1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ chính thức có hiệu lực

(Dân trí) - Hiệp ước hạt nhân START mới, giới hạn số đầu đạn hạt nhân Mỹ và Nga sở hữu, đã chính thức có hiệu lực.





Hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ chính thức có hiệu lực - 1
Ngoại trưởng Nga - Mỹ trong lễ ký trao tài liệu START mới được thông qua tại Munich, Đức ngày 5/1, chính thức đưa hiệp ước cắt giảm vũ khí vào hiệu lực.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trao đổi tài liệu phê chuẩn hiệp ước tại một hội nghị an ninh ở Munich, Đức, vào ngày hôm qua, 5/1.
 
Hiệp ước thay thế cho hiệp ước START năm 1991, đã hết hạn vào tháng 12/2009.
 

Hiệp ước mới được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào tháng 12 vừa qua và được quốc hội Nga phê chuẩn vào tháng trước.

 

Tài liệu phê chuẩn được hai ngoại trưởng trao đổi tại Munich do Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật sau thỏa thuận đạt được vào tháng 4 năm ngoái.

 

Hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ chính thức có hiệu lực - 2

Trước lễ ký ở Hội nghị về chính sách an ninh Munich, bà Clinton cho biết, hiệp ước là “một ví dụ nữa cho thấy sự hợp tác đúng đắn vì lợi ích của mọi người”.

 

Bà cho biết Washington cũng dự kiến đàm phán với Nga về cách thức hai nước cùng phối hợp trên những vấn đề khác ảnh hưởng đến an ninh chung của họ.

 

Trong khi đó, ông Lavrov gọi START mới là “sản phẩm của sự hiểu biết mà ở đó cách tiếp cận song phương đối với vấn đề an ninh có hiệu quả”.

 

“Hiệp ước có hiệu lực vào ngày hôm nay sẽ củng cố ổn định quốc tế”, ông nói.

 

Hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ chính thức có hiệu lực - 3

Hiệp ước START mới giới hạn mỗi bên sở hữu không quá 800 hệ thống vận chuyển đầu đạn hạt nhân được triển khai, bao gồm cả máy bay ném bom, máy phóng tên lửa, tàu ngầm hạt nhân. Hiệp ước mới cắt giảm khoảng 50% số lượng đầu đạn hạt nhân giới hạn trước đây (mỗi bên sở hữu tới 1.550 đầu đạn).

 

Hiệp ước cũng cho phép mỗi bên thanh sát khả năng hạt nhân của nhau, với mục đích kiểm chứng số đầu đạn hạt nhân trên mỗi tên lửa.

 

Phan Anh

Theo BBC