1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Intifada” thứ ba sắp trở lại Trung Đông?

Trong hơn 10 ngày qua liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực đẫm máu tại các vùng lãnh thổ của Palestine và Israel, làm hàng chục người Palestine và cả Israel thiệt mạng.

Bạo lực bùng phát ở Jerusalem, Bờ Tây, Dải Gaza và các thành phố của Israel với các cuộc tấn công, đụng độ đẫm máu chưa có dấu hiệu suy giảm đang làm gia tăng mối lo ngại về khả năng một “Intifada” thứ ba sắp xảy ra…

Cảnh sát Palestinehiện đang phối hợp với lực lượng an ninh Israel để khôi phục trật tự, nhưng dường như họ đang bất lực trước các vụ tấn công bằng dao, ném đá của người Palestine hầu như diễn ra hàng ngày, cùng với các cuộc đụng độ giữa binh sĩ Israel và người biểu tình Palestine.

“Intifada” thứ ba sắp trở lại Trung Đông? - 1

Cảnh sát Israel duy trì trật tự tại Jerusalem. (Ảnh: EPA)

Tình hình diễn biến xấu tới mức quân đội Israel đã triển khai thêm nhiều khẩu đội phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại các thành phố miền Nam để ngăn chặn những vụ bắn rốc-két qua biên giới Gaza cũng như các cuộc đụng độ tại khu vực giáp ranh. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng ra lệnh điều động thêm 13 đại đội dự bị của Cảnh sát biên phòng nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các cuộc xung đột đang lan rộng với người Palestine.

Những diễn biến căng thẳng này cho thấy vòng xoáy bạo lực mới nhất đã xuất hiện trở lại ở vùng đất máu lửa Trung Đông. Làn sóng bạo lực được châm ngòi hồi giữa tháng 9 khi người Palestine có các phản ứng quyết liệt nhằm phản đối việc người Do Thái tới viếng đền thờ Al-Aqsa tại Đông Jerusalem. Kéo theo sau đó là các vụ giết chóc, trả thù lẫn nhau của người Palestine và Israel ở các vùng lãnh thổ.

Thậm chí, dư luận hiện nay đang nổ ra các cuộc tranh cãi về nguy cơ tái diễn cuộc khởi nghĩa Intifada năm 1987 của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel tại khu Bờ Tây và Dải Gaza.

Báo chí Israel mới đây đã đồng loạt đăng các bài viết phân tích về nguy cơ tái diễn phong trào này. Ông Nahum Barnea, nhà bình luận hàng đầu của Israel trên tờ “Yediot Ahronot” đã gọi làn sóng bạo lực mới nhất này là “Intifada thứ ba”. Theo ông, các giới chức chính trị, quân sự không dùng cái tên này để chỉ những diễn biến hiện nay bởi chính họ đang muốn ngăn chặn kịch bản ấy thực sự tái diễn.

Còn theo nhà phân tích chính trị người Palestine Hani Al-Masri, những gì đang diễn ra không phải là tín hiệu của một cuộc nổi dậy mới. Cuộc khởi nghĩa Intifada nếu muốn lặp lại thì cần phải có người lãnh đạo, song giới chức chính trị Palestine lại phản đối điều này.

Ngay trước thời điểm bạo lực bùng phát, Tổng thống Palestine Mamud Abbas đã có một tuyên bố gây chấn động trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khi nói rằng, Palestine không muốn tiếp tục bị ràng buộc bởi Hiệp ước Oslo và các thỏa thuận an ninh cũng như kinh tế đi kèm với Israel.

Bình luận cứng rắn này được cho có thể là dấu hiệu cho thấy cục diện quan hệ Palestine - Israel sẽ có những chuyển biến. Tuy nhiên, việc Tổng thống Palestine không đưa thêm ra chi tiết về lộ trình cũng như những dự định tương lai cụ thể khiến giới phân tích cho rằng, thực tế sẽ khó có thay đổi gì ở thời điểm hiện tại và ông Abbas cũng không thực sự muốn đối đầu toàn diện với Israel. Và trên thực tế, Tổng thống Palestine Abbas đã cho thấy những nỗ lực để ngăn bạo lực bùng phát bất chấp mối bất hòa giữa ông với Thủ tướng Israel Netanyahu.

