Hiểm họa vũ trang hay "đòn tâm lý chiến"?
Điều Trung Quốc muốn khi phát triển vũ trang hay leo thang gây hấn không phải là vì chuẩn bị cho chiến tranh nhằm cướp lấy biển Đông và thách thức địa vị bá quyền của Mỹ như báo giới phương Tây lo ngại.
Tháng 9 là khoảng thời gian đặc biệt với tranh chấp biển Đông. Một mặt theo thông tin báo chí trích lời các nhà ngoại giao, ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong tháng này. Nhân chuyến thăm Indonesia đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc vẫn sẵn sàng đàm phán COC với ASEAN.
Mới đây biển Đông và COC cũng để lại dấu ấn trong chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ, khi bà cho rằng việc đạt được COC là phù hợp với "lợi ích của tất cả các bên". Mặt khác, ngược lại với các chỉ dấu hứu hẹn giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán, hàng ngàn tàu cá vẫn đổ ra biển, cái gọi là Tam Sa đang được nhanh chóng quân sự hóa, và công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tiếp tục mời thầu 26 lô dầu khí ở vịnh Bột Hải, bao gồm cả lô nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp phản ứng của Việt Nam sau vụ mới thầu phi pháp trước đó không lâu. Đằng sau những bức tranh sáng tối đan xen, chuyện gì đang thật sự xảy ra ở biển Đông?
Hiểm hóa xung đột
Trước những động thái căng thẳng thời gian qua, nhiều người nghi ngại về nguy cơ của một cuộc chiến tranh trong tương lai gần.
Những nghi ngại này không phải không có căn cứ, khi các hành động hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc đang được sốt sắng thực hiện với một tốc độ đáng nể, và sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và thậm chí là cả tàu sân bay,... được xem như những điều hiển nhiên để khẳng định sức mạnh của cường quốc này.
Đối mặt với quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của hải quân Trung Quốc và các hành động xác quyết chủ quyền ngang ngược của nước này trên biển Đông, dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ dường như thiên về xu hướng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực tại biển Đông và đổi đầu với Mỹ trong một cuộc chiến giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Những bài viết như "Chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc" của James Holmes trên tạp chí National Interest hay "Thời khắc quân sự của Trung Quốc" do Jim Holmes viết trên chuyên sang bình luận chính trị thế giới Foreign Policy dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm sử dụng vũ lực tại biển Đông.
Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu quân sự còn cho rằng việc Trung Quốc phát triển quân sự theo hướng "chống tiếp cận" là nhằm đối đầu với Mỹ và ngăn cản lực lượng hải quân hàng đầu thế giới can thiệp vào khu vực, vì hiện nay, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã vào hàng mạnh nhất tại châu Á, do đó, chiến lược "chống tiếp cận" trên biển rõ ràng là không cần thiết nếu chỉ cần đối phó với hải quân của các nước lân cận.
Nhưng không chỉ giới nghiên cứu và giới báo chí Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc gây chiến, mà ngay cả Phòng đánh giá mạng lưới (ONA - Office of Net Assessment) của Bộ quốc phòng Mỹ còn "vẽ" ra một kịch bản về "Tác chiến không - biển" nhằm phá vỡ chiến lược "chống tiếp cận" của Trung Quốc. Kịch bản này được làn gió chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực thổi lên thành hiện thực.
Theo IHS Jane's, các nước Đông Nam Á cùng nhau đã tăng 13,5% chi tiêu quốc phòng trong năm 2011, lên 24,5 tỷ USD và dự đoán sẽ tăng lên đến 40 tỷ USD vào năm 2016. Sự gia tăng chi phí quân sự chủ yếu là của các quốc gia biển ở Đông Nam Á.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thì chỉ vài năm nữa, thực lực quốc phòng của các quốc gia ASEAN, sẽ tăng đáng kể, lúc đó các hành động ngang ngược của Trung Quốc sẽ gặp không ít trở ngại. Như Philippines đã tăng chi phí quân sự lên gần gấp đôi vào 2011 và mua lại một tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ, nước này cũng đã tuyên bố sẽ đấu thầu mua thêm các vũ khí mới, bao gồm cả máy bay chiến đấu, tàu tấn công nhanh, radar,... vào tháng 8/2012.
