Italy tố cáo Liên Xô đứng đằng sau vụ ám sát John Paul II
(Dân trí) - Lần đầu tiên sau nhiều năm bán tín bán nghi, một ủy ban của quốc hội Italy đã lên tiếng cáo buộc Liên bang Xô viết đứng đằng sau vụ ám sát hụt cố Giáo hoàng John Paul II năm 1981.
Hãng thông tấn AP căn cứ vào một bản thảo của Ủy ban Italy cho biết, Giáo hoàng bị coi là mối nguy hiểm của Liên bang Xô viết, vì ông đã ủng hộ phong trào đoàn kết lao động ở Ba Lan, quê hương ông. Trong thời điểm xảy ra vụ ám sát, Đoàn kết lao động là tổ chức thương mại tự do đầu tiên ở Đông Âu.
Bản báo cáo khẳng định tình báo quân sự Xô viết, chứ không phải KGB, là tổ chức phải chịu trách nhiệm trước vụ ám sát. Tuy nhiên, người phát ngôn của cơ quan tình báo nước ngoài Nga, Boris Labusov, cho rằng tố cáo trên là vô lý. “Tất cả những khẳng định về bất kỳ sự tham gia nào của các lực lượng đặc biệt Xô viết, bao gồm cơ quan tình báo nước ngoài, trong vụ mưu sát Giáo hoàng đều vô lý.”- Boris Labusov phát biểu trên Interfax.
Agca đã phải ngồi 19 năm tù ở Italy vì bắn Giáo hoàng John Paul II, và 5 năm rưỡi ở Thổ Nhĩ Kỳ vì giết chết nhà báo Abdi Ipekci. Anh ta được ra tù ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 12/1 vừa qua, nhưng đã bị bắt trở lại, sau khi các công tố kết luận anh ta phải bóc lịch thêm 10 năm nữa. Agca sẽ chính thức được ra tù vào năm 2010. |
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản thảo. Ủy ban quốc hội trên sẽ đệ trình bản báo cáo cuối cùng trong cuộc họp vào thứ ba này.
Theo bản báo cáo, một bức ảnh cho thấy Sergei Antonov, người Bulgary được xử trắng án trong vụ ám sát hụt Giáo hoàng ngày 13/5/1981, đã ở quảng trường St.Peter khi Giáo hoàng bị Mehmet Ali Agca bắn. Lúc bấy giờ, Cơ quan mật vụ Bulgary bị tình nghi làm việc cho tình báo quân sự Xô viết. Tuy nhiên, tòa án Italy kết luận bằng chứng đó không đủ để kết tội người Bulgary tham gia vào vụ ám sát.
Còn kẻ ám sát người Thổ Nhĩ Kỳ Agca thì liên tục thay đổi lời khai, khiến các nhà điều tra không thể nào tìm ra anh ta đã làm việc cho ai. Đầu tiên, anh ta đổi lỗi cho người Xô viết. Nhưng năm 1991, Mikhail Gorbachev đã phủ nhận sự tham gia của KGB.
Tại Bulgary, người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này Dimiter Tsanchev cho biết, vụ việc đã khép lại kể từ khi có phán quyết của toàn án Italy vào tháng 3/1986. Nhắc tới lời của John Paul II trong chuyến thăm Bulgary hồi tháng 5/2002, ông cho biết: “Lúc bấy giờ Giáo hoàng đã nói rằng ông không bao giờ tin Bulgary có liên quan.”
Ủy ban Italy được thành lập với mục đích điều tra quá trình xâm nhập của KGB vào Italy trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Chủ tịch ủy ban, thượng nghị sỹ Paolo Guzzanti, cho biết ông đã quyết định điều tra vụ ám sát Giáo hoàng năm 1981 sau khi John Paul viết trong cuốn sách “Hồi ức và Nhận dạng: Các cuộc đối thoại giữa các thiên niên kỷ” rằng, “đã có ai đó khác lập kế hoạch (ám sát), đã có ai đó khác ủy thác (việc ám sát)”. Cuốn sách đã được xuất bản vài tuần trước khi Giáo hoàng qua đời.
Trang Thu
Theo AP