Iran đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Mỹ
(Dân trí) - Trước sự đe doạ tấn công của Mỹ, Iran đang lặng lẽ cơ cấu lại quân đội và chuyển đổi chiến lược quốc phòng theo mô hình chiến tranh du kích.
Đối với Hossein Shariatzadeh, một cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến tranh 8 năm giữa Iran và Iraq trong thập kỷ 1980, nay đang làm tài xế lái xe taxi tại Tehran, thì cuộc chiến của Mỹ chống lại Iran chắc chắn sẽ khó tránh khỏi và sẽ hết sức khốc liệt. "Chúng tôi là Iran, đụng vào Iran là đụng vào súng đạn, vào bom nguyên tử. Đừng nhìn vào chiếc ghế ô tô mà coi thường tôi nhé. Tôi sẵn sàng ra ngay mặt trận bây giờ đấy", anh ta khẳng định.
Hiện nay, cả Mỹ và Israel không bác bỏ khả năng tiến hành một đòn tấn công chiến thuật nhằm vào các mục tiêu liên quan tới ngành công nghiệp hạt nhân của Iran nếu những nỗ lực ngoại giao không đạt kết quả.
Về phía mình Iran đang lặng lẽ cơ cấu lại quốc phòng nhằm đối phó với một cuộc tấn công trong tương lai. Gần đây, nước này đã tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự để thử nghiệm học thuyết quân sự mới. Tháng 12/2005, hơn 15.000 quân thường trực đã tập trận ở khu vực các tỉnh biên giới phía Đông Bắc giáp Azerbaijan và Azerbaijan để thử nghiệm loại hình chiến tranh không quy ước sử dụng các đơn vị cơ động nhanh.
Một cuộc tập trận thứ hai đã được tiến hành ở tỉnh Khuzestan, khu vực chiến lược có nhiều dầu mỏ nhưng thường xuyên bất ổn về chính trị và là con bài để phương Tây lợi dụng gây sức ép với Iran về dân chủ, nhân quyền. Cuộc tập trận này có quy mô lớn với sự tham gia của khoảng 100.000 quân, trong đó có cả lực lượng dân quân Basij từng đóng vai trò rất quan ttrọng trong cuộc chiến chống Iraq và các lữ đoàn chống bạo động Ashura.
Ngoài ra mấy tháng trở lại đây, hàng loạt cuộc diễn tập ở các tỉnh ven biển cũng đã được tiến hành dồn dập ở ven biển, từ Bandar Abbas, eo biển Hormuz và tới các căn cứ quan trọng ven vịnh Persic.
Đáng chú ý Iran đang có những động thái nhằm chuyển đổi Lực lượng vệ binh cộng hoà (RG), đội quân chính quy thiện chiến nhất của họ, từ nhiệm vụ bảo vệ biên giới, sang nhiệm vụ mới là thu hút đối phương vào sâu trong lãnh thổ để tiêu diệt bằng chiến thuật chiến tranh phi đối xứng. RG cũng tách khỏi Bộ chỉ huy quân đội thường trực để tập trung cho chức năng bảo vệ biên giới.
Theo các nhà quan sát, chiến lược chiến tranh phi đối xứng của Iran tập trung vô hiệu hoá một đòn tấn công của Mỹ theo hướng từ miền trung Iraq thọc vào khu vực trung tâm của họ.
Lãnh đạo Iran cũng quyết tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho quân đội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Tehran đã sở hữu nhiều loại tên lửa tầm xa và đang có ý định phóng vệ tinh tự chế bằng công nghệ do Nga cung cấp. Hệ thống phòng không lạc hậu của họ mới đây cũng đã được tăng cường một số giàn phóng tên lửa đất đối không của Nga. Ngoài ra, Iran nắm trong tay nhiều tên lửa kiểu cũ do Trung Quốc chế tạo đã được nâng cấp, có thể triển khai tại các căn cứ ven biển, trên tàu chiến và máy bay. Nhiều nguồn tin khẳng định Iran thậm chí còn có một số giàn tên lửa hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay do Nga sản xuất 3M-82 Moskit. Nếu
Abdurrahman Shayyal, một chuyên gia phân tích chiến lược người Arập Xêút đánh giá, mặc dù không quân Iran tương đối hạn chế, nhưng kho vũ khí đất đối không của họ rất hiện đại và có thể tác chiến rất nhanh. Mặt khác, các căn cứ quân sự của Iran được bảo vệ rất chặt chẽ, khó xâm nhập.
Để khuất phục với Iran, Mỹ đang cố lôi kéo các đồng minh khu vực nhằm thống nhất thành một mặt trận chung, đồng thời thiết lập một lực lượng nội ứng ở các tỉnh biên giới nước này. Báo chí Mỹ cuối tuần qua tiết lộ Washington đang có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho vùng Vịnh. Hệ thống này được tích hợp cùng với hệ thống các tàu khu trục hiện đại lớp Aegis hoạt động trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng những động thái trên chỉ làm tình hình Trung Đông thêm căng thẳng. "Bất cứ một liên minh nào không bao gồm Iran đều sẽ bị thất bại", GS Muhammad Reza Saedabadi, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu châu Âu và Bắc Mỹ nói.
Bên cạnh đó, bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm hạ thấp uy tín, Tổng thống Mahmud Ahmadinejad được dư luận nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo Shiite sinh sống đánh giá cao do lập trường chống Mỹ, Israel chống và nhấn mạnh tới tinh thần độc lập dân tộc của ông. Ngay cả Hội đồng các quốc gia vùng Vịnh (GCC), một tổ chức khu vực rất mạnh bao gồm 6 nước Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arập Xêút, Các tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất, trong kỳ họp tham vấn chính thức vào ngày 6/5 vừa qua đã ra tuyên bố không ủng hộ Iran có vũ khí hạt nhân, đồng thời phản đối Mỹ đe doạ sử dụng vũ lực tấn công nước này. Lập trường này của GCC rất giống với Trung Quốc và Nga.
Trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Iran và không được các đồng minh khu vực ủng hộ, cuộc chiến của Mỹ chống Iran nếu có thể xảy ra chắc chắn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, giải pháp quân sự có thể sẽ được Mỹ tính toán rất kỹ bởi bài học Iraq vẫn đang sờ sờ trước mắt. Ngay cả khả năng trường phạt kinh tế cũng là một lựa chọn khó khăn trong bối cảnh giá dầu thế giới đang ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay.
Trong tình thế như vậy, việc Iran có thể mạo hiểm đẩy mạnh các bước đi cứng rắn của họ cũng là điều dễ hiểu.
Ngọc Nhàn