Hợp tác an ninh-quốc phòng là trụ cột mới trong quan hệ Việt-Nhật
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, đặc trưng của quan hệ Việt-Nhật giai đoạn mới là mở rộng từ quan hệ chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế sang hợp tác quốc phòng an ninh, với kết nối kinh tế là trọng tâm.
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo mang tên “Mối liên hệ giữa con đường phát triển 70 năm sau chiến tranh của Nhật Bản và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam”, do Đại sứ quán Nhật Bản và Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội.
Buổi hội thảo là dịp để nhìn lại mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 70 năm qua kể từ khi Thế chiến II kết thúc và tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác tiềm năng nhằm thúc đẩy quan hệ chiến lược sâu rộng giữa hai nước trong tương lai.
Sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà học giả, các chuyên gia và các cơ quan báo chí của Việt Nam, trong bối cảnh Nhật Bản và Việt Nam đang đứng trước các thách thức và cơ hội mới như quá trình đàm phán TPP - mà hai nước đều là thành viên - vừa kết thúc, các căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông, và việc Nhật Bản mới đây đã thông qua luật an ninh mới.
Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội Hiroshi Fukada và Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý đã phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, đông đảo các học giả tới từ Nhật Bản và Việt Nam đã chia sẻ các đánh giá về mối liên hệ giữa chặng đường phát triển của Nhật Bản và tiến trình hội nhập của Việt Nam, về hợp tác kinh tế song phương, dự luật an ninh mới của Nhật và đặc biệt là sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam về an ninh, quốc phòng và an toàn hàng hải.
Kết nối kinh tế là trọng tâm
Các đại biểu tham gia tranh luận tại hội thảo (Ảnh: T.G)
Trong bài tham luận, PGS.TS Nguyễn Phương Bình, từ Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã chỉ ra những điểm chung góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Nhật. Theo bà, cả Việt Nam và Nhật Bản đều tọa lạc tại khu vực Đông Á. Cả hai nước đều tham gia vào các khuôn khổ đa phương như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Điễn đàn Á-Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao Đông Á (AES)… và phối hợp hiệu quả trong các khuôn khổ này.
Bà Bình nhấn mạnh, tuy mô hình kinh tế của Việt Nam và Nhật Bản rất khác nhau, nhưng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước lại bổ sung cho nhau rất nhiều. Hai bên không chỉ chia sẻ quan điểm về hợp tác kinh tế hay thương mại tự do mà cả những quan ngại về kinh tế.
PGS.TS Vũ Dương Huân, từ Hoc viện Ngoại giao, cho rằng sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh là sự đóng góp lớn nhất đối với kinh tế thế giới và châu Á thông qua thương mại đầu tư, cung cấp ODA…
“Với nguồn vốn dồi dào, tiềm lực khoa học công nghệ tiên tiến và tính sáng tạo cao, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển (ODA) nhiều năm qua luôn đứng nhất, nhì thế giới. Viện trợ phát triển của Nhật rải khắp các châu lục từ các nước Nam Mỹ, Trung Á, Trung Đông, châu Phi, Nam Thái Bình Dương, đặc biệt là châu Á (chiếm 60%)”, ông Huấn nhấn mạnh.
Theo ông Huân, sứ đóng góp của Nhật Bản về kinh tế còn là những bài học kinh nghiệm về sự phát triển. Có nhiều nguyên nhân đưa đến thần kỳ Nhật Bản, nhưng nhật được coi là kiến trúc sư mô hình kinh tế dựa vào nhà nước, là mô hình phát triển kinh tế có giá trị tham khảo tốt cho nhiều nước châu Á.
Còn Tiến sĩ Đặng Cẩm Tú, tới từ Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định rằng kết nối kinh tế được xác định là trọng tâm và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ đối tác Việt-Nhật. Kết nối kinh tế sẽ có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rộng lớn, nhất là khi hai nước cùng tham gia vào các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.
