xúc. Những bạn trẻ chưa một lần trải qua chiến tranh cố tự cân bằng, lấy lại tâm trạng bình thản bằng cách là... ngủ hoặc hướng ống kính máy ảnh chụp lại những vạt rừng màu xanh mà đã hơn chục ngày khám phá Tây Tạng, Everest dù là trong mơ họ cũng khó bắt gặp. Vách núi dựng đứng, địa hình khá dốc đủ tạo cho nhánh sông nhỏ Sun Kosi dáng vẻ hùng vỹ hiếm thấy, cũng là cơ hội hiếm hoi để những cây cầu xi măng trụ cuốn mang dấu tích kiến trúc cổ điển Anh và những cây cầu treo mỏng mảnh khoe phô dáng vẻ kiêu hãnh.

 

Với tôi, đây là dịp hồi tưởng lại những ngày sơ tán, những ngày cả nước rầm rập bước chân vào tiền tuyến. So với không khí ngày đó, những gì tôi mục kích hôm nay chẳng thấm tháp gì. Cảm giác ấy chỉ đẩy tôi nhìn thấy rõ bản mặt man rợ của chiến tranh. Sự sống - cái chết đang cùng lướt chạy trên những đường biên, thời khắc mong manh. Chính lúc ấy, từ mỗi thân xác đàn ông thường xuất hiện những khoái cảm rất quái đản - tâm trạng trai thời loạn. Hình như phụ nữ không thể có và không thể hiểu nổi.

 

Xe bị chặn lại ở một chốt gác khá lâu, những người lính thông báo cách đó không xa, phiến quân Maoists vừa nã súng tấn công vào quân đội và cảnh sát Hoàng gia. Bảy người đã thiệt mạng. Mười năm qua, các bãi chiến trường thường bám lấy vùng nông thôn, những con đường huyết mạch. Bảy người lính ngã xuống hôm nay đã đẩy con số người Nepal thiệt mạng trong cuộc nồi da nấu thịt lên tới hơn 13.000 người.

 

 

Kathmandu - thung lũng chết (1) - 2
 

Một bốt gác ở Quảng trường Durbar.

Tôi rùng mình khi nhớ lại ở thị trấn Bansangu vừa đi qua, có người lính còn mang theo cả vợ và hai đứa con xinh xắn ra chốt gác. Cuộc sống thường nhật của họ, tình yêu của họ, có thể cả hy vọng của họ bám rất chặt vào những bao cát, công sự và những nòng súng. Trên trán người vợ vẫn đỏ một tín dấu may mắn mà thần Kali ban phát. Trong ánh mắt bé gái, bầu trời Nepal những ngày cuối xuân chưa bao giờ xanh như thế. Ánh mắt bé trai dường như không thể dời khỏi đống balô xanh đỏ, lủng củng đồ leo núi chất đầy trên nóc xe của chúng tôi tựa như những món đồ chơi ước mơ, trong đó có cả những câu chuyện cổ tích của một thế giới nào khác... Cầu mong cho họ vô sự!

 

Kathmandu là đây?

 

Về gần tới thủ đô càng thấy dày đặc lực lượng quân đội, cảnh sát cùng với thiết bị quân sự hiện đại hơn như xe tăng, xe bọc thép đang chiếm đóng ở những tụ điểm giao thông, những điểm cao. Thành phố bị cắt điện. Khi bóng đêm ập xuống, cả thung lũng Kathmandu dật dờ âm khí, bên chân tượng thần huỷ diệt, những cái khấu đầu, bao lời cầu nguyện của các tín đồ Hindu dường như có vương dính cả màu, mùi máu huyết mà thần Kali mải nhảy múa trên thân xác chồng bà nên chưa liếm sạch. Truyền thuyết Hindu nói rằng, mỗi giọt máu còn loang chảy là có cả nghìn quỷ dữ xuất hiện.

 

Một hung tin đối với du khách là ngày mai (mùng 6/4) theo lời hiệu triệu của bảy đảng phái đối lập, cả nước sẽ tiến hành đình công trong bốn ngày. Để thể hiện sự cứng rắn với các đảng phái đối lập nhằm vãn hồi trật tự xã hội hay nói đúng hơn là để giằn mặt dân chúng, Chính phủ cũng ban bố tình trạng giới nghiêm, trói chặt chân mọi người trong nhà từ chín giờ sáng kéo dài đến tám giờ tối.

 

 

Kathmandu - thung lũng chết (1) - 3
 

Sự sống và cái chết trong các cuộc chiến hết sức

mong manh.

Thật bàng hoàng khi lần đầu tiên trong đời phải sống, phải chứng kiến tình trạng toàn bộ guồng máy xã hội, công sở, nhà hàng, cửa hiệu đều ngừng hoạt động. Bộ mặt phố xá hiện lên với dáng vẻ kiêu hãnh điên khùng của những chiếc khoá lớn nhỏ. Điện tiếp tục bị cắt nhiều giờ, mạng điện thoại di động cũng gián đoạn để hạn chế những liên lạc của các tổ chức phe nhóm chống đối. Trước giờ giới nghiêm, nhiều chú Tây balô đã nhanh nhẹn xuống chợ mua thực phẩm. Nhân viên các khách sạn, nhà nghỉ niềm nở cho du khách mượn nồi niêu xoong chảo để tự phục vụ bữa sáng ngay trong phòng ngủ.

 

Trên nhiều tuyến phố đi qua, chỉ có tôi, cảnh sát và đàn chó lặng lẽ ngắm nhau, chào nhau. Đặc điểm chung của chó Kathmandu là lười biếng, chúng nằm như dán trên những con đường không ra con đường, những vỉa hè không ra vỉa hè, đôi khi sủa vặt như phụ  hoạ với đám chủ nhân vô công rồi nghề thích tụ tập đàm luận tình hình quốc gia đại sự ngoài hiên cửa. Còn cảnh sát và quân đội Hoàng gia mặc dù nổi tiếng khắp thế giới về bản lĩnh trận mạc của những người chuyên nghề đánh thuê nhưng trong sâu đáy mắt chỉ có vô tận một nỗi niềm mỏi mệt.

 

Mỗi khi nhìn thấy tôi hay một du khách nước ngoài đi qua, họ khá thân thiện. Phần nhiều là mỉm cười, nụ cười không chỉ dành cho những gương mặt là lạ không mang ký hiệu Nepal. Nụ cười của những người đang đói nhìn thấy một mẩu vụn bánh mỳ trót vương trên hè phố.

 

Kỳ sau: Lễ hiến máu

 

Xuân Bình