Hồng Kông: 10 năm sau "ngày trở về"
(Dân trí) - Các nhà chức trách Hồng Kông đang gấp rút chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 10 năm ngày được trao trả về Trung Quốc, 1/7, với tâm điểm của sự kiện là lễ hội pháo hoa lớn nhất trong lịch sử.
Cũng nhân sự kiện này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ dẫn một đoàn đại biểu tới thăm đặc khu hành chính Hồng Kông vào thứ 6 này, tờ nhật báo Ming Pao đưa tin. Hơn 40 sự kiện sẽ được tổ chức, trong đó có buổi trình diễn nhảy dù, một cuộc diễu hành lớn và nhiều hoạt động văn hoá khác như các trận thi đấu bóng đá giao hữu quốc tế, mở cửa tự do cho du khách thăm các bảo tàng…
Lễ hội pháo hoa lớn nhất trong lịch sử dự kiến diễn ra tại cảng Victoria vào 8 giờ tối ngày 1/7. Khoảng 31.888 quả pháo sẽ được bắn trong vòng 23 phút. Chính phủ Hồng Kông đã lên kế hoạch chi 90 triệu đô la Hồng Kông cho tổng cộng 460 hoạt động kỷ niệm, bắt đầu từ tháng 4 cho tới cuối năm nay.
| |
Cảng Victoria, nơi sẽ diễn ra lễ bắn pháo hoa hoành tráng nhất trong lịch sử Hồng Kông, nhân sự kiện 10 năm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc.
|
"Một đất nước, 2 thể chế"
Ông Gao Siren, giám đốc Văn phòng liên lạc của Chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông (HKSAR) cho biết, chính sách “một đất nước, 2 thể chế” đã cho thấy những thành công và Hồng Kông đang phát triển phồn thịnh dưới nguyên tắc này.
Ngày 1/7/1997, Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc, kết thúc một giai đoạn lịch sử và mở ra một thời đại mới khi Hồng Kông trở thành một đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc dưới nguyên tắc “một đất nước, 2 thể chế”. Trung Quốc có sứ mệnh lịch sử to lớn là phải bảo đảm cho Hồng Kông tiếp tục ổn định, phồn vinh.
Ông Gao thừa nhận, trước khi Anh giao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, một số người tỏ ra nghi ngờ rằng về kết quả của nguyên tắc. Giờ đây, một Hồng Kông ổn định và phát triển đã càng khẳng định niềm tin của các nhà chức trách Hồng Kông cũng như cộng đồng quốc tế.
Theo ông Gao, chính sách “2 thể chế” - cụ thể là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, đã tồn tại một cách hài hoà tại Hồng Kông. Với sự giúp đỡ của chính phủ trung ương, chính sách trên đã đưa Hồng Kông vượt qua khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và đại dịch SARS.
| |
Năm 2006, Hồng Kông là thị trường lớn nhất thế giới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đánh bại 2 đối thủ Anh và Mỹ.
|
Nền kinh tế của Hồng Kông đã phát triển ngoạn mục, trung bình 7,6% giai đoạn 2004-2006. Chính phủ Trung Quốc cũng chọn Hồng Kông là điểm thu hút chính đầu tư nước ngoài, do vậy các doanh nghiệp Trung Quốc và khách du lịch đã đổ xô tới Hồng Kông.
Tháng 6/1997, chỉ có 83 doanh nghiệp của Trung Quốc đại lục có mặt tại thị trường chứng khoán Hồng Kông thì tới tháng 5/2007, đã có 373 lên sàn giao dịch. Các công ty của Trung Quốc cũng là động lực giúp Hồng Kông trở thành thị trường lớn nhất thế giới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), lần đầu tiên đánh bại 2 đối thủ Anh và Mỹ.
Năm 2003, chính phủ Trung Quốc và Hồng Kông đã kí một Bản thoả thuận hợp tác kinh tế thân thiện nhằm dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan với các sản phẩm của Hồng Kông được đưa vào đại lục. Bản thoả thuận cũng đóng một vai trò quan trong trong việc thúc đẩy nền kinh tế của Hồng Kông. Số lượng trụ sở của các công ty đa quốc gia tại Hồng Kông, từng được dự đoán là sẽ đổ xô tới Thượng Hải hoặc Singapore, đã tăng từ 950 năm 1997 lên 1.167 trong năm 2006.
Hiện tại, nền kinh tế Hồng Kông đang phát triển tốt nhất trong vòng 20 năm qua, với tỉ lệ tăng trưởng nhanh, tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp thấp. Thị trường chứng khoán và bất động sản đang phát triển nhanh chóng.
Về mối quan hệ với Trung Quốc đại lục, ông Gao Siren cho biết, chính phủ trung ương rất quan tâm tới sự phát triển của Hồng Kông và hoàn toàn ủng hộ Hồng Kông trong việc hợp tác với các khu vực của đại lục.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc (2006-2010), chính phủ trung ương đã xác định rõ, Hồng Kông vẫn là trung tâm vận chuyển hàng hoá, thương mại và tài chính.
Cũng theo ông Gao, mặc dù Hồng Kông phải đối mặt với những thách thức điều chỉnh cơ cấu kinh tế và tìm kiếm động lực kinh tế mới, Hồng Kông vẫn có những lợi thế mà không một thành phố lớn nào trong đại lục có thể cạnh tranh.
VTH
Theo People daily