Một mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh kết nối kinh tế và triển khai có hiệu quả Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật bản (VJEPA), hướng tới mục tiêu tăng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 50 tỷ USD và tăng gấp đôi dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vào năm 2020.
Hợp tác an ninh-quốc phòng là trụ cột mới
Tiến sĩ Toshiya Hoshino phát biểu tại hội thảo. Giáo sư Tomohito Shinoda ngồi ngoài cùng, bên phải. (Ảnh: T.G)
Theo Tiến sĩ Đặng Cẩm Tú, hợp tác quốc phòng-an ninh đã trở thành một trụ cột mới của quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật. Đặc trưng của quan hệ Việt-Nhật giai đoạn mới là mở rộng từ quan hệ chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế sang hợp tác quốc phòng an ninh.
Theo Giáo sư Tomohito Shinoda từ Đại học Quốc tế Nhật Bản, trong lĩnh vực an ninh, Nhật Bản tỏ rõ thiện chí giúp đỡ Việt nam trong việc nâng cao năng lực chấp pháp trên biển. Trong khuôn khổ các sáng kiến an ninh mới, tàu đổ bộ Kunisaki của Nhật đã cập cảng Tiên Sa trong Chương trình hỗ trợ hải quân cho đối tác Thái Bình Dương của Mỹ.
Tháng 8/2014, Nhật đã tuyên bố kế hoạch sử dụng gọi hỗ trợ phát triển nước ngoài để cấp 6 tàu tuần tra cho các cơ quan chấp pháp của Việt Nam. Các tàu này được trang bị áo phao, radar, và chương trình huấn luyện. Tàu đầu tiên được chuyển giao cho Cục cảnh sát biển Việt Nam tháng 2/2015 và tàu thứ 2 được chuyển giao tháng 8/2015.
Theo bà Nguyễn Phương Bình, Đông Á là một khu vực năng động về kinh tế nhưng không ổn định về chính trị. Vì vậy, hòa bình ổn định của khu vực có tầm quan trọng thiết yếu đối với an ninh và sự phát triển của hai nước. Việt Nam và Nhật Bản không tồn tại các vấn đề nhạy cảm về lãnh thổ nhưng cả hai cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ông Shinoda cho hay, Nhật Bản rất tích cực ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng luật pháp chứ không phải bằng vũ lực.
Giáo sư Yuichi Hosoya trò chuyện với các vị khách bên lề hội thảo (Ảnh: A.B)
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Giáo sư Yuichi Hosoya từ Đại học Keio nhấn mạnh tới luật an ninh mới Nhật Bản dựa trên khái niệm “đóng góp tích cực cho hòa bình”.
Theo Hosoya, Nhật Bản nhận thức được rằng nước này bị “bao vây bởi một môi trường an ninh ngày càng xấu và căng thẳng do các thách thức an ninh quốc gia phức tạp và nghiêm trọng”. Do vậy, cộng đồng quốc tế hi vọng Nhật Bản đóng vai trò chủ động hơn vì hòa bình và sự ổn định trên thế giới, theo cách tương xứng với năng lực quốc gia của Nhật Bản
Trong khi đó, Tiến sĩ Toshiya Hoshino từ Đại học Osaka đã đề cập đến những mối lo ngại ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để củng cố các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng các dự án cải tạo đất và xây đảo nhân tạo. Đây trở thành một vấn đề được cả thế giới quan tâm.
Ở Hoa Đông, Trung Quốc đã đi xa hơn những nhu cầu thay đổi ranh giới trên biển và áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Ngoài ra, Bắc Kinh còn đơn phương phát triển các mỏ khí tự nhiên ở Hoa Đông, đi ngược với thỏa thuận song phương Nhật-Trung.
“Bằng cách tăng cường hợp tác về an ninh và kinh tế, hai nước có thể tiếp tục mang lại hòa bình và sự ổn định của khu vực. Ít nhất vì lý do này, việc hai nước tiếp tục làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác ở các cấp độ khác nhau là điều cần thiết”, Giáo sư Hosoya nhấn mạnh.
An Bình
(Buithen@dantri.com.vn)