1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Iraq: Cuộc vật lộn mưu sinh ngầm của những “cây kéo vàng”

(Dân trí) - Người Hồi giáo cực đoan coi chuyện cắt tóc và làm đẹp là tội lỗi, chính vì thế họ đã đe doạ, thậm chí giết các phụ nữ làm nghề này. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo và cũng để mang lại niềm hi vọng cho phụ nữ, họ buộc phải hành nghề bí mật để tránh con mắt của dò xét của các phần tử cực đoan.

Umm Doha cắt tóc và tẩy lông mày cho khách hàng một cách bí mật từ chính căn phòng ở của cô bởi nghề làm đẹp cho phụ nữ có thể khiến ai đó phải đi tù.

 

Hai năm trước, những người nổi loạn người Sunni và Shiite đã bắt đầu xoá xổ các hiệu làm đẹp. Họ đã giết vài chuyên gia làm tóc và buộc những người khác phải từ bỏ nghề trong một nỗ lực nhằm dập tắt “sự truyền bá văn hoá suy đồi từ phương Tây”.

 

Bên cạnh các hiệu làm đẹp và cắt tóc, những người nổi loạn còn nhằm vào các tiệm rượu và các nhà thờ Cơ-đốc giáo. Năm 2007, hầu hết các cửa hiệu làm đẹp tại miền nam thành phố Basra nơi có đông người Shiite sinh sống đã phải đi vào hoạt động ngầm.

 

Viễn cảnh có thể bị giết chỉ vì thường xuyên lui tới một hiệu làm tóc là một lý do thuyết phục để phụ nữ từ bỏ ham muốn làm đẹp. Nhưng phụ nữ Iraq, mặc dù có thể là mục tiêu của những người nổi loạn, vẫn muốn trở nên xinh đẹp và sành điệu.

 

Nhà tạo mẫu tóc Kifah nói: “Hãy xem thẩm mỹ viện này. Nó chưa bao giờ trống rỗng y như là không liên quan gì tới chiến tranh. Phụ nữ là phụ nữ, họ luôn thích làm đẹp”.

 

Dù ra vẻ dũng cảm nhưng Kifah, cũng giống như tất cả các thợ cắt tóc khác được phỏng vấn, đều từ chối tiết lộ tên đầy đủ vì cô sợ sẽ bị trả thù bởi các phần tử cực đoan.

 

Vụ tấn công mới nhất xảy ra hôm 13/12 nhằm vào một cửa hiệu làm đẹp tại thành phố Mosul phía tây bắc của thủ đô Baghdad. Các tay súng đã bất ngờ đột nhập và giết bà chủ cửa hàng. Năm ngoái, các phần tử cực đoan cũng đã đốt phá cửa hàng của thợ cắt tóc Umm Doha, 42 tuổi, tại phía tây Baghdad sau khi cô từ chối nghe theo cảnh báo của họ là phải đóng cửa hiệu

 

Doha nói: “Họ không muốn nhìn thấy các cửa hiệu của phụ nữ. Hai cửa hiệu khác cũng đã bị đốt”. Doha cũng cho biết những người Hồi giáo cực đoan tỏ ra khó chịu khi nhìn thấy những cô gái rời khỏi cửa hiệu làm đẹp, trong đó có cả các cô dâu đi trang điểm cho đám cưới thậm chí khi họ đã đeo mạng che mặt khi ra đường.

 

Ít ngày sau khi cửa hiệu nhỏ của Umm Doha bị phá huỷ, cô đã chuyển một căn phòng trong ngôi nhà của cô để thành một tiệm làm đẹp bí mật. Cô không có sự lựa chọn nào khác. Số tiền ít ỏi của chồng không đủ chi tiêu cho cả gia đình với 3 đứa con.

 

Không biết có bao nhiêu hiệu làm đẹp bí mật tại Iraq. Tuy nhiên, việc mở cửa hàng bí mất ngay tại nhà cũng khiến thu nhập của họ bị giảm sút do chỉ có những khách hàng quen biết.

 

Umm Doha cho biết thời gian gần đây cô chỉ kiếm được khoảng 200 USD/tháng. Các cô dâu là những người có thể mang lại nhiều lợi nhuận nhất: Họ phải nhuộm và tỉa lông mày, làm tóc và trang điểm thật đẹp - tất cả mất khoảng 65USD. Umm Doha giờ đây chỉ có khoảng 2 cô dâu hàng tháng thay vì hàng tuần như trước đây.

 

Một phụ nữ tâm sự cuộc chiến tại Iraq càng làm cô muốn trở nên xinh đẹp. Cô cho biết cô không thể kết thúc chiến tranh nhưng có thể khích lệ tinh thần của bản thân bằng cách làm đẹp.

 

“Bạo lực tại Iraq giống như một người bị sốt cao. Cơn sốt sẽ hạ xuống và Iraq sẽ trở lại bình thường. Nhưng cho tới lúc đó, tôi muốn mình trông xinh đẹp và hợp thời trang”.

 

Nhà tạo mẫu tóc Kifah thì nói: “Ở đây chúng tôi mang đến cho phụ nữ niềm hi vọng. Họ vẫn cảm thấy họ là phụ nữ, thậm chí trong những thảm hoạ tồi tệ nhất”.

 

Một cháu gái và cháu trai của Kifah đã chạy trốn. Một người thân khác bị bắt cóc và sau đó bị giết cho dù gia đình của Kifah đã trả tiền bảo lãnh. Nhưng cửa hiệu của cô vẫn phải mở cửa. “Nếu chúng tôi mang đến hi vọng cho phụ nữ, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục”.

 

VTH

Theo AP