1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ của Putin về cuộc sống sau khi mãn nhiệm

(Dân trí) - Trong cuộc đối thoại trực tiếp trên truyền hình với người dân Nga hôm qua, Tổng thống Putin tiết lộ ông vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của mình sau khi mãn nhiệm vào năm 2008.

Mặc dù nhiều người ủng hộ đã kêu gọi sửa đổi hiến pháp Nga, nhưng vị lãnh đạo 54 tuổi một lần nữa khẳng định ông không có ý định ở Kremlin thêm một nhiệm kỳ nữa.

 

"Dù tôi rất yêu thích công việc của mình, nhưng hiến pháp không cho phép tôi có thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba," Putin trả lời trong cuộc đối thoại trực tiếp kéo dài 3 tiếng đồng hồ qua truyền hình với người dân Nga. Đây là lần thứ năm kể từ khi làm tổng thống vào năm 2000, Putin lên truyền hình trả lời những băn khoăn, thắc mắc của người dân Nga.

 

"Mặc dù không còn làm tổng thống và không thể tạo ra luật theo ý thích của cá nhân tôi, nhưng tôi sẽ cố gắng duy trì điều quan trọng nhất: Đó là tiếp tục tham gia vào chính trường như các bạn vẫn tin tưởng." - Putin hé lộ. "Và có như vậy tôi và các bạn mới có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của đất nước ta, đảm bảo được sự phát triển của đất nước."

 

Những người quan tâm đến Kremlin luôn băn khoăn về người kế nhiệm Putin. Và họ tập trung vào hai ứng cử viên sáng giá: đó là Bộ trưởng quốc phòng Sergei Ivanov, phó thủ tướng Dmitry Medvedev.

 

 

Hé lộ của Putin về cuộc sống sau khi mãn nhiệm  - 1
 

Buổi đối thoại của Putin được phát sóng trên

3 kênh truyền hình của Nga.

Sau buổi đối thoại trên truyền hình, Putin nói với các phóng viên rằng ông chưa có kế hoạch đề cử người kế nhiệm. Mặc dù sự đề cử của ông có ý nghĩa rất quan trọng song người đó cần phải ra tranh cử và cần phải được bỏ phiếu. "Tôi sẽ nói với các bạn điều đó khi thích hợp." - hãng thông tấn ITAR-Tass trích lời Putin.

 

Theo nhà phân tích chính trị Olga Kryshtanovskaya thì rất nhiều người ủng hộ Putin sẽ vẫn ở lại chính phủ sau khi ông mãn nhiệm. Và theo nhà phân tích, điều đó có nghĩa là  Putin vẫn có thể duy truỳ chính sách của mình ở một mức độ nào đó.

 

Có thể Putin sẽ trở thành một cố vấn cấp cao cho chính phủ Nga sau khi rời nhiệm sở, giống như cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev trước đây. Tuy nhiên ông Gorbachev tạo được rất ít ảnh hưởng đối với chính sách của Nga.

 

Hoặc không, ông có thể gia nhập hàng ngũ lãnh đạo của một trong những công ty năng lượng sở hữu nhà nước của Nga. Rất nhiều phụ tá cấp cao của Kremlin cũng đã làm thành viên trong ban lãnh đạo của những công ty này. Ví dụ như ông Medvedev, chủ tịch tập đoàn dầu lửa Gazprom, một tập đoàn có vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của Nga.

 

Trong suốt 3 giờ đối thoại, Putin đã trả lời các câu hỏi của người dân Nga mạch lạc và rõ ràng. Những câu hỏi được gửi đến đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ vấn đề nông nghiệp, đến mối quan hệ với Gruzia, CHDCND Triều Tiên, và làn sóng giết người thuê mới nổi lên ở Nga.

 

 

Hé lộ của Putin về cuộc sống sau khi mãn nhiệm  - 2
 

Sáng kiến đối thoại trực tiếp với người dân của Putin

được rất nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, ông không trả lời câu hỏi về lời bình luận của ông đối với vụ bê bối tình dục liên quan đến Tổng thống Israel gần đây. Một thành viên của đoàn ngoại giao Israel trước đó đã cho biết, Putin nói rằng: "Tôi đã gặp ông ấy (tổng thống Israel). Ông ấy trông không giống như một người có thể có tới 10 phụ nữ."

 

Cuối ngày hôm qua, nhà lãnh đạo Nga có nói đến khả năng, có thể Tổng thống Moshe Katsav bị những người xấu dựng chuyện để trả thù cho cách điều hành của Israel trong cuộc chiến Libăng hồi tháng 7, tháng 8 vừa qua. "Họ coi các sự kiện đã xảy ra như một thất bại, và ngay lập tức, đã có những hành động chống lại Tổng thống, Thủ tướng, và người đứng đầu quân đội (Israel)." - Putin cho biết.

 

Về vụ phó Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Andrei Kozlo và nhà báo Anna Politkovskaya bị giết hại, Putin khẳng định "chính phủ sẽ theo vụ điều tra đến cùng."

 

Còn về mối quan hệ với Gruzia, Putin bác bỏ thông tin cho rằng chính sách của Nga đối với Gruzia, trong đó có lệnh cấm kinh tế, là hành động trừng phạt vì tư tưởng thân phương Tây của nước này. "Hành động của chúng tôi không liên quan gì đến chuyện Gruzia gia nhập NATO hay bất kỳ điều gì khác". Ngoài ra, Putin còn tố cáo các nhà lãnh đạo Gruzia đang tìm cách giải quyết căng thẳng lãnh thổ của họ bằng vũ lực.

 

PV

Theo AP, USA Today