“Hồi ức” về tượng Nữ thần tự do của Mỹ
(Dân trí) - Vụ khủng bố 11/9/2001 đã khiến Mỹ cấm du khách thăm quan biểu tượng tự do nổi tiếng nhất nước này, Nữ thần tự do. Tuy phần chân và tầng quan sát thấp đã được mở lại vào 2004, nhưng vẫn bị hạn chế do tòa Tháp đôi bị đánh sập cách đó vài km.

Bức tượng bằng đồng và thép này có tên gọi chính thức là Tự do thắp sáng Thế giới, là “báu vật” của thành phố New York và là biểu tượng của nước Mỹ kể từ khi nó được Tổng thống Grover Cleveland khánh thành vào tháng 10/1886. Công trình kỷ niệm nặng 225 tấn này là món quà của người Pháp, gửi tặng đến Mỹ một năm trước đó. Bức tượng được chia ra và gói gém trong 214 thùng chứa. Kể cả phần bệ và móng, Nữ thần tự do cao xấp xỉ 93m, ngón tay giữa của “nàng” dài 2,44m với móng tay dài 33cm.
Nữ thần tự do do nhà điêu khắc người Pháp Frederic-Auguste Bartholdi thiết kế nhân kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Chi phí 250.000 USD do các nhà hảo tâm đóng góp, trong đó có đóng góp của một công ty xổ số quốc gia của Pháp và lợi nhuận thu được từ một buổi hòa nhạc ở Paris.
Đổi lại, nước Mỹ chịu trách nhiệm về phần móng và bệ của bức tượng, được xây dựng bên trong những bức tường của Fort Wood, một chốt quân sự khi đó được gọi là Bedloe's Island.
Ban đầu hầu hết người Mỹ đều lạnh nhạt với Nữ thần tự do. Từ báo chí địa phương đến các lãnh đạo chính trị đều chế giễu ý tưởng ủng hộ cho một dự án “địa phương” như ở New York.
Thay đổi bắt đầu khi Joseph Pulitzer dùng tờ New York World để nói về nỗ lực, kỳ công của việc xây dựng bức tượng, cho đến những buổi hòa nhạc quyên góp tiền, rồi những khoản đóng góp của em học sinh để hoàn thành tác phẩm tốn kém tới hàng trăm ngàn USD này.
Ngoài việc thu hút được hàng triệu người nhập cư đến đảo Ellis Island lân cận, bức tượng còn có một chức năng thực tiễn hơn: là ngọn hải đăng. Xét đến vai trò hỗ trợ dẫn đường cho các tàu vào vịnh, đầu tiên bức tượng được đặt dưới sự quản lý của Ủy ban Hải đăng Mỹ, rồi cuối cùng nằm dưới sự quản lý của Công viên quốc gia Mỹ.
Vụ tấn công khủng bố 11/9 không phải là vụ tấn công đầu tiên từ bên ngoài lãnh thổ Mỹ gây ảnh hưởng đến khách viếng thăm Nữ thần tự do. Trong suốt 30 năm, khách thăm quan lên ngọn đuốc cao gần 9m của Nữ thần đều phải đi qua một chiếc thang. Nhưng vào sớm ngày 13/6/1916, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất tàn phá châu Âu, các điệp viên Đức đã tấn công một kho chứa đạn dược ở Jersey City, New Jersey, gần đó, tạo ra một vụ nổ kinh hoàng, gây tổn thất tương đương 2 triệu USD đối với bức tượng. Và kể từ đó, ngọn đuốc không bao giờ được mở cửa trở lại.
Và cũng không ai biết chắc khi nào phần vương miện của bức tượng được mở lại. Các nhà thiết kế bức tượng đã không bao giờ có ý định để khách thăm quan vào bên trong bức tượng. Do vậy phần bên trong bí, nóng không có hệ thống chống cháy và cũng không có đường thoát hiểm ngoại trừ duy nhất một chiếc thang bộ dốc đứng, chật hẹp.
Nhưng trong những năm sau vụ tấn công khủng bố 11/9, các nhà lãnh đạo chính trị của New York đã không biết mệt mỏi hối thúc mở cửa phần vương miện và 25 cửa sổ của nó cho công chúng. “Có lẽ không an toàn khi để tất cả mọi người lên thăm trong bất kỳ thời điểm nào”, nghị sỹ đảng Cộng hòa Anthony Weiner từng thừa nhận với tờ New York Times đầu năm nay. “Nhưng Công viên quốc gia cũng có rất nhiều nơi khác có thể trở thành mục tiêu tấn công.”
Chính quyền của Tổng thống Obama cũng đồng ý như vậy. Và cuối cùng giới chức Mỹ đã đồng ý cho phép tối đa 10 người có thể vào trong khu vương miện của Nữ thần tự do cùng một lúc, và với mục tiêu là 30 người/giờ. Ước tính khoảng 15.000 người sẽ được vào thăm bức tượng trong vòng 2 năm đầu. Nhưng sau cùng, những người có thể được vào thăm Nữ thần tự do một lần nữa lại phải kiên nhẫn thêm, bởi Nữ thần lại phải đóng cửa để hoàn tất sửa chữa, nâng cấp.
Phan Anh
Theo Time