1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IS làm xiếc qua hệ thống chống khủng bố châu Âu

(Dân trí) - Về tình trạng này đối với Pháp, nhật báo Le Figaro ngày 22/11 phân tích từng trường hợp các đối tượng thánh chiến đã lách qua những lỗ hổng an ninh như thế nào.

IS làm xiếc qua hệ thống chống khủng bố châu Âu - 1

Tên Abdelhamid Abaaoud, 28 tuổi, người Bỉ gốc Marroco bị tình nghi là kẻ đứng đằng sau loạt vụ tấn công khủng bố Paris tối 13/1l. (Ảnh: Guardian)

Chẳng hạn như đối với Abdelhamid Abaaoud, người gốc Marroco mang quốc tịch Bỉ. Hắn đã tự do đi về giữa châu Âu và Syria nhiều lần mà không hề bị giữ lại cho dù là đối tượng bị truy nã của châu Âu và quốc tế, sau bản án 20 năm tù do khủng bố bất thành ở Verviers - khu vực thuộc miền Đông nước Bỉ.

Hay anh em tên Abdeslam là thủ phạm vụ khủng bố kinh hoàng đêm 13/11 vừa qua tại thủ đô Paris. Chúng cũng thoải mái đi từ Hy Lạp sang Áo mà Bỉ không hề thông báo cho Pháp.

Samy Amimour, một trong 3 thủ phạm trực tiếp ra tay trong vụ khủng bố tại nhà hát Bataclan, Paris dù đã bị tịch thu hộ chiếu và thẻ căn cước do toan tính đi sang Yemen và bị đặt dưới sự kiểm soát tư pháp, nhưng tên này cùng đồng bọn chỉ cần đến cơ quan cảnh sát khai báo mất giấy tờ là được cấp lại thẻ căn cước mới (!?)

Đồng phạm của Amimour là Omar Ismael Mostefai cùng từng có tới 8 tiền án nhưng chưa hề bị ngồi tù mà chỉ bị ghi tên trong danh sách lưu ý của các cơ quan an ninh châu Âu, bao gồm cả Pháp. Tên này đã được Thổ Nhĩ Kỳ 2 lần thông báo cho Pháp việc hắn đi sang Syria.

Còn Mohammad Al Mahmod và Ahmad Al Mohammad, 2 tên đánh bom liều chết tại sân vận động Stade de France, từng trà trộn trong số những người tị nạn đi tàu đến cảng Pirée thuộc Hy Lạp rồi từ đó sang Cộng hòa Séc.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới việc tên Reda Hame, kẻ bị câu lưu sau khi từ Syria về Pháp, từng khai rằng Abaaoud đã ra lệnh khủng bố “một nhà hát" với gợi ý nên đi vòng qua ngả Praha để tránh bị chú ý. Tuy nhiên lời cảnh báo này có vẻ đã không được ngành chức năng chú ý lắm.

Những động thái trên cho thấy không gian Schengen có những lỗ hổng, sai sót và yếu kém chết người để các đối tượng thánh chiến lợi dụng gây ra những vụ tấn công khủng bố tàn bạo, gieo rắc nỗi sợ hãi và hoảng loạn trong dân chúng.

Cũng liên quan đến IS, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Libération ngày 22/11, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố Gérard Chaliand nhấn mạnh rằng “không có gì để thương lượng với phe Hồi giáo cực đoan”. Trả lời câu hỏi liệu có nên tiếp tục không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vì lại gây ra nguy cơ tiếp tục bị khủng bố, ông Chaliand nêu rõ: đây chính là lúc cần chú trọng các biện pháp tự vệ, chứ không phải tự trách mình.

Cũng theo ông Chaliand, IS không phải là một phong trào khủng bố đơn thuần mà là một tổ chức có nhiều hoạt động khác nhau, từ khủng bố, chiến tranh tâm lý cho đến đánh du kích. Bên cạnh đó, chúng còn tự đặt ra những quy định để kiểm soát hành chính đối với người dân như: in tiền, xây dựng mạng lưới tế, cung cấp điện, nước…

Xem ra IS đã rất biết cách lợi dụng cả những kẽ hở về an ninh lẫn trong hệ thống xã hội để tạo chỗ đứng cho Hồi giáo cực đoan. Tại một số vùng ngoại ô châu Âu, nhiều thanh niên bị đảy sang bên lề xã hội, chỉ còn lựa chọn là tham gia tổ chức cực đoan này.

Đặc điểm của Hồi giáo cực đoan là không thương lượng. Nếu theo đuổi một mục tiêu, chúng phải tìm cách đè bẹp đối tượng để tìm kiếm chiến thắng toàn diện.

Không thể thương lượng với IS nhưng cũng không phải là có thể dễ dàng đánh bại chúng, điều cần làm hiện nay là phải làm sao kìm hãm chúng trước hết bằng quân sự, sau đó phải có hệ thống luật lệ vững chắc để đối phó với kẻ thù từ bên trong.

Bên cạnh đó, do khủng bố chủ yếu là hòng trấn áp về tinh thần, vậy không thể để chúng đạt được mục đích gây sợ hãi. Không nên liên tục đưa quá nhiều các hình ảnh tàn bạo, khủng khiếp do chúng gây ra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó chính là một dạng “kiểm duyệt trong chiến tranh”. Tất nhiên vẫn cần phải thông tin, nhưng cũng không nên gây hoảng loạn trong dân chúng, ông Chaliand kết luận.

Quý Cao (tổng hợp)

IS làm xiếc qua hệ thống chống khủng bố châu Âu - 2