1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị G20: Gác lại bất đồng vì mục tiêu kinh tế

(Dân trí) - Dù bị chi phối bởi căng thẳng Đông - Tây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, song Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vẫn gạt bỏ đượcnhững bất đồng chính trị để đi tới mục tiêu chung đầy tham vọng về kinh tế.

Các nhà lãnh đạo G20 tham dự hội nghị G20 tại Brisbane.
Các nhà lãnh đạo G20 tham dự hội nghị G20 tại Brisbane.

Cùng hướng tới mục tiêu tăng trưởng

Sau hai ngày họp cuối tuần ở thủ phủ Brisben của bang Queensland, Australia, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được nhất trí về một mục tiêu đầy tham vọng là nâng tăng trưởng GDP của cả khối lên ít nhất 2% trong 5 năm tới, qua đó sẽ góp thêm 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới.

Tuyên bố chung mang tên “Kế hoạch hành động Brisbane” đưa ra sau hội nghị cũng nhấn mạnh đến việc thực thi một “sáng kiến toàn cầu” nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2030, thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng cường an ninh năng lượng, đẩy lùi tham nhũng, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

Đây có thể nói là một bước tiến lớn của G20 so với các kỳ hội nghị gần đây, khi mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thoát ra khỏi những tranh cãi trước đây về việc nên tập trung vào tăng trưởng hay “thắt lưng buộc bụng”. Kết quả này có được một phần  nhờ vào nỗ lực rất lớn của nước chủ nhà Australia trong việc tránh để những căng thẳng chính trị chi phối quá nhiều nghị trình cũng như kết quả của diễn đàn thuần túy về mặt kinh tế này.

Tuy nhiên, việc G20 có thực hiện được mục tiêu tham vọng đề ra hay không đang là một câu hỏi lớn, cho dù đây là tổ chức tập hợp của 20 nền kinh tế mạnh nhất và chiếm tới 85% tổng giá trị kinh tế của thế giới.

Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng mục tiêu tăng 2% GDP vào năm 2018 hoàn toàn không khả thi do kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi yếu và thiếu bền vững; các nền kinh tế đang nổi có xu hướng “giảm tốc” tăng trưởng để ngăn chặn nợ xấu và kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng gắn với nhiều điểm nóng trên thế giới; nạn tham nhũng ngày càng tinh vi và sự ra đời những mánh khóe trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia…

Và hạ nhiệt đối đầu Đông- Tây

Trước khi hội nghị G20 diễn ra, báo chí Nga và thế giới không loại trừ khả năng Mỹ và phương Tây sẽ biến cuộc họp của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thành một diễn đàn tuyên truyền chống phá Nga và “đấu tố” Tổng thống Putin.

Nhiều người còn dự đoán hội nghị sẽ biến thành một chiến tuyến giữa Đông và Tây, nhất là sau những cáo buộc mới đây về việc xe tăng Nga tiến vào miền Đông Ukraine, tai nạn đầy nghi vấn của chiếc máy bay MH-17 ở miền Đông Ukraine, việc Nga tăng cường các chuyến bay do thám tới sát châu Âu và tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew tiết lộ rằng “Washington sẽ phát động phong trào chống Mátxcơva nếu Tổng thống Putin không nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp ngoại giao”.

Nhưng thực tế diễn biến tại hội nghị không hoàn toàn gay gắt như những lời đồn đoán.

Cụ thể, cuộc khủng hoảng Ukraine và trách nhiệm liên đới của Nga trong cuộc khủng hoảng này đã không được các nhà lãnh đạo quốc tế đưa ra thảo luận chính thức tại hội nghị, mà chỉ được bàn luận và đề cập trong các cuộc gặp song và đa phương bên lề. Đơn cử như cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo châu Âu gồm Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Thủ tướng Tây Ban Nha và đại diện của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.  Hay các cuộc gặp riêng rẽ của Tổng thống Nga với Thủ tướng nước chủ nhà Tony Abbott và Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

Tại các cuộc gặp này, vấn đề Ukraine đã được đề cập một cách thẳng thắn, có ý nghĩa và hữu ích. Các bên chỉ nhất trí cho rằng cần tìm kiếm biện pháp giải quyết khủng hoảng bằng cách kết hợp giữa gây sức ép và đối thoại với Nga, chứ tuyệt nhiên không có một tuyên bố trừng phạt hay cô lập nào được đưa ra trong thời gian ông Putin có mặt tại hội nghị. Điều này cho thấy không một quốc gia phương Tây nào, dù là Mỹ hay châu Âu, muốn thực sự dồn nhà lãnh đạo Nga đến bước đường cùng.

Tất nhiên, về phần mình, Tổng thống Putin cũng đã có những hành xử và tuyên bố “rất chừng mực” khi khẳng định ông và lãnh đạo các nước “đã có cơ hội hiểu rõ hơn về nhau và hiểu động cơ hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine”. Theo ông chủ Điện Kremlin, điều này “thực sự có ích cho tất cả các bên” và hội nghị G20 là tiền đề tốt để đi đến một nghị quyết cho cuộc khủng hoảng Ukraine dù giữa các bên vẫn tồn tại một số bất đồng.

Rõ ràng sự “xuống thang căng thẳng” giữa Nga và phương Tây tại hội nghị G20 là một tín hiệu tích cực mà trước đó ít ai dám nghĩ tới. Mặc dù việc Tổng thống Putin quyết định rời Australia trước khi hội nghị kết thúc có tạo ra một số nghi vấn trong dư luận truyền thông thế giới, nhưng suy cho cùng, điều này cũng chỉ là một điểm nhấn nho nhỏ góp phần làm sinh động hơn bức tranh tổng thể về hội nghị G20 vừa kết thúc.

Đức Vũ