1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran “căng như dây đàn” trước nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ

(Dân trí) - Người dân Iran đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản đối đầu quân sự với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang tại khu vực Trung Đông.

Iran “căng như dây đàn” trước nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh: AFP)

Người dân ở Tehran nói bằng giọng điệu trầm lặng khi chia sẻ về những gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang ngày càng nóng lên, việc nhắc tới cuộc xung đột cận kề với Mỹ đã trở thành câu chuyện phổ biến trên khắp các con phố tại thủ đô của Iran.

Mỹ đã triển khai các vũ khí mới và binh sĩ tới khu vực sau khi Iran tuyên bố dừng thực hiện thỏa thuận hạt nhân. Nhiều người dân Iran, những người đang khao khát thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính do các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã thể hiện lập trường cứng rắn khi hai nước đang tiến gần tới nguy cơ xung đột.

Theo Reuters, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hồi đầu tuần đã tìm cách trấn an người dân rằng Mỹ “không muốn gây chiến” với Iran. Tuy vậy, không phải ai cũng cảm thấy được thuyết phục bởi tuyên bố này.

Nhiều người vẫn tin rằng các đối thủ của Iran, gồm Mỹ và các đồng minh ở vùng Vịnh như Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê út, từ lâu đã muốn phát động một cuộc chiến với Iran. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington không muốn chiến tranh, song một số người vẫn tin rằng chiến dịch gây sức ép về kinh tế và ngoại giao của chính quyền Mỹ đối với Iran đang đẩy mọi việc lên cao trào.

Một năm trước đây, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt một số lệnh trừng phạt cứng rắn nhất trong lịch sử lên quốc gia Trung Đông. Hệ quả là, các công ty nước ngoài lũ lượt rời khỏi Iran, trong khi đồng riyal của Iran lao dốc còn giá cả thì tăng vọt.

“Tôi không sợ chiến tranh vì tôi vốn đã thấy chiến tranh rồi”, Majid Haqiqi, 57 tuổi, nói khi đề cập tới cuộc xung đột kéo dài 8 năm giữa Iran với nước láng giềng Iraq từ năm 1980.

“Tôi tin rằng Mỹ chưa sẵn sàng tấn công Iran, mà chỉ tìm cách đe dọa chúng tôi”, Haqiqi nhận định.

Haqiqi đã đề xuất một ý kiến mà nhiều người ở Tehran cho là giải pháp gây tranh cãi.

“Cách duy nhất để thoát ra khỏi tình hình hiện nay là đối thoại. Có gì sai nếu Mỹ hiện diện ở đây? Mỹ có thể khởi động các doanh nghiệp tại Iran và sử dụng lao động của chúng ta. Nếu họ tiến một bước về phía chúng ta, chúng ta cũng có thể tiến một bước”, Haqiqi nói.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã đưa ra một số đề xuất đàm phán khi đề nghị chính quyền Iran gọi điện cho ông. Theo các nguồn tin ngoại giao, ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn liên lạc với phía Thụy Sĩ, để lại số điện thoại phòng trường hợp Iran muốn liên lạc với ông.

Các động thái của nhà lãnh đạo Mỹ dường như đi ngược lại với lập trường “diều hâu” của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, người vẫn đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ về ngoại giao cho chiến dịch của Mỹ nhằm đối đầu với Iran.

Trong khi đó, đối thoại với Mỹ cũng là điều khó chấp nhận đối với các lãnh đạo có lập trường cứng rắn của Iran như lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.

Không còn gì để mất

Iran “căng như dây đàn” trước nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ - 2

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng các tàu chiến được Mỹ đưa tới vùng biển gần Iran hôm 16/5. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh “căng như dây đàn”, nhiều người Iran dành sự quan tâm cho các vấn đề thường ngày.

“Tôi không nghĩ đến chiến tranh khi tôi còn phải nghĩ về những nhu cầu thiết yếu khác. Những người dân bình thường ở Iran không nghĩ về kẻ thù hay những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Họ cần một cuộc sống tốt đẹp hơn”, cựu sĩ quan quân đội về hưu Janati, 70 tuổi, nói với CNN.

“Chúng tôi không có gì để mất cả. Tôi tin rằng chúng tôi phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình. Chúng tôi phải cho phép đầu tư nước ngoài đến với chúng tôi”, Alireza Sahraiee, 37 tuổi, cho biết.

Năm ngoái Sahraiee từng là một doanh nhân quốc tế và sở hữu một xe hơi hạng sang. Một năm sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt Iran, anh trở thành một nhân viên thu ngân tại một cửa hàng.

Saba, một nữ sinh 19 tuổi, cho biết trong trường hợp xảy ra chiến tranh, cô “sẽ không rời khỏi Iran, mà sẽ tới một nơi xa xôi hẻo lánh cùng gia đình và chỉ quay trở lại khi nền hòa bình được thiết lập”.

Các chính trị gia cứng rắn của Iran vẫn tỏ vẻ thách thức. Họ chỉ trích Tổng thống Iran Hassan Rouhani và đội ngũ cải cách của ông vì vẫn kiên nhẫn theo đuổi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Các chính trị gia này tin rằng Mỹ và các đồng minh sẽ có nhiều thứ để mất nếu để xảy ra xung đột với Iran.

“Chúng ta có nhiều năng lực. Các tuyến vận tải dầu rất dễ bị tấn công tại vùng vịnh Persian, do vậy chúng ta không cần sử dụng những vũ khí tối tân”, Hossein Kanani Moghadam, cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nhận định.

Theo cựu chỉ huy Moghadam, Iran có thể phá hủy những tuyến đường vận tải dầu trọng yếu như eo biển Hormuz nếu xảy ra xung đột trực diện.

“Tôi tin rằng ông Trump là một tay chơi bài với những lá bài công khai. Còn lãnh tụ tối cao của chúng tôi là người chơi cờ với những nước cờ trong đầu. Đây dường như là một cuộc chiến giữa hai luồng ý chí. Dường như ý chí của ông Trump đang lo sợ Iran, trong khi chúng tôi không hề sợ ông ấy chút nào”, cựu chỉ huy Iran tuyên bố.

Ngoài những tuyên bố cứng rắn và phô diễn sức mạnh, Iran cũng đối mặt với nhiều rủi ro.

“Tôi nghĩ ở giai đoạn này Iran thực sự không muốn đối đầu trực diện, dù là với Mỹ hay với bất kỳ nước nào trong khu vực”, nhà nghiên cứu cấp cao Aniseh Bassiri Tabrizi tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói, đồng thời nhận định rằng trong trường hợp cần thiết, Iran vẫn sẽ đáp trả sự khiêu khích bằng “mọi công cụ” mà nước này sẵn có.

Một công cụ mà Iran có thể sử dụng là các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn trên toàn khu vực. Điều này sẽ cho phép Iran tập hợp các lực lượng ủy nhiệm trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tại Yemen, lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn hoạt động gần eo biển Bab el-Mandeb trên biển Đỏ, một tuyến đường vận tải dầu quan trọng. Hay tại Iraq, Đơn vị huy động nhân dân (PMU), một nhóm tập hợp các dân quân do Iran hỗ trợ, có thể nhận lệnh tấn công các căn cứ của Mỹ tại Iraq.

“Chúng ta từng chứng kiến trong quá khứ rằng, sự trông cậy của Iran vào các lực lượng ủy nhiệm là công cụ chính để nước này ngăn chặn một cuộc tấn công trực tiếp hay tránh một cuộc đối đầu trực diện. Chúng ta có thể sẽ lại thấy công cụ này trong cuộc đối đầu trực diện giữa Mỹ và Iran”, nhà nghiên cứu Tabrizi nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp