Hiroshima: Những bức ảnh kinh hoàng chưa từng tiết lộ
(Dân trí) - Đầu tháng 8/1945, hai quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người và trở thành cuộc thảm sát khốc liệt nhất trong lịch sử cận đại. Nhưng phải đến 60 năm sau, chính phủ Nhật Bản mới chính thức cho tiết lộ những bức ảnh tuyệt mật ghi lại sự kiện này.
1. Tàn tích
Không một chứng tích nào khác có thể minh họa sức nóng khủng khiếp phát ra từ vụ nổ hơn những hiện thực trần trụi được ghi lại dưới đây. Đó là những vết rạn chân chim hằn in trên mặt cầu Yorozuyo, nằm cách tâm bom chừng nửa km về phía tây nam.
Là khe nứt toạc trên bậc thềm tam cấp dẫn vào một ngân hàng ở Hiroshima - ngay tại nơi này, 1 nạn nhân xấu số đã bị thiêu rụi trong phút chốc.
Những gì còn lại của một cơ thể sống - mấy giây trước vẫn còn ngồi nhẩn nha ngay gần trung tâm vụ nổ - giờ chỉ là những đường nét dáng hình hằn in trên tường đá.
Tất cả đồng hồ được tìm thấy trong vùng bình địa nhất loạt dừng lại ở con số 8h15 phút sáng - thời điểm quả bom phát nổ.
2. Toàn cảnh cuộc thảm sát đẫm máu
Đúng 8h15 phút sáng ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử phát nổ ở độ cao 580 m trên bầu trời Hiroshima, tạo nên một khối cầu lửa khổng lồ và phát tán khắp bề mặt thành phố sức nóng 4.000 độ C. Bức xạ và sóng nén áp suất cao lan tỏa khắp bốn phương tám hướng, thiêu rụi hàng chục ngàn người và gia súc, làm tan chảy tất cả các tòa nhà và xe cộ. Trong nháy mắt, thành phố 400 năm tuổi tan thành tro bụi.
Trẻ em, phụ nữ tê liệt trong đúng các tư thế sinh hoạt thường ngày, lục phủ ngũ tạng bị luộc chín, xương cháy thành than bụi.
Ngay chính tâm vụ nổ, nhiệt độ đủ sức làm nóng chảy cả thép và bê tông. Chưa đầy vài phút, 75.000 người thiệt mạng và bị thương nặng, 65% trong số đó là trẻ em dưới 10 tuổi.
Số nạn nhân bỏ mạng bởi tàn dư của sóng bức xạ tiếp tục gia tăng với số lượng lớn vào nhiều ngày sau. “Sức khỏe của họ suy sụp bất ngờ. Chán ăn, rụng tóc, khắp người nổi vết lở loét màu xanh, và máu thì cứ vô cớ ồng ộc tuôn ra từ tai, mũi, họng”.
Các bác sĩ đã cố gắng tiêm vào cơ thể vitamin A liều lượng cao, nhưng hậu quả còn kinh hoàng hơn: máu bắt đầu túa ra từ những vết kim châm. Gần như không bệnh nhân nào qua khỏi.
3. Số phận của những “hibakusha”
Hibakusha là thuật ngữ khá phổ biến ở Nhật Bản, chỉ những nạn nhân mang trên mình tàn tích vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki.
Họ và đám con cháu bị xã hội phân biệt đối xử thậm tệ, do phần lớn dân chúng thiếu hiểu biết về bệnh phóng xạ, cho rằng những bệnh này có thể lây nhiễm hoặc di truyền từ đời cha sang đời con.
Họ bị sa thải khỏi các nhà máy. Phụ nữ hibakusha không bao giờ lấy được chồng, do nỗi sợ hãi sẽ đẻ ra những đứa con quái thai. Đàn ông hibakusha cũng chung số phận, vì “chẳng ai muốn chung sống với 1 người mà tính mệnh chỉ tính bằng vài năm nữa”.
4. Yosuke Yamahata - tác giả những tấm hình có sức tố cáo cao nhất mọi thời đại
| |
Nhiếp ảnh gia Yosuke Yamahata |
10/8/1945, một ngày sau vụ thả bom nguyên tử tại thành phố Nagasaki, phóng viên ảnh Yosuke Yamahata bắt đầu ghi lại những hình ảnh đầu tiên về cuộc thảm sát tàn khốc nhất trong lịch sử Nhật Bản. Cả thành phố là 1 biển chết, ngập trong gạch vữa đổ nát và xác người cháy trụi.
Bộ ảnh của Yamahata được đánh giá minh chứng sống động nhất, đầy đủ nhất hậu quả thảm khốc của vụ bom nguyên tử trên nước Nhật. Tạp chí New York Times đã từng gọi chúng là “Những bức ảnh mang sức mạnh tố cáo cao nhất mọi thời đại”.
Yamahata đổ bệnh nặng vào ngày 6/8/1965, đúng ngày sinh nhật lần thứ 48 và cũng là ngày tưởng nhớ lần thứ 20 những nạn nhân trong vụ ném bom ở thành phố Hiroshima. Khi đó, ông đã bước giai đoạn cuối của bệnh ung thư tá tràng - di chứng từ chất phóng xạ còn đọng lại từ năm 1945.
Ông qua đời ngày 18/4/1966 và được chôn cất tại nghĩa trang Tam, Tokyo.
Hải Minh
Theo Fogonazos