Hội nghị G20 - bằng chứng thế giới đang thay đổi
(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Washington cuối tuần qua là sự kiện đáng chú ý nhất không chỉ ở điểm những gương mặt hiện diện là ai và mục tiêu của nó là gì, mà còn ở điểm hội nghị là lời khẳng định thế giới đã thay đổi.
G20 là gì?
G20 là nhóm những quốc gia mạnh nhất thế giới, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. Nhóm này bao gồm các cường quốc công nghiệp như Mỹ và Đức, cũng như những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil.
Nhóm G20 được lập ra sau khủng hoảng tài chính châu Á, vào năm 1999, đề bàn về hợp tác quốc tế giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương.
Brazil và các nước có nền kinh tế mới nổi tin rằng với cách tổ chức hiện nay, những nước này không có đủ quyền đại diện tại các thể chế kinh tế quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Chính vì vậy, những nước này cho rằng bất kỳ bàn thảo nào về một hệ thống tài chính toàn cầu mới cần có sự góp mặt của họ.
Hiện Brazil là nước chủ tịch của nhóm G20. Anh sẽ làm chủ tịch vào năm 2009.
Các nước thành viên chính thức của G20 gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arab Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Thay đổi - Mục tiêu của hội nghị Washington?
Các phiên họp kinh tế toàn cầu trước đây là nơi tụ họp của các nước thuộc nhóm G7 và sau này là G8, vốn là để giải quyết các chủ đề chính trị quốc tế chứ không thường dành để bàn thảo về kinh tế nhiều. Nhóm các quốc gia giàu có, tập hợp trong câu lạc bộ G7 gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản, tự trao cho mình vai trò độc quyền chữa cháy cho thế giới.
Mọi chuyện nay đã thay đổi theo thời gian. Kinh tế toàn cầu gặp khó khăn cần phải có sự hiện diện của giới lãnh đạo các nước đang phát triển.
Việc ngồi chung bàn hội nghị với các siêu cường, nói cho cùng cũng phản ánh một thực tế không ai chối cãi: Các quốc gia đang cất cánh sẽ đóng vai trò đầu tầu cho nền kinh tế thế giới trong năm 2009, trong khi Mỹ, EU và nhiều quốc gia công nghiệp hóa khác đang lún sâu vào suy thoái kinh tế - điều đã được dự báo từ nhiều tháng qua.
Bởi vậy, trong thông cáo công bố sau hai ngày họp cuối tuần qua, các lãnh đạo G20 đã cam kết trao cho các nước đang nổi một vị trí xứng đáng hơn trong các định chế như IMF hay WB.
Thoả thuận cuối cùng - tất cả vì kích thích tăng trưởng
Cho đến cuộc gặp tới, các lãnh đạo G20 đã nhất trí với nhau trên ba hướng làm việc chính cho hội nghị. Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới bằng cách tạo điều kiện cho các chính sách kích thích tăng trưởng. Thứ hai, cải cách hệ thống giám sát, kiểm soát thị trường tài chính quốc tế. Cuối cùng là rà soát lại việc điều hành toàn cầu, chủ yếu bằng việc nghiên cứu vị trí của các nước mới trỗi dậy trong các định chế tài chính như quỹ tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới.
Điểm thứ tư được bổ sung vào phút chót theo đề nghị của Mỹ, theo đó, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ không nhượng bộ cho chính sách bảo hộ mậu dịch. Ông Bush đánh giá đây là điểm chủ yếu, vì ông không muốn kết thúc nhiệm kỳ mà phải xem xét lại niềm tin tuyệt đối của mình vào chính sách kinh tế thị trường tự do.
Một trong những thỏa thuận mà Hội nghị G20 đạt được đó là đề ra nguyên tắc các nước phải tự chịu trách nhiệm về quản lý và điều tiết thị trường tài chính, gạt bỏ ý tưởng thành lập một cơ chế siêu quốc gia, một "siêu hiến binh" theo dõi, điều chỉnh các hoạt động của thị trường tài chính thế giới.
Do các thị trường tài chính có liên hệ với nhau, G20 chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế giữa các tổ chức điều tiết quốc gia, củng cố các chuẩn mực tài chính quốc tế để bảo đảm việc áp dụng được thực hiện một cách hài hòa.
Theo giới chuyên gia, Mỹ không thể chấp nhận việc thành lập một cơ chế có quyền lực toàn cầu như vậy vì nó hạn chế, thậm chí đe doạ vai trò của Mỹ.
Lịch sử và thành công
Lên tiếng với các nhà báo vào lúc kết thúc hội nghị, Tổng thống Mỹ George W. Bush nói rằng hội nghị cấp cao G-20 lần này rất thành công. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử của Mỹ Barack Obama ra tuyên bố nói sẵn sàng “hợp tác giải quyết những thách thức” với nhóm G20 khi ông nhận nhiệm vụ vào tháng 1 tới.
Thủ tướng Anh Gordon Brown thì cho rằng những thoả thuận đạt được mang tính “lịch sử”.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Sarkozy đã biểu lộ sự hài lòng trước kết quả đạt được tại Hội nghị G20. Theo ông, đây là một sự kiện lịch sử đã mang đến những đối sách thích hợp chi khủng hoảng tài chính, cho dù con đường dẫn đến việc thiết lập những quy định mới để diều tiết kinh tế thế giới vẫn còn dài.
Theo các nhà phân tích, hội nghị khẩn cấp này đánh dấu sự chuyển hướng từ nhiều thập kỷ qua về ưu thế của các nước Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong việc đưa ra những quyết định kinh tế toàn cầu.
Giáo sư kinh tế học tại Đại học Cornell, Eswar Prasad nói rằng hội nghị lần này nâng tầm quan trọng của các nước đang phát triển. Việc các nhà lãnh đạo này cùng họp lại với nhau phát đi một tín hiện rất mạnh rằng họ sẵn sàng hành động và làm những gì mà họ có thể làm nhằm giải quyết vấn đề.
Các nhà lãnh đạo G20 dự kiến sẽ gặp lại vào ngày 30/4/2009 nhằm xem xét các tiến triển. Cuộc gặp có thể sẽ diễn ra ở London (Anh) với sự tham gia của Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama.
Nguyễn Viết
Tổng hợp