Hình phạt tử hình đang chờ Chu Vĩnh Khang?
(Dân trí) - Với việc cơ quan công tố chính thức công bố hoàn tất điều tra, chuyển tòa án xét xử, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang rất có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tử hình cho tội danh nhận hối lộ.
Kể từ khi Chu Vĩnh Khang bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, giới chức nước này đã sử dụng những từ ngữ xấu xa nhất cho “con hổ” lớn nhất bị Chủ tịch Tập Cận Bình “đả” trong chiến dịch chống tham nhũng.
Tờ Nhân dân nhật báo của nước này đã so sánh ông Chu với “những kẻ phản Đảng” trong quá khứ, còn Tòa án nhân dân Tối cao nước này cáo buộc vị cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị và cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai “làm suy yếu sự đoàn kết trong đảng và tham gia vào các hoạt động chính trị không được chính quyền cho phép”.
Cựu cố vấn chính trị cấp cao Shi Zhihong cũng đã xuất hiện trên báo giới để khẳng định một “Băng đảng 4 tên mới” đã hình thành, mà Chu Vĩnh Khang được hiểu là một thành viên trong đó.
Các thành viên khác trong nhóm này là Bạc Hy Lai, cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch, một trong những cựu trợ lý thân cận của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Nhưng sau mọi công kích dữ dội, giới chức nước này dường như vẫn không muốn đưa ra những cáo buộc chính trị nghiêm trọng nhất chống lại ông Chu, một sự kiềm chế mà theo các nhà phân tích là nhằm tránh gây chấn động quá nhiều cho hệ thống chính trị.
Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử về các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật nhà nước. Trong số các tội danh này, việc “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” có thể là cáo buộc gây chú ý nhất nhưng cáo trạng của Viện kiểm sát Tối cao nước này lại không cho biết ông Chu đã làm lộ thông tin mật nào.
Mo Shaoping, một luật sư tại Bắc Kinh cho biết tội làm lộ bí mật nhà nước nằm trong nhóm các tội danh “lơi là trách nhiệm”, vốn áp dụng cho các quan chức chính phủ cố ý cung cấp thông tin mật cho những người không được phép tiếp nhận. Án phạt cho tội danh này tối đa chỉ là 7 năm tù giam.
Truyền thông Trung Quốc đại lục cũng nhận định, các bí mật nhà nước có khả năng liên quan tới mối quan hệ mật thiết giữa Chu và Bạc. Tuần báo Phượng Hoàng cho biết Chu có thể đã cung cấp cho cộng sự của mình thông tin về phân công nhân sự trước khi chúng chính thức được công bố tại Đại hội 18 hồi tháng 11/2012. Chu cũng có thể đã tuồn các bí mật kinh tế để trục lợi.
Vẫn theo tờ báo này, trong năm 2012, Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ cho Bạc Hy Lại rằng cánh tay phải của Bạc, cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân, đã xin tị nạn tại lãnh sự Mỹ ở thành phố Thành Đô, động thái đã khiến cho vụ bê bối liên quan đến Bạc vỡ lở.
Ông Bạc và ông Chu được cho là đã có một cuộc họp bí mật, để ủng hộ việc “điều chỉnh” chính sách cải cách và mở cửa do cựu Chủ tịch Đặng Tiểu Bình khởi xướng cuối những năm 1970. Hai người “đã ăn mừng sự hòa hợp chính trị”, và tuyên bố “sẽ chơi một trận lớn”.
Zhang Lifan, một nhà lịch sử đảng tại Bắc Kinh, cho biết ông không ngạc nhiên việc Chu không bị cáo buộc các tội danh nghiêm trọng nhất, sau những từ ngữ chỉ trích nhắm vào ông này.
Các cáo buộc như “chủ nghĩa bè phái” hoặc “liên quan đến các hoạt động chính trị không được phép” đều “rõ ràng chỉ được dùng trong các cuộc kiểm tra kỷ luật nội bộ của đảng, mà không có các cáo trạng hình sự tương ứng nào”.
“Nhưng nếu chính quyền muốn khép Chu vào các tội danh lớn hơn, họ luôn có các lựa chọn khác như kích động lật đổ quyền lực nhà nước, hoặc khơi mào cho sự chia rẽ đất nước”, Zhang nói.
Chánh án tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang hồi tháng trước khẳng định Chu sẽ nằm trong số 28 quan chức “nhúng tràm” bị “xét xử công khai theo pháp luật”. Nhưng cáo buộc “làm lộ bí mật nhà nước” sẽ cho phép chính quyền có lí do tốt để xét xử kín hoàn toàn hoặc kín một phần đối với ông Chu, nhằm tránh mất mặt, ông Zhang bình luận.
“Một phiên xét xử công khai thường có nghĩa là một thỏa thuận ngầm đã được thống nhất, theo đó bị cáo sẽ nhận có tội để đổi lại một bản án nhẹ hơn”, Zhang nói. “Nhưng trong một phiên xét xử công khai, Bạc đã vi phạm thỏa thuận đó và tự bào chữa cho mình, khiến cho Đảng chịu nhiều tai tiếng”.
Trong số ba tội danh Chu phải đối diện, chỉ có án nhận hối lộ có thể khiến cựu chính trị gia này phải đối mặt án tử hình. Hiện chưa rõ liệu ông Chu có đối diện với mức án này không, nhưng cơ quan công tố khẳng định hành vi tham nhũng của Chu kéo dài từ thời gian lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia, tới thời gian làm bí thư đảng ủy Tứ Xuyên và chủ nhiệm Ủy ban chính hiệp, kiêm thành viên thường vụ Bộ chính trị.
Theo Reuters, khối tài sản của gia đình ông Chu nắm giữ có thể lên tới 90 tỷ nhân dân tệ (14,7 tỷ USD), mặc dù không ít người bài tỏ hoài nghi về con số này.
Nhưng có khả năng chỉ một phần nhỏ số tài sản đó, nếu có, có thể bị gắn trực tiếp với Chu. Là người chủ gia đình, Chu không trực tiếp tham gia vào các thương vụ làm ăn. Trên thực tế, Chu Bân, 42 tuổi, mới là người nắm giữ một loạt các doanh nghiệp. Ngoài ra, mẹ vợ của Chu Bân là Zhan Minli là một nhân vật chủ chốt khác.
Thanh Tùng
Theo SCMP