1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hòa đàm về tương lai Syria: Khó khăn chồng chất khó khăn

Việc người Kurd bất ngờ tuyên bố thành lập một “khu vực liên bang” ở miền Bắc Syria - bước đi hướng tới sự tự trị - được đánh giá là đã gây thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán về tương lai của đất nước này, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Khó khăn càng chồng chất hơn khi, theo lời đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura, khoảng cách giữa Chính phủ Syria và phe đối lập vẫn còn “khá lớn”, mặc dù hai bên đều nhất trí cần duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ và bác bỏ khả năng thiết lập hệ thống liên bang ở nước này.

Quyết định trên của người Kurd được chuyên gia phân tích vấn đề người Kurd tại Mỹ Mutlu Civiroglu miêu tả là một “thông điệp chính trị” gửi tới các nhà đàm phán tại Geneva. Là một thế lực quan trọng trên chiến trường Syria và kiểm soát hơn 10% lãnh thổ nước này cùng 3/4 biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng người Kurd lại không nằm trong thành phần các bên tham gia đàm phán tại Geneva do sự phản đối kịch liệt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, người phát ngôn Hiệp hội người Kurd tại Syria Selahattin Soro nhấn mạnh, quyền lợi của người Kurd cần phải được đề cập tới trong các cuộc đàm phán tại Geneva, nếu không “chúng tôi sẽ không công nhận kết quả đàm phán… Việc có mặt của người Kurd trong các cuộc đàm phán sẽ là giải pháp đúng đắn nhất”.

Theo ông Soro, cộng đồng quốc tế không thể quyết định tương lai cho Syria mà thiếu đi sức mạnh của lực lượng đã thành công hơn cả trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và không nên coi người Kurd là một nhóm vũ trang hay thánh chiến. Tuyên bố thành lập một “khu vực liên bang” hợp nhất 3 bang chủ yếu có đông người Kurd sinh sống nằm dọc biên giới phía Bắc của Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Afrin, Kobane (tỉnh Aleppo) và Jazire (tỉnh Hasakeh), thực sự là một thách thức mới khiến hy vọng xây dựng một chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria trở nên mong manh.

Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho một liên minh rộng lớn gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria - đã lên án người Kurd vì cho rằng việc “tách nhóm” sẽ tiếp tục tạo ra rắc rối về chính trị cho Syria, ảnh hưởng xấu tới cuộc hòa đàm, và cáo buộc người Kurd “nắm quyền kiểm soát các khu vực ở Syria để thành lập chủng tộc, dân tộc và các tổ chức giáo phái”.

Trong khi đó, Liên minh Quốc gia đối lập tại Syria cũng tuyên bố phản đối “mọi nỗ lực nhằm lập ra các thực thể, các khu vực hoặc các chính quyền chiếm đoạt ý nguyện của nhân dân Syria”. Về phía Chính phủ Syria, một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cho biết, tuyên bố trên của người Kurd là “không có cơ sở pháp lý” và “sẽ xâm phạm sự thống nhất lãnh thổ của Syria”.

Hòa đàm về tương lai Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.
Hòa đàm về tương lai Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đang diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Sau sự đổ vỡ của hai vòng hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột tại Syria, lần thứ nhất vào năm 2012 và lần thứ hai vào năm 2014 cùng ở Geneva, do các bên đối địch tại Syria không tìm được tiếng nói chung, vòng đàm phán thứ ba này được tái khởi động với kỳ vọng là “đem lại tia sáng cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng dai dẳng hiện nay. Tiến trình hòa đàm đang được tiếp sức khi một lệnh ngừng bắn đã được thực thi tại Syria từ hôm 27-2 vừa qua.

Bên cạnh đó, việc Nga tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi Syria từ ngày 15-3 sau gần 7 tháng can dự quân sự để hỗ trợ chính phủ Syria truy quét khủng bố cũng được coi là động thái tích cực, có thể tác động tới tiến trình hòa đàm. Tuy nhiên, mâu thuẫn gay gắt nhất vẫn là tương lai của đương kim Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bên cạnh đó, những chia rẽ trong nội bộ phe đối lập cũng như những toan tính can thiệp rõ nét gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đang khiến cho tình hình Syria càng trở nên phức tạp.

Có nhận định rằng, tiến trình hòa đàm không chỉ liên quan tới lợi ích của các phe phái tại Syria và các lực lượng trong khu vực mà còn liên quan tới lợi ích của rất nhiều nước, những quốc gia đã tiêu tốn nhiều cho chiến dịch quân sự tại Syria thời gian qua. Một khi những rào cản do những mâu thuẫn phe phái và tính toán lợi ích của các bên không được giải quyết sẽ khó có được đột phá để đem lại hòa bình trong tương lai gần cho Syria.

Đặc phái viên Mistura đã cảnh báo rằng nếu vòng đàm phán lần này thất bại thì sẽ không có giải pháp thay thế nào để giải quyết xung đột tại Syria.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân