Hoa hậu Việt dưới chân núi Ural
Trong khi số chị em người Việt hùng hậu ở “Mat" cũng như nhiều nơi khác của Nga chưa lúc nào cùng nhau khoe sắc, thì ở thành phố Upha xa xôi dưới chân núi Ural, hai năm nay các bà các cô đã có dịp thi thố ai là hoa hậu chính danh.
Upha là một thành phố công nghiệp phát triển, nằm dưới chân rặng núi Ural, thủ phủ của nước cộng hòa tự trị Bashkiria thuộc Liên bang Nga. Bashkiria đa sắc tộc, nối liền huyết mạch Đông Tây của Liên Xô trước đây.
Người đẹp áo dài 2004 là cô Vũ Thị Huyền, còn Người đẹp Upha 2005 là cô Nguyễn Thu Hoài, đều kinh doanh trong chợ của người Việt ở thành phố này.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng hương người Việt cười nói: "Ở Upha này ai cũng đẹp hết".
Trong sự xáo động của đời sống người Việt ở Liên bang Nga, những bươn chải mưu sinh nhọc nhằn, những nỗi lo về "thẻ xanh", về an ninh thường trực, mới thấy những niềm vui chung cộng đồng như ở Upha thật đáng chú ý.
Hội người Việt ở Liên bang Nga chính thức thành lập một năm nay, thế nhưng Hội đồng hương người Việt ở Upha đến nay đã được 5 năm tuổi, từ hơn 600 người năm 2004 nay đã lên tới khoảng 800 người, trong số khoảng 2.000 người Việt ở Bashkiria.
Ở Bashkiria có gần chục ngôi chợ của người Việt, lớn nhất là chợ Uranpromtogo ở trung tâm Upha. Ngoài ra còn có các nơi khác như “chợ ô tô" và chợ Xacma.
So với các chợ điển hình của người Việt ở các nước cộng hòa lân cận - với các quầy nho nhỏ ngăn ra chừng 7-8 mét vuông, dân vừa bán hàng vừa nơm nớp lo bị cảnh sát xua đuổi, thì Uranpromtogo quả là hơn hẳn.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là gần 400 quầy hàng đều không có cửa và tủ. Ban giám đốc giải thích làm như vậy để chợ thông thoáng, không hạn chế tầm nhìn, cũng chẳng lo mất hàng vì giờ đóng và mở cửa đều chuẩn. Vì thế, người buôn bán ở chợ đi làm cũng có giờ giấc đàng hoàng không khác gì công chức nhà nước.
Sân chợ rộng mênh mông nhưng không có rác rưởi. Rất nhiều trung tâm khác đều thu phí xe ra vào (chẳng hạn mỗi lượt xe vào bãi chỉ thu 10 rúp), nhưng Ban quản trị ở đây miễn khoản này, coi như một cách "khuyến mãi" hiệu quả nhất. Không khí làm ăn thật bình yên.
"Điều kiện thuận lợi nhất là đa số bà con được chính quyền cho nhập hộ khẩu, làm ăn sinh sống hợp pháp. Điều này do sự tác động rất lớn của Hội đồng hương người Việt", ông Trần Ngọc Tuấn cho biết.
Cộng hòa Bashkiria đã đón những người Việt đầu tiên vào khoảng năm 1981, là những công nhân đến làm việc theo Hiệp định về đào tạo và hợp tác lao động. Dân sở tại hiểu và có cảm tình với Việt Nam chính vì cách sống cần cù, chịu khó và chất phác của lao động người Việt.
Tháng 12 tới, Hội đồng hương người Việt ở Upha sẽ kỷ niệm tròn 5 năm thành lập. Chính quyền thành phố đã chấp thuận đề nghị của Hội: đồng ý cho xây dựng một khu nhà của người Việt. Bộn bề việc chung thế nhưng chị em người Việt vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc thi hoa hậu vào năm sau.
Theo Thanh niên