1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ hòn đảo “mắt xích” trong chiến lược của Mỹ ở Biển Đông

(Dân trí) - Với căn cứ hải quân Lombrum, hòn đảo Manus ở Papua New Guinea có thể coi là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Mỹ và các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông.


Tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống. (Ảnh minh họa: Military)

Tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống. (Ảnh minh họa: Military)

Bên lề thượng đỉnh APEC tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea giữa tháng 11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington sẽ cùng Australia khôi phục căn cứ hải quân Lombrum ở Papua New Guinea.

Ông Pence cho biết, Mỹ sẽ bắt tay với Papua New Guinea và Australia để phát triển căn cứ này nhằm "bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở các đảo Thái Bình Dương”.

Lombrum, được xây dựng năm 1944, vốn là một căn cứ hải quân chính của Mỹ trong Thế chiến thứ 2. Đây từng là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính thủy đánh bộ và từng đón khoảng 800 tàu. Nó có vị trí chiến lược nhìn ra các tuyến đường thương mại đông đúc.

Mỹ, Australia tuyên bố bắt tay khôi phục Lombrum chỉ vài tháng sau khi xuất hiện những đồn đoán rằng Trung Quốc cũng đang có ý định xây dựng một cảng ở đảo Manus và có thể sử dụng làm một căn cứ hải quân. Năm 2016, công ty China Harbour Engineering của Trung Quốc đã thắng thầu phát triển sân bay Momote ở đảo này, nhưng đến nay cả giới chức Trung Quốc và Papua New Guinea đều không xác nhận việc Bắc Kinh cân nhắc xây dựng một cảng ở đây.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Collin Koh, một chuyên gia nghiên cứu về hàng hải của Singapore, nhận định: “Kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân (Lombrum) là một phần trong chiến lược của Australia với các đồng minh, ít nhất là với Mỹ, nhằm tăng cường mối liên kết với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trên nhiều mặt trận gồm ngoại giao, kinh tế và an ninh”.

Một số chuyên gia cho rằng, căn cứ Lombrum có thể coi là câu trả lời trực tiếp cho việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép Biển Đông. “Cách tiếp cận Lombrum đơn giản là áp dụng với Trung Quốc chính điều mà Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã và đang làm ở Biển Đông”, Peter Jennings, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược của Australia, nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, căn cứ Lombrum cần lá chắn trên không và sân bay Momote có thể chuyển đổi mục đích sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. “Việc chuyển đổi sân bay Momote thành một cơ sở dùng cho cả quân sự và dân sự sẽ bắt đầu biến đảo Manus trở thành yếu tố chiến lược quyết định cuộc chơi ở phía tây và bắc Biển Đông”, ông Jennings bình luận.

Căn cứ này sẽ mang lại cho Hải quân Mỹ một điểm ra vào nữa phục vụ cho hoạt động nạp nhiên liệu cho các tàu quân sự. Nó cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ ở khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi Mỹ và Australia bắt tay nhau để triển khai kế hoạch khôi phục Lombrum, giới quan sát cho rằng, hai đồng minh này cần thận trọng để tránh làm mếch lòng Indonesia. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt đối với Mỹ và Australia là trấn an Papua New Guinea và Indonesia về mục đích khôi phục Lombrum.

Ngoài ra, công tác nâng cấp căn cứ này để tận dụng cho các tàu quân sự lớn hơn của Mỹ và Australia neo đậu đòi hỏi mất nhiều năm.


(Ảnh: SCMP)

(Ảnh: SCMP)

Minh Phương

Theo SCMP