Bạo lực bùng phát trong bối cảnh nhiều người dân Palestine cảm thấy thất vọng và không còn tin tưởng vào khả năng có thể có một nhà nước Palestine độc lập thông qua con đường đàm phán với người Israel. Phản ứng này cho thấy người Palestine đã không thể kiên nhẫn thêm sau sự kiềm chế lâu nay trước chính sách chiếm đóng hà khắc của người Israel cùng những tranh chấp về lãnh thổ. Nhất là trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa người Palestine và người Israel vẫn đang bế tắc triền miên.

Trên thực tế, hầu hết các diễn biến bạo lực gần đây đều nảy sinh từ những căng thẳng xung quanh khu vực Núi Đền (Temple Mount), nơi có đền Al-Aqsa linh thiêng, được coi là vùng đất thiêng của cả người Hồi giáo, người Do Thái và người theo đạo Cơ Đốc.

Người Palestine phẫn nộ vì kế hoạch của Israel muốn thay đổi hiện trạng khu vực Núi Đền ở trung tâm Jerusalem. Mối lo ngại này tăng thêm khi tại đây gia tăng sự xuất hiện của khách du lịch người Do Thái và các chiến dịch duy trì trật tự của cảnh sát Israel tại đây.

Cho dù giới chức Israel đã phủ nhận các cáo buộc trên, nhưng có thể dễ nhận thấy, cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ giữa người Palestine và Israel dường như đang bị biến thành một cuộc xung đột tôn giáo một cách có chủ đích. Bởi rõ ràng với người Israel, một cuộc xung đột tôn giáo sẽ có lợi hơn nhiều so với một cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ với người Palestine.

Không phải ngẫu nhiên trên báo chí Israel và báo chí phương Tây gần đây xuất hiện một cụm từ mới - “người Hồi giáo Palestine” - khi đưa tin về các cuộc đụng độ giữa người Palestine với người Do Thái ở khu vực đền Al-Aqsa ở Đông Jerusalem.

Cùng với đó là việc người Israel luôn cáo buộc các cuộc tấn công của người Palestine nhằm vào Israel là “hành động khủng bố”. Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và Đối ngoại thuộc Quốc hội Israel, ông Tzachi Hanegbi(Tzachi Hanegbi), mới đây đã tuyên bố đây không phải là một “Intifada” mà là sự tiếp diễn của “làn sóng khủng bố” nhằm vào Israel trong suốt nhiều thập kỷ.

Gắn “người Hồi giáo Palestine” với “hành động khủng bố” và tuyên truyền cuộc xung đột với người Palestinenhư một cuộc xung đột tôn giáo, sẽ giúp Ten A-víp dễ dàng tranh thủ được “thiện cảm” của dư luận trong cuộc xung đột với người Palestine. Việc này bất chấp thực tế rằng cuộc xung đột giữa Palestinevà Israel bấy lâu là một cuộc tranh chấp lãnh thổ không hồi kết.

Tổng thống Palestine Abbas mới đây đã kêu gọi Chính phủ Israel trước khi quá muộn hãy chấm dứt việc sử dụng vũ lực để áp đặt các kế hoạch của mình ở Jerusalem, đặc biệt là hành động của họ tại đền thờ Al-Aqsa. Ông cho rằng, những hành động này sẽ biến cuộc xung đột chính trị hiện nay thành một cuộc xung đột tôn giáo, khiến căng thẳng bùng nổ ở Jerusalem và những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine.

Cho dù diễn biến bạo lực hiện nay mang tính chất và mục tiêu là gì, trước khi mọi việc bị đẩy đến chỗ mất kiểm soát, diễn biến này cần được ngăn chặn kịp thời, nếu không mọi nỗ lực để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Palestine và Israel sẽ càng bị đẩy sâu vào ngõ cụt.

Theo Mai Hạnh

Quân đội Nhân dân

“Intifada” thứ ba sắp trở lại Trung Đông? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm