1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hoàng hậu Jordan: Tôi từng biểu tình chống chiến tranh của Mỹ ở VN

Hoàng hậu Noor, vợ yêu của nhà vua Jordanquá cố Hussein Bin Talal, là một người Mỹ mang dòng máu Ả Rập. Thời còn là sinh viên ở Mỹ, bà từng xuống đường để chống lại tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ đang tiến hành tại VN.

Một thời tuổi trẻ sôi động đó được bà thuật lại trong tập hồi ký Leap of Faith (Sức bật của niềm tin) mới được xuất bản ở thủ đô Amman của Jordan. Đây là đoạn trích dịch liên quan đến VN của cuốn hồi ký này.

 

“Mẹ tôi liên tiếp gọi điện thoại cho tôi khi tôi đang ở trường đại học, yêu cầu tôi bằng mọi cách phải trở về New York để dự một cuộc tiếp khách làm quen mà mẹ tôi đã có ý định tổ chức cho tôi vào mùa đông năm ấy.

 

Đây là một việc làm đã trở thành thông lệ. Bố mẹ thường tổ chức cuộc chiêu đãi như vậy cho những đứa con gái của mình khi chúng đã đến tuổi kết hôn để tạo điều kiện cho chúng gặp gỡ các bạn trai.

 

Mặc dù tôi rất ghét cái ý tưởng này, nó gây cho tôi một tình cảm hết sức khó chịu, nhất là trong tình hình đất nước đang trải qua lúc đó, nhưng tôi cảm thấy việc mẹ tôi kiên quyết tổ chức cuộc gặp là xuất phát từ một sức ép liên tục về mặt tâm lý, bởi vì mẹ tôi muốn hòa nhập với xã hội, bà không thể không làm trong khi những người bạn của bà cũng tổ chức các cuộc tiếp khách như vậy cho con gái họ. Bà không thể chấp nhận để con gái của bà lại thua kém bạn bè.

 

Còn đối với tôi, cuộc chiến tranh VN là quan trọng hơn những việc làm cho bản thân mình. Cùng với những tiếng nói trên khắp nước Mỹ, trong đó có Trường đại học Princeton, đòi chấm dứt cuộc chiến tranh này, trong khi có biết bao nhiêu nạn nhân là người VN và người Mỹ đang ngã xuống, và khi có một cuộc mít tinh lớn của các sinh viên bị bắt đi lính được tổ chức ở sân Trường đại học Princeton đòi chấm dứt chiến tranh và đổ máu, tôi thấy cuộc chiêu đãi của mẹ tôi tổ chức mà tôi sẽ xuất hiện lần đầu trước công chúng không những là một việc làm ngu ngốc và đáng ngượng, mà còn là một việc làm hoàn toàn không thể chịu được. Tôi không thể hiểu nổi tại sao bố mẹ tôi lại vô cảm đến như vậy.

 

Trong một lần gọi điện thoại, sau những lời van nài của mẹ tôi, tôi đã buộc phải nói với mẹ là tôi chỉ dự một buổi tiếp khách mà thôi, bởi vì cuối cùng thì tôi hiểu ra rằng cuộc tiếp khách này cần thiết cho hai bố mẹ tôi hơn là cần thiết cho tôi.

 

Sau khi tôi được nhận vào Trường đại học Princeton khoảng một tháng thì một cuộc biểu tình lớn nhất nước Mỹ được tổ chức với sự tham gia của khoảng 250.000 người tập trung để phản đối cuộc chiến tranh ghê tởm tại VN.

 

Để đoàn kết với những người biểu tình, Trường đại học Princeton đã tuyên bố ngày đoàn kết với VN, các sinh viên đã tuyên bố tuyệt thực, trong khi đó đầu đề chính của tờ báo Princetonian của trường được in nổi bật dòng chữ “Hãy chấm dứt đổ máu”.

 

Mùa xuân năm 1970, sau khi sự can thiệp quân sự bí mật của Mỹ vào Campuchia bị vạch trần, các cuộc biểu tình phản đối đã bùng nổ ở tất cả các trường đại học trên nước Mỹ, trong đó có Trường đại học Kent State bị một nhóm vệ binh quốc gia thuộc bang Ohio bắn vào đoàn sinh viên biểu tình làm chết bốn người và bị thương chín người.

 

Tất cả chi tiết của sự kiện này được các kênh truyền hình và các báo đưa lại vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của tôi, đặc biệt cảnh một nữ sinh tên là Mary quì xuống bên xác chết của một sinh viên, ôm mặt khóc nức nở.

 

Và cứ như vậy sự căm giận đã bùng nổ trên toàn quốc. Cả nước Mỹ tràn ngập các cuộc biểu tình sôi sục lên án tội ác gây ra đối với Trường đại học Kent State, đồng thời Trường đại học Princeton cũng đã tuyên bố tổng bãi khóa và hủy tất cả các kỳ thi.

 

Còn tôi, tôi đã tham gia các cuộc biểu tình này. Nhưng khi tôi cùng những người bạn gái của tôi tham gia trong đoàn biểu tình trước Học viện Cao cấp nghiên cứu quốc phòng, thì một điều xảy ra tạo thành bước ngoặt trong cuộc đời tôi và trong cái nhìn của tôi đối với xã hội Mỹ: cảnh sát chống bạo động đã ném lựu đạn cay vào chúng tôi.

 

Hành động này làm cho tôi lần đầu tiên trong đời hiểu rằng: mặc dù tôi yêu nước Mỹ, nhưng tôi đã mất hết niềm tin vào các cơ quan và bộ máy lãnh đạo của nó.

 

Những phản ánh của cuộc chiến tranh ở VN cùng với những thay đổi xã hội và chính trị tràn qua nước Mỹ với tốc độ nhanh chóng đã làm rất nhiều sinh viên, học sinh phải bỏ hoặc trốn học nhằm lấy lại khả năng thích nghi với tình hình mới của đất nước và đánh giá lại những ưu tiên của mình".

 

Theo TÂM QUANG

Tuổi trẻ/Amman, Jordan

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm