Hội chứng “quên chữ” ở giới trẻ Trung Quốc, Nhật Bản
(Dân trí) - Giống như hầu hết mọi người ở Trung Quốc, trong những ngày học phổ thông Li Hanwei luôn chú tâm nhớ hàng ngàn nét chữ phức tạp tạo nên hệ thống chữ viết tiếng Trung. Nhưng giờ khi cô đã là sinh viên, thỉnh thoảng cầm bút viết, các nét chữ vẫn “nhảy” khỏi đầu.
“Tôi có thể nhớ hình dạng chữ nhưng tôi không thể nhớ các nét cần phải viết nó”, Li, cô sinh viên 21 tuổi ở Hồng Kông cho biết.
Các cuộc điều tra cho thấy hiện tượng trên của Li được đặt tên là chứng “quên chữ”, đang ngày một lan rộng ở Trung Quốc, khiến giới trẻ nước này cảm thấy lo lắng cho tương lai của hệ thống chữ viết cổ của họ.
Giới trẻ Nhật Bản cũng gặp phải vấn đề tương tự, mà nguyên nhân là do tiếp xúc thường xuyên với máy tính, di động với hệ ký tự dựa trên bảng chữ La tinh (Roma).
Thậm chí có cả từ tiếng Trung miêu tả hiện tượng này: “tibiwangzi” hay “nhấc bút, quên chữ”.
Một cuộc thăm dò do Nhật báo thanh niên Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua phát hiện 83% trong tổng số 2.072 người trả lời thừa nhận có vấn đề với các chữ viết.
Và kết quả là, như Li nói, cô trở nên gần như phụ thuộc vào chiếc di động của mình.
“Khi tôi không thể nhớ, tôi sẽ lôi điện thoại di động ra và tìm nó (nét chữ) rồi cóp lại”, cô cho biết.
Zeng Ming, 22 tuổi, ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, cho biết: “Tôi nghĩ đây là một vấn đề của giới trẻ hay ít ra là vấn đề của người sử dụng máy tính”.
Zeng cho hay một chữ “nổi tiếng” hay bị quên là Taotie, mà theo truyền thuyết Trung Quốc là một con quỷ tham ăn đến nỗi ăn cả chính mình. Chữ taotie vẫn thường được dùng như một câu ngạn ngữ để chỉ thói tham ăn. “Giống như là bạn đang quên mất văn hóa của mình”, Zheng chia sẻ.
Chân dung “thủ phạm”
Chứng “quên chữ” xảy ra do hầu hết người Trung quốc dùng hệ thống ký tự dựa trên pinyin-dịch các ký tự tiếng Trung sang chữ cái Roma, trong máy tính và điện thoại.
Người dùng sử dụng pinyin để nhập chữ và thiết bị sẽ đưa ra bảng lựa chọn các chữ. Vì vậy mà người dùng chỉ phải nhận diện chữ đó, nhưng họ lại không cần phải viết.
Tại Nhật, nơi 3 hệ thống chữ viết được kết hợp làm một, điện thoại và máy tính phải dùng 2 hệ chữ đơn giản hơn là hiragana và katakana. Điều này có nghĩa người dùng có thể quên mất chữ kanji, dòng chữ viết tương tự như chữ tiếng Trung.
“Chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào chức năng chuyển đổi của điện thoại và máy tính của chúng tôi”, Ayumi Kawamoto, 23 tuổi, ở Tokyo cho hay.
“Tôi đã gần như quên hết các chữ đã học hồi cấp 2 và 3. Tôi cũng có vẻ như quên cả những chữ tôi thỉnh thoảng mới dùng”.
Maya Kato, 22 tuổi, sinh viên tại Tokyo, cũng cho biết: “Tôi hầu như không còn viết tay nữa, đó là lý do vì sao tôi lại quên nhiều chữ đến thế”.
“Thật bực bởi bạn gần như lúc nào cũng nhớ chữ đó và quên mất đúng vào phút cuối. Tôi hay quên nếu có thêm một dòng nữa hoặc khi có dấu ba chấm tiếp theo”.
Chứng “quên chữ” thực sự đáng lo ngại bởi theo Siok Wai Ting, một nhà ngôn ngữ học ở Đại học Hồng Kông, ghi nhớ là điều quan trọng nhất đối với chữ viết tượng hình. Quên cách viết có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc.
“Không có cách nào chúng ta có thể học viết theo quy tắc bởi bản thân chữ viết đó đã không có hệ thống. Chúng ta buộc phải nhớ, buộc phải học thuộc lòng”, nhà ngôn ngữ cho hay. “Qua viết, chúng ta nhớ được các chữ. Trong tiếng Trung, đọc và viết có mối liên hệ mật thiết với nhau.”
Một nghiên cứu của Siok còn phát hiện ra rằng, khi đọc chữ tiếng Trung người ta dùng phần não khác đối với với khi đọc chữ La tinh. “Phần khác” đó nằm gần vùng thần kinh vận động hơn, tức là gần vùng dùng để chỉ huy viết chữ hơn.
Chữ tiếng Trung phức tạp đến nỗi mà chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói với nhà báo Mỹ Edgar Snow vào năm 1936 rằng: “Sớm hay muộn, chúng tôi tin rằng, chúng tôi sẽ phải bỏ tất cả các chữ nếu chúng tôi tạo được một nền văn hóa xã hội mới mà ở đó dân chúng có thể tham gia hết được”.
Song thay vì đó, cuối cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông đã chọn cách đơn giản hóa nhiều chữ thành dạng chuẩn ở Trung Quốc đại lục ngày nay.
Hội chứng của sự tiến hóa tự nhiên?
Trong khi đó, Victor Mair, giáo sư ngôn ngữ và văn học Trung tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho biết chứng “quên chữ” là một “tiến trình tiến hóa tự nhiên”.
“Lý do vì sao các chữ lại khó mã hóa trong máy tính và điện thoại là bởi bản thân hệ thống chữ viết tượng hình đó đã rất phức tạp”, ông nói. “Không có viên đạn thần kỳ nào làm cho nó biến hóa thành chữ dễ hơn”.
Hệ chữ Wubi, được cài trong một số máy tính và được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, sử dụng các nét chữ giống như chữ viết. Nhưng bản thân hệ thống này cũng rất khó học nên không được sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, các điện thoại thông minh và iPhone hiện đưa ra lựa chọn để người dùng có thể điền chữ bằng cách viết chúng trên màn hình cảm ứng.
Một số người cho rằng khả năng viết chữ bị suy giảm trên thực chất không đáng lo ngại đến vậy. Một cuộc khảo sát cho thấy 80% nói quên cách viết một số chữ nhưng 43% cho biết chỉ viết chữ khi ký hoặc điền vào tờ khai nào đó.
“Cái ý tưởng rằng Trung Quốc là một nước toàn người viết chữ đẹp và viết chữ không cần phải nghĩ ngợi gì thật điên rồ”, một blogger viết. “Xét đến những áp lực xã hội, tài chính mà hầu hết mọi người ở Trung Quốc phải trải qua, rồi hầu hết mọi người dùng di động, điều đó có phải là vấn đề không?”
Sự bùng nổ của internet, của công nghệ điện thoại đã sáng tạo ra những từ mới, dạng viết mới. Theo Tân Hoa xã, trong năm 2008, mỗi quý người Trung Quốc gửi 175 tỷ tin nhắn.
Song cả Li Hanwei và Zeng Ming đêu lo ngại về chứng “quên chữ” nên họ đã viết nhật ký để phần nào giúp “chữa” chứng quên đó.
Phan Anh
Theo AFP