Không chỉ các quốc gia ASEAN gia tăng chi phí quốc phòng đến mức đáng lo ngại cho Trung Quốc, mà Mỹ cũng đang đẩy nhanh tốc độ triển khai chính sách "tái cân bằng chiến lược" của mình. 60% tàu chiến của Mỹ, bao gồm 6 tàu sân bay, cùng với sự tăng cường của các loại máy bay và tàu chiến hiện đại nhất sẽ xuất hiện ở Thái Bình Dương trong vài năm tới. Mật độ tàu thuyền trong tương lai sẽ rất lớn, do đó, khả năng va chạm gây xung đột cũng tăng theo, cùng với sự phát triển quân sự của các quốc gia trong khu vực và sự hiện diện của hải quân Mỹ thì chiến tranh trong tương lai sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Theo lý thuyết "chiến tranh phòng ngừa": "cuộc chiến hiện tại nhằm tránh nguy cơ buộc phải tham chiến trong môi trường xấu hơn trong tương lai", Trung Quốc có lí do để manh động. Một khi xảy ra, cuộc chiến sẽ diễn ra nhanh chóng nhờ sự yếu thế của các nước trong khu vực, và kết thúc trước khi Mỹ kịp trở tay.
Kịch bản đã được phác thảo, nhưng câu hỏi đặt ra là thực sự Trung Quốc có động cơ để gây chiến trong tương lai gần hay không?
"Công thành vi hạ, công tâm vi thượng"
Cái gọi là "chiến tranh phòng ngừa" chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại, không có nghĩa là không thiệt hại, vì vậy nếu có thể đạt được điều mình muốn mà không cần phải gây chiến thì rõ ràng sẽ tốt hơn nhiều.
Nhìn thêm về mặt lịch sử, Trung Quốc không phải là một quốc gia có "thói quen" sử dụng vũ lực trong các tranh chấp mà thường chỉ khi suy giảm về ưu thế thương lượng mới dẫn đến các hành động bạo lực của Trung Quốc.
Theo giáo sư Fravel Taylor, Viện Công nghệ MIT, phân tích các trường hợp tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc từ 1949 đến giờ cho thấy: ưu thế thương lượng trong tranh chấp lãnh thổ được cấu thành từ hai yếu tố, một là phần lãnh thổ tranh chấp mà một quốc gia chiếm hữu được, hai là khả năng mở rộng sức mạnh quân sự để chống lại đối phương trong các khu vực tranh chấp, gồm cả những khu vực mà quốc gia đó có yêu sách nhưng không cai trị.
Nếu nhìn vào tình hình biển Đông hiện nay, nước này không nằm trong tình trạng suy giảm ưu thế thương lượng để phải dùng vũ lực. Những phần lãnh thổ tranh chấp không thuộc về Trung Quốc nhưng quốc gia này có khả năng kiểm soát khá lớn, và Trung Quốc sở hữu lực lượng quân sự lớn nhất trong các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, đủ sức chiếm toàn bộ biển Đông nếu Mỹ không can thiệp.
Hơn nữa, các hành động leo thang xung đột trong thời gian vừa qua của Trung Quốc một phần bắt nguồn từ những bất ổn nội tại của nước này. Xuất khẩu giảm mạnh; tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại; biểu tình, bạo động ở Tân Cương, Tây Tạng,...; xì-căng-đan chính trị của Bạc Hi Lai,...; tham nhũng hoành hành, .... Tất cả những bất ổn đó đã khiến Trung Quốc phải sử dụng đến chiêu bài "chủ nghĩa dân tộc" với việc tự coi mình là nạn nhân trong tranh chấp biển Đông, nhằm kích động nhân dân trong nước đối với các kẻ thù tự huyễn hoặc, từ đó đẩy bất ổn ra bên ngoài.
Thêm vào đó là sự thành công ngoài mong đợi của phép thử Scarborough khi cộng đồng quốc tế không có các hành động phản đối thiết thực, đặc biệt là Mỹ dường như đã nhắm mắt làm ngơ.
Nhưng chiêu bài "chủ nghĩa dân tộc" lại là một con dao hai lưỡi, khiến Trung Quốc không thể dừng lại mà phải tiếp tục gây hấn, sự rủi ro của leo thang căng thẳng trên biển Đông có thể dẫn đến xung đột, mà việc Mỹ có can thiệp hay không lại là điều không ai biết. Do đó, nếu xung đột xảy ra với tình trạng bất ổn nội tại chưa giải quyết, mà lại gặp phải sự can thiệp của Mỹ thì rõ ràng Trung Quốc sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khi ấy không chỉ tham vọng bá quyền tan biến, mà hi vọng rút khỏi cuộc chiến với thiệt hại ít nhất có vẻ cũng là quá xa xỉ.
Với những lý do đó, Trung Quốc sẽ không dại gì triển khai "chiến tranh phòng ngừa" trong tương lai gần, còn đối với tương lai xa hơn thì lúc ấy sự phát triển của các nước lân cận cùng với chính sách "xoay trục" cũa Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phải "suy nghĩ hai lần" nếu muốn gây chiến tranh ở biển Đông.
Điều Trung Quốc muốn khi phát triển vũ trang hay leo thang gây hấn không phải là vì chuẩn bị cho chiến tranh nhằm cướp lấy biển Đông và thách thức địa vị bá quyền của Mỹ như báo giới phương Tây lo ngại, mà mục tiêu nước này nhắm tới là để ép các quốc gia đang cùng tranh chấp ở biển Đông phải rơi vào tình trạng suy giảm ưu thế thương lượng, từ đó chèn ép họ trong đàm phán và hợp thức hóa sự chiếm hữu trái với Luật pháp quốc tế.
Từ các hành động gây hấn, cấm đánh bắt hay triển khai tàu cá nhằm tạo ra sự hiện diện pháp lý cần thiết, cho đến sự phô trương sức mạnh quân sự và triển khai tàu sân bay,... tất cả các biện pháp về quân sự và kinh tế của Trung Quốc đều nhằm dàn quân một cách ồ ạt trên quy mô lớn, tạo nên sức mạnh răn đe, và gây ra cảm giác bất an, thậm chí là sợ hãi cho các đối thủ. Khi các quốc gia luôn lo sợ nguy cơ đụng độ với Trung Quốc, thì nước này sẽ có thể từ từ gặm nhấm chủ quyền ở biển Đông. Và sau khi Trung Quốc đã chiếm giữ thì các quốc gia khác cũng vì sự lo sợ mà không dám giành lại, do lo ngại Trung Quốc sẽ leo thang xung đột và xâm chiếm nhiều hơn.
Nhìn một cách tổng thể, ưu thế thương lượng chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi nằm trên bàn đàm phán, vì sự xâm chiếm bất hợp pháp dù có giữ được, vẫn là trái với Luật pháp quốc tế, và sẽ có thể gây ra sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, chưa kể trường hợp "con giun xéo lắm cũng quằn". Nhưng nếu nằm trên bàn đàm phán, thì các quốc gia chứng kiến sức mạnh và sự hung bạo của Trung Quốc sẽ phải cân nhắc thật kĩ trước các quyết định của mình
Đàm phán bất lợi cho Trung Quốc thì nước này sẽ tiếp tục gặm nhấm chủ quyền, thậm chí là sẵn sàng tạo xung đột. Còn nhún nhường Trung Quốc sẽ có thể gây bất ổn trong nội bộ quốc gia mình, tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không để cho các quốc gia cùng tranh chấp phải rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, vì lúc đó sẽ khó để kiểm soát tình hình. Việc Trung Quốc leo thang xung đột cũng một phần là do nước này muốn đẩy bất ổn ra bên ngoài, nhưng nếu leo thang thành một cuộc chiến đầy rủi ro thì rõ ràng là một nước cờ liều mạng.
Vậy nên sự giảm bớt can thiệp quân sự và sự hiện diện, cũng như bỏ lại một phần nhỏ trong những vùng lãnh thổ nước này đã chiếm bất hợp pháp sẽ có thể xem như một "món quà" trao đổi, từ đó giành được những điều khoản về pháp lý, và có quyền chiếm hữu hợp pháp phần lãnh thổ còn lại mà Trung Quốc đòi hỏi.
Các cuộc đàm phán chủ quyền luôn là sự trả giá qua lại, do đó nếu Trung Quốc chiếm được càng nhiều trong quá trình gặm nhấm chủ quyền thì sẽ càng "kì kèo" được nhiều khi đàm phán. Đó là tác động tâm lý làm yên lòng, khiến cho các nước khác cảm thấy "may mắn" khi không mất nhiều hơn.
Binh pháp Trung Quốc có câu: "Công thành vi hạ, công tâm vi thượng" nghĩa là "Đánh vào thành là hạ sách, đánh vào lòng người mới là thượng sách". Ứng vào tình hình biển Đông hiện nay rõ ràng việc Trung Quốc hiện đại hóa vũ trang, leo thang gây hấn hay chiếm giữ bất hợp pháp không phải nhằm vào mục đích chiến tranh, mà chỉ là để đánh vào tâm lý của các quốc gia khác, đẩy họ rơi vào thế bị động và suy giảm ưu thế thương lượng, từ đó chiếm càng nhiều càng tốt nhằm trả giá và trao đổi trên bàn đàm phán theo hướng có lợi cho mình. Ngón đòn tâm lỳ được tung hô có thể tạo ra một cơn bão lớn khiến người khác phải lo sợ mà nhanh chóng trốn tránh, đành để mất một phần tài sản, nhằm giữ lại sinh mạng và những thứ quý giá hơn, trong khi vẫn cảm thấy may mắn. Tìm kiếm thế mạnh trong đàm phán thông qua "hiện diện quân sự" là cái đích mà Trung Quốc hiện muốn nhắm tới.