1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran và canh bạc lớn của ông Trump

Tuyên bố “không công nhận” Iran tuân thủ thỏa thuận có thể chỉ là hành động mang tính biểu tượng, chỉ đe dọa Iran chứ không thực sự xé thỏa thuận.

Dự kiến ngày 13-10 (giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có buổi báo cáo về quá trình thực thi thỏa thuận hạt nhân của Iran trước Hạ viện Mỹ. Ông Trump trước nay vẫn phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 quá nhượng bộ Iran. Trước Đại hội đồng LHQ tháng trước, ông Trump còn gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất của Mỹ”. Khả năng cao ông Trump lần này sẽ tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận.

Hạ viện có chiều ý ông Trump?

Nếu ông Trump tuyên bố không công nhận, Hạ viện Mỹ sẽ có hai tháng để tranh luận, quyết định có khôi phục trừng phạt Iran, xé bỏ thỏa thuận hay không. Tuy nhiên, trang USA Today nhận định khả năng này khó xảy ra. Theo nhà phân tích Michael Rubin tại Viện Kinh doanh Mỹ, Hạ viện nước này sẽ không khôi phục hay ra thêm lệnh trừng phạt mới với Iran, đồng nghĩa duy trì thỏa thuận năm 2015.

Khi thỏa thuận còn trong giai đoạn thương lượng, Hạ viện Mỹ từng chia rẽ mạnh với đa số phản đối. Nhưng giờ đây nhiều nghị sĩ từng chỉ trích thỏa thuận cũng cho rằng duy trì thỏa thuận dù không hoàn hảo cũng tốt hơn hủy bỏ nó. Họ cho rằng thỏa thuận ít nhất cũng giúp kiểm soát được tham vọng hạt nhân Iran, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên đang rất cao, trang USA Today cho biết.

Ngoài ra cũng có khả năng Hạ viện Mỹ đồng ý thúc đẩy thương lượng lại thỏa thuận, củng cố hơn thế đối đầu của Mỹ với Iran và mang lại cảm giác chiến thắng phần nào cho ông Trump. Chính phủ Trump sẽ dùng 60 ngày này thương lượng trong nội bộ và với Hạ viện để đi đến một đề xuất hợp ý ông Trump hơn. Còn có ý kiến phân tích nhận định tuyên bố “không công nhận” chỉ là hành động mang tính biểu tượng, ông Trump chỉ muốn dằn mặt Iran chứ không thực sự muốn xé bỏ thỏa thuận.


Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Trump nói thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận tồi tệ nhất của Mỹ. Ảnh: FOREIGN POLICY

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Trump nói thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận tồi tệ nhất của Mỹ. Ảnh: FOREIGN POLICY

Iran đổ lỗi cho Mỹ

Ông Trump luôn cho rằng thỏa thuận năm 2015 không phục vụ lợi ích Mỹ, chỉ cung cấp thêm nguồn tài chính cho Iran phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi ngày 10-10 tái khẳng định rằng thỏa thuận đã phục vụ lợi ích của toàn thể cộng đồng quốc tế nhiều hơn quyền lợi quốc gia Iran, đồng thời chỉ trích thái độ tiêu cực của Mỹ.

Tờ The Los Angeles Times nhận định Iran chắc chắn sẽ rời khỏi thỏa thuận và tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Hạ viện Mỹ quyết khôi phục trừng phạt. Xét cho cùng, kịch bản này sẽ có lợi cho Iran hơn cho Mỹ. Theo ông Michael Rubin phân tích, khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran đã tạo được xuất phát điểm mới. Xé bỏ thỏa thuận sẽ mở đường để Iran khôi phục phát triển hạt nhân và thậm chí đổ hết phần lỗi cho Mỹ. Khi đó các nước cũng sẽ chĩa mũi dùi về phía Mỹ chứ không phải Iran.

Thiệt hại cho đồng minh

Ông Trump muốn Mỹ và các đồng minh buộc Iran chấp nhận một thỏa thuận nhiều áp lực hơn, nhiều hạn chế về thử tên lửa hay hỗ trợ khủng bố ở Trung Đông. Thế nhưng chủ trương của các nước phương Tây là muốn Mỹ giữ yên thỏa thuận. Trong cuộc điện đàm tối 10-10 với ông Trump, Thủ tướng Anh Theresa May cũng nhấn mạnh điều này.

15 -10 -2017 là thời hạn cuối Mỹ phải báo cáo về việc Iran thực thi thỏa thuận hạt nhân. Nếu lần này không đạt mục đích, ông Trump vẫn còn cơ hội ở lần báo cáo trước Hạ viện Mỹ lần tới vào tháng 1-2018.

Phần lớn trừng phạt Mỹ dỡ bỏ với Iran là “các lệnh trừng phạt thứ phát” áp dụng lên các công ty ngoài Mỹ làm ăn với Iran. Sau khi thỏa thuận đi vào thực hiện, các nhà đầu tư phương Tây xếp hàng vào Iran tìm kiếm cơ hội từ thị trường nhiều tiềm năng này. Một khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, hàng tỉ USD tiền đầu tư này sẽ bị “đóng băng”. Theo các nhà phân tích, không loại trừ khả năng các nước phương Tây sẽ trả đũa kinh tế với Mỹ. Các công ty Mỹ có thể sẽ phải đối mặt nhiều hạn chế thương mại từ các chính phủ phương Tây.

Theo nhà phân tích Richard Nephew, thuộc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu (Mỹ), chỉ cần ông Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, khả năng lớn các công ty châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc sẽ phải nghĩ lại chuyện đầu tư vào Iran nếu muốn tránh cảnh “tiền mất tật mang”.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) giữa năm 2015. Theo đó Iran sẽ dừng chương trình phát triển hạt nhân về dài hạn, đổi lại các nước sẽ dỡ bỏ trừng phạt, được tham gia lại vào hệ thống ngân hàng thế giới, thị trường dầu và được dỡ bỏ phong tỏa hàng tỉ USD tài sản ở nước ngoài.

Thỏa thuận chỉ đơn thuần đề cập đến chương trình hạt nhân Iran, không liên quan chương trình tên lửa đạn đạo nước này và cũng không liên quan việc Iran ủng hộ các nhóm vũ trang Hamas, Hezbollah mà Mỹ xem là khủng bố. Nhiều chính trị gia Mỹ đã không hài lòng về điều này. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn không có bằng chứng cho việc Iran không tuân thủ đúng thỏa thuận. Cơ quan Năng lượng hạt nhân (IAEA) của LHQ đã tám lần xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận.

Nhiều phó tướng thân cận nhất của ông Trump cũng không muốn hủy bỏ thỏa thuận. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói thỏa thuận năm 2015 phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ. Thỏa thuận dù thiếu sót cũng ngăn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân trong ít nhất 10 năm. Nhiều thành viên nội các Trump thời gian gần đây tích cực vận động Hạ viện giữ thỏa thuận, trong đó có Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP. HCM