1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 16:

Hi vọng về hiệp ước mới cứu Trái đất

(Dân trí) - Tại thành phố biển Cancun (Mexico) đang diễn ra một trong những diễn đàn “nóng” nhất - Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP16). Đến hẹn lại lên, sự kiện này lại một lần nữa nhen nhóm hi vọng về một hiệp ước mới cứu Trái đất…

 
Hi vọng về hiệp ước mới cứu Trái đất - 1
 

COP 16 thu hút hơn 25.000 đại biểu thuộc các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nghiên cứu từ 194 quốc gia, khai mạc ngày 29/11 và sẽ kéo dài tới 10/12, với mục tiêu tiếp tục tìm kiếm những tiến bộ trong việc đưa ra thỏa thuận cụ thể nhằm đối phó với hiện tượng ấm lên của Trái đất.

 

Sau kết quả bị coi là “thất bại” của COP 15 tại Copenhagen (Đan Mạch), COP16 càng như bị chất thêm gánh nặng. Đó là phải làm sao giúp các nước thu hẹp khoảng cách và tìm được tiếng nói chung, nhằm đạt được hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý thay thế nghị định thư Kyoto sẽ hiệu lực vào năm 2012.  Đây được cho là phần lớn nhất và khó khăn nhất.

 

Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu đang hàng ngày gây thiệt hại nghiêm trọng hơn với con người. Điều này Việt Nam chúng ta cũng vừa phải trải quả những minh chứng tồi tệ và nóng hổi nhất - đợt lũ lụt lịch sử gây thiệt hại to lớn về người và của ở miền Trung.

 

Trên bình diện toàn cầu, ngoài những thiệt hại nhỡn tiền xảy ra hầu khắp các châu lục, các chuyên gia còn cảnh báo: Nếu không có biện pháp ngăn chặn lượng khí thải CO2, trong tương lai tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn thế giới ước tính sẽ giảm 5-15% mỗi năm.
 
Hi vọng về hiệp ước mới cứu Trái đất - 2
Biểu tình bên ngoài hội nghị COP 6.

 

Mười năm trước, tôi từng được tham gia lực lượng phóng viên hùng hậu từ khắp thế giới đổ tới thành phố The Hague (Hà Lan), đưa tin về COP 6. Hội nghị lần đó có quy mô nhỏ hơn, thu hút hơn 5.000 đại biểu tham dự đến từ khoảng 160 nước.

 

Ngay trong ngày khai mạc 13/11/2000, giữa gió rét căm căm dù chưa có tuyết rơi,  chúng tôi đã chứng kiến cảnh những đoàn biểu tình rầm rộ triển khai khắp các tuyến phố bao quanh khu vực diễn ra COP 6, chỉ trừ cổng chính cho các đại biểu vào khán phòng.

 

Để vào được hành lang dài được phủ bạt "dã chiến" kiểu như dựng rạp dẫn vào phòng họp, cánh phóng viên chúng tôi cũng phải đi qua một hàng rào dày đặc cảnh sát bên ngoài và nhiều cửa kiểm tra an ninh nghiêm ngặt bên trong.

 

Những ngày sau đó, người biểu tình tập trung đông hơn và không còn chỉ là diễu hành hòa bình nữa. Một số người quá khích còn lật cả xe tải, đốt lốp xe cũ, xung đột với cảnh sát… Những âm thanh ầm ĩ bên ngoài nhiều lúc rộ lên quá lớn, vọng cả vào trung tâm báo chí của chúng tôi và khiến không ít đại biểu tham dự diễn đàn chốc chốc lại phải chạy ra ngoài ngó xem sao. 

 

Tại buổi dạ tiệc kết thúc hội nghị, luôn có một màn có lẽ là khá kỳ lạ với người Việt Nam chúng ta nhưng theo tôi được biết thì đôi khi vẫn xảy ra tại các hội nghị quốc tế. Cả đám đông ồn ào náo nhiệt bỗng chết lặng đi, khi một người phụ nữ thản nhiên cầm đĩa bánh gatô chụp lên đầu vị  trưởng đoàn của một trong những nước bị cho là gây ra lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới.

 

Hình ảnh phát đi sau đó qua truyền hình cho thấy, chỉ mất vài giây sững sờ, vị quan chức “bị nạn” đã kịp lấy lại bình tĩnh, vừa nở nụ cười rất tươi vừa cùng các đồng nghiệp giúp gột các mẩu kem và bánh. Trong khi thủ phạm bị cảnh sát dẫn giải ra ngoài. Rồi tiệc lại tiếp tục, trong khi các đoàn biểu tình phản đối kết quả hạn hẹp của hội nghị cũng vẫn tiếp diễn bên ngoài.

 

Năm nay liệu rồi sẽ ra sao? Khi mà theo Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu Christiana Figueres, một trong những bài học lớn rút ra sau hội nghị COP15 năm ngoái là không thể có một giải pháp tổng thể cho vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính và “khâu yếu nhất chính là ý chí chính trị của các nước” – ngụ ý tới thái độ của Mỹ và Trung Quốc,  hai cường quốc có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới (khoảng 41%), song vẫn đứng ngoài Nghị định thư Kyoto.

 

Một đòi hỏi khẩn thiết được cho là buộc Hội nghị phải sớm “đồng bộ hóa” các biện pháp đối phó. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất, vẫn như mọi khi là còn đó câu hỏi bỏ ngỏ: Liệu các nước có dẹp bỏ được bất đồng và lợi ích quốc gia để cùng hướng tới một giải pháp chung?

 

Thanh Nguyễn