1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hé lộ "Nữ hoàng tra tấn" của CIA đã lùng ra tung tích Bin Laden

Trong phim Zero Dark Thirty đình đám, Maya là một sĩ quan của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) kiên trì, bền bỉ, tận tâm, đã lần theo trùm khủng bố Osama bin Laden tới tận hang ổ của gã.

Nữ đặc vụ Maya trong Zero Dark Thirty (Nguồn: Telegraph)
Nữ đặc vụ Maya trong Zero Dark Thirty (Nguồn: Telegraph)

Ngoài đời thực, danh tính và vị trí hiện tại của "Maya" đã được giữ kín, cho tới tận giờ. Sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo gây tranh cãi về hoạt động tra tấn và bí mật giam giữ tù nhân ở nước khác, thành tích không được lấp lánh lắm của người phụ nữ bị báo chí đặt biệt danh "Nữ hoàng tra tấn," đã lộ ra.

Bộ phim đã đúng khi mô tả cô này là một chuyên gia về Al Qaeda. Tuy nhiên sự nghiệp của cô này đầy các sai phạm và cáo buộc đã cung cấp thông tin lừa gạt Quốc hội.

"Cô ta đã không quan tâm khi CIA được cung cấp các thông tin đã có thể giúp ngăn chặn vụ khủng bố 11/9" - Jane Mayer, tác giả của một loạt bài viết về lịch sử dùng tra tấn của CIA trên tờ New Yorker, nhận xét - "Cô ta chủ động và thích thú tham gia các hoạt động tra tấn. Cô ta hiểu sai các thông tin tình báo, tới mức độ đã dẫn CIA vào một cuộc săn lùng ngớ ngẩn nhằm tìm ra các ổ hoạt động ngầm của Al Qaeda ở Mỹ. Cô ta còn cung cấp thông tin sai trái cho những người được giao chức năng giám sát ở Quốc hội rằng hoạt động tra tấn có tác dụng."

Giống nhiều phóng viên Mỹ khác, Mayer đã đồng ý với yêu cầu của CIA rằng sẽ không tiết lộ danh tính thật của nữ sĩ quan trên. Tuy nhiên để hướng ứng bài báo của Mayer và cuộc điều tra do trang tin NBC thực hiện, trang web The Intercept đã quyết định sẽ tìm ra và nêu danh tính thực của "Maya".

Trang web nói rằng họ đang làm việc này, bất chấp sự phản đối của CIA, vì vai trò chủ chốt của người phụ nữ trên trong việc cung cấp thông tin sai lạc cho Quốc hội liên quan tới tra tấn. Họ làm thế còn bởi cô ta đã trực tiếp tham gia chương trình tra tấn "gồm việc trực tiếp tham gia tra tấn ít nhất 1 tù nhân vô tội."

Nhiều sự cố liên quan tới nữ sĩ quan 49 tuổi này đã được mô tả trong các báo cáo hoạt động của CIA, được công bố trước đây. Tuy nhiên do sự chỉnh sửa và đính chính thông tin của CIA nên ít người biết rằng cô ta là cá nhân duy nhất đã gây ra các lỗi đó.

Theo NBC, nữ sĩ quan này đã bị chỉ trích nặng nề sau vụ 11/9, khi người ta biết rằng một thuộc cấp của cô sớm phát hiện 2 nghi phạm Al Qaeda, những kẻ về sau đã gia nhập một đội đánh cướp máy bay và nhập cảnh vào Mỹ thành công. Tuy nhiên nữ sĩ quan này đã không thông báo tin tức trên cho Cục điều tra liên bang Mỹ và hậu quả là không thể ngăn chặn hoặc giảm nhẹ thiệt hại trong vụ 11/9.

Sau sự cố trên, nữ sĩ quan này tiếp tục trở thành "kiến trúc sư trưởng" của các kỹ thuật thẩm vấn mở rộng (tra tấn) đã được dùng để trích xuất thông tin giá trị từ nghi phạm khủng bố. Có vẻ như cô ta làm việc này để "sửa sai" sau vụ 11/9.

Cô ta đã trực tiếp tham gia hoạt động trấn nước Khaled Sheikh Mohammed, nhân vật thứ 3 trong danh sách các chủ mưu thực hiện vụ 11/9, dù với tư cách một nhà phân tích, cô ta không có vai trò gì ở đó. Đáng chú ý là hoạt động trấn nước này diễn ra tại một nhà tù bí mật của CIA nằm ở Ba Lan.

Một tù nhân trong nhà tù bí mật của CIA (Nguồn: RT)
Một tù nhân trong nhà tù bí mật của CIA (Nguồn: RT)

Cô ta viết một nhận xét rằng Mohammed sẽ "căm ghét giai đoạn này trong cuộc đời mình," nhưng lại vô tình cung cấp thông tin sai lạc cho các chuyên viên thẩm vấn của CIA, dẫn tới việc họ thu được kết quả sai lầm. Thông tin, cho rằng có một ổ hoạt động ngầm của các thành viên Al Qaeda là người Mỹ gốc Phi ở Mỹ, đã dẫn tới một cuộc săn lùng những người Hồi giáo da đen ở Montana.

Nữ sĩ quan này còn yêu cầu việc bắt và giam giữ tái phép công dân Đức Khalid al-Masri. Al-Masri bị bắt ở Macedonia và bị đưa tới giam ở Afghanistan để thẩm vấn, dù người đàn ông có cùng tên mà CIA đang săn lùng không mang hộ chiếu Đức. Phải 5 tháng sau, al-Masri mới được trả tự do vì nhầm lẫn danh tính và được bồi thường.

Bất chấp những lỗi lầm đó, nữ sĩ quan vẫn được thăng cấp. Năm 2007, cô ta đã cung cấp chứng cứ cho Quốc hội Mỹ về việc sử dụng "các biện pháp thẩm vấn mở rộng."

Trong cuộc điều trần, cô ta nói rằng: "Trong tâm trí tôi, không có nghi ngờ gì về việc thông tin thu từ các phạm nhân đã giúp cứu sống hàng trăm mạng sống của người Mỹ."

Tuyên bố này đã thành luận điểm quan trọng để CIA cho thực hiện chương trình tra tấn. Tuy nhiên báo cáo của Thượng viện Mỹ sau này đã đánh giá tuyên bố của nữ sĩ quan trên là "không đúng".

Các nhà sản xuất Zero Dark Thirty nói rằng nhân vật Maya "dựa trên nguyên mẫu ngoài đời, nhưng cũng đại diện cho hoạt động của rất nhiều người phụ nữ khác."

Theo các cựu cộng sự từng làm việc với nữ sĩ quan của CIA, tính cách gai góc và không ngại va chạm của nhân vật Maya trong phim cũng giống với nguyên mẫu.

“Cô ấy là một nhà phân tích với năng lực phi thường" - một người nói với NBC - "Cô ấy có tính cách hơi cay độc, nhưng thông minh đáng sợ và biết rõ về Al Qaeda hơn bất kỳ ai khác ở CIA."

“Cô ấy là người khó quản lý, nhưng đã mang lại rất nhiều thành quả. Cô ấy không sợ mắc sai lầm" - người khác nói. Các cựu cộng sự này cho biết nữ sĩ quan CIA đã rất "tức giận" trước các kết luận trong báo cáo của Thượng viện Mỹ về vai trò của cô.

Tuy nhiên không phải ai cũng bênh vực nữ sĩ quan. "Cô ta phải bị đưa ra xét xử và tống vào tù vì những gì đã làm" - một cựu sĩ quan CIA nói với NBC.

Về phía mình, CIA tiếp tục khẳng định việc không thể tiết lộ tên tuổi thực của "Maya", vì sợ cô có thể bị trả thù. Mayer cho rằng mục đích thực của việc che giấu này là để bảo vệ danh tiếng CIA.

"Thiếu những cái tên, ngay cả biệt danh, ta sẽ gần như không thể lắp ghép các mảnh vỡ và khiến ai đó trong chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm" - Mayer viết - "Chứng cứ thể hiện qua việc CIA đã nỗ lực chống lại chuyện công bố những cái tên, trong tiến trình chỉnh sửa thông tin kéo dài 8 tháng trời, đằng sau những cánh cửa đóng im ỉm đó".
 
Theo Linh Vũ
Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm