1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hơn 1 triệu người nhập cư đi biểu tình ở Mỹ

Hơn một triệu người nhập cư cùng những người ủng hộ họ trên khắp nước Mỹ hôm nay đã bỏ việc đổ ra đường biểu tình phản đối dự luật nhập cư của Quốc hội. Tình hình này đã làm trì hoãn, thậm chí ngưng hoàn toàn hoạt động tại các nông trại, nhà máy, siêu thị và nhà hàng.

Phương châm của người biểu tình là "Không làm việc, Không tới trường, Không mua bán" nhằm thể hiện vai trò to lớn và sự đóng góp quan trọng của lao động nhập cư đối với nền kinh tế Mỹ.

 

Từ Los Angeles tới Chicago, từ Houston tới Miami, "Ngày Không Lao động nhập cư" đã thu hút được đông đảo mọi người tham gia. "Chúng tôi là xương sống của nước Mỹ, hợp pháp hay không hợp pháp, điều đó không có nghĩa lý gì", Melanie Lugo, người cùng chồng và con gái tham gia đoàn biểu tình chừng 75.000 người ở Denver nói.

 

Hai cuộc biểu tình lớn ở Los Angeles thu hút khoảng 400.000 người, theo văn phòng thị trưởng. Cảnh sát ở Chicago dự đoán 400.000 người đã tuần hành qua thành phố này.

 

Hàng chục nghìn người khác tham gia biểu tình ở New York, cùng với khoảng 15.000 người ở Houston, 50.000 ở San Jose và 30.000 người khắp Florida. Các cuộc tuần hành nhỏ hơn ở những thành phố từ Pennsylvania và Connecticut tới Arizona và Nam Dakota nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm nghìn người.

 

Theo ước tính của cảnh sát, tổng cộng có khoảng 1,1 triệu người đã tham gia "Ngày Không Lao động nhập cư".

 

Trong tâm trạng vui mừng, những người tuần hành vai kề vai, quay phim chụp ảnh và nhiều gia đình hát hò, nhảy nhót trên các đường phố, tay vẫy cờ Mỹ. Ở hầu hết các thành phố, những người tuần hành mặc màu trắng để thể hiện hòa bình và sự đoàn kết.

 

Nhiều người mang các khẩu hiệu "Chúng ta là người Mỹ" và "Hôm nay, chúng ta tuần hành, ngày mai chúng ta bỏ phiếu" bằng tiếng Tây Ban Nha. Nhiều người vẫy cờ Mexico và đội mũ, quàng khăn theo kiểu truyền thống dân tộc mình.

 

"Tổng thống không là một trong số những người tham gia tẩy chay", trích thư ký báo chí Scott McClellan. "Người dân có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình nhưng Tổng thống muốn thấy đề xuất cải cách toàn diện được Quốc hội thông qua để ông có thể ký thành luật".

 

Những ngành hoạt động phụ thuộc vào lao động nhập cư bị ảnh hưởng rõ rệt. Hãng Thực phẩm Tyson, nhà sản xuất thức ăn lớn nhất thế giới, đã đóng cửa chừng 12 trong số hơn 100 nhà máy và chứng kiến "sự vắng mặt nhiều hơn thường lệ" tại các nhà máy khác. Hầu hết tình trạng đóng cửa diễn ra ở các bang như Iowa và Nebraska. 8 trong số 14 nhà máy Gà Nông trại Perdue phải ngưng hoạt động.

 

Ở Los Angeles, các khách sạn, nhà hàng, siêu thị đều tối om và nhân viên xe tải không chịu đến cảng biển lớn nhất đất nước. 1/3 các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa. Ngành xây dựng nằm trong số ngành bị tác động nặng nề nhất ở Florida.

 

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của Trung Tâm Pew Hispanic, ở Mỹ hiện có khoảng 7,2 triệu người nhập cư không hợp lệ, chiếm 4,9% tổng lực lượng lao động của nước này. Các ước tính khác cho thấy, tổng số lao động nhập cư ở Mỹ ở trên 11 triệu người.

 

Bắt đầu từ tháng 3 vừa qua đã nổ ra làn sóng biểu tình ở khắp nước Mỹ phản đối một dự luật của Quốc hội, theo đó những người nhập cư trái phép bị coi là tội phạm, đồng thời đề xuất xây tường ngăn 1/3 đường biên giới Mỹ - Mexico dài 2.000 dặm. Dự luật này đã được Hạ viện thông qua hồi tháng 12 năm ngoái nhưng hiện đang bị "kẹt" tại Thượng viện.

 

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet/AP, BBC, AFP, Reuters