Mới cách đây vài tháng, Tổng thống B. Obamavà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có dịp gặp nhau tại thủ đô Wasington. Mặc dù không đạt được bước đột phá nào, song lần gặp ấy được đánh giá như một thành công lớn về ngoại giao, một cú chạy đà để hai nước tái khởi động quan hệ hợp tác song phương ở mức độ cao hơn.
Đến New Delhi lần này, ông Obama đã trở thành nhà lãnh đạo Mỹ tại nhiệm đầu tiên hai lần công du Ấn Độ, trước đó là vào năm 2010, đồng thời sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26-1) với tư cách là khách mời đặc biệt của Tổng thống Pranab Mukherjee.
Thủ tướng Ấn Độ Modi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng (nguồn VOV.vn)
Trong khoảng 5 năm qua, quan hệ Mỹ-Ấn ít nhiều bị kìm hãm bởi những bất đồng về chính sách ngoại giao. Chẳng hạn như việc Mỹ ưu tiên quan hệ với Trung Quốc và Pakistan, hai quốc gia được coi là “đối thủ” của Ấn Độ, trong khi New Delhi lại tìm cách mở rộng quan hệ với “những người bạn lớn” khác và luôn giữ khoảng cách với Wasington. Hay như thái độ khó chịu của Mỹ khi Ấn Độ “nói không” với việc đưa ra các biện pháp cấm vận chống I-ran. Đó là chưa kể những sự vụ nảy sinh từ sự phức tạp trong quan hệ tay ba Mỹ - Ấn Độ - Pakistan, những vấn đề gai góc trong quan hệ song phương như tranh cãi về chính sách thương mại, các hợp đồng quân sự, lĩnh vực năng lượng hạt nhân…
Chương trình nghị sự của Tổng thống Obama tại Ấn Độ đã hé mở khi mới đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ ra 4 vấn đề ưu tiên của hai nước, đó là hợp tác kinh tế, hạt nhân dân sự, biến đổi khí hậu, quốc phòng-an ninh.
Ngay trong ngày đầu tiên tới Ấn Độ (25-1), ông Obama đã cùng Thủ tướng Modi thông báo việc hai bên nhất trí tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự. Dĩ nhiên, hợp tác kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu!
Sau nhiều năm đạt tăng trưởng thường niên hơn 8%, tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu chững lại kể từ năm 2010 và rơi xuống dưới 5% vào năm 2013. Để vực dậy nền kinh tế có dấu hiệu sụt sùi, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều kế hoạch bao gồm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tăng mật độ đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích hoạt động sản xuất thông qua chính sách “ngoại giao chủ động” mang đậm dấu ấn của Thủ tướng N.Modi.
Có thể nói, quan điểm ngoại giao mà ông Modi thể hiện trong suốt 7 tháng qua kể từ khi lên nắm quyền đã tạo ra bất ngờ lớn. Sau khi mời các nhà lãnh đạo Pakistan và các quốc gia lân cận đến tham dự lễ nhậm chức, ông Modi cất công đến một loạt nước như: Trung Quốc, Mỹ, Úc và mỗi lần như vậy đều mang về cho Ấn Độ những hợp đồng kinh tế "bom tấn".
Lần đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi mới đây cũng kết thúc bằng một loạt hợp đồng và thỏa thuận thương mại, trong đó cho phép Ấn Độ nhập khẩu các lò phản ứng hạt nhân từ Mátxcơva. Thủ tướng Modi đang chứng tỏ rằng dưới bàn tay chèo lái của ông, Ấn Độ đang gồng lên mạnh mẽ giữa gian khó và trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.
Cứ nhìn vào những chuyến đi, những cuộc tiếp xúc vừa qua của ông Modi sẽ thấy, Ấn Độ đang đi theo con đường ngoại giao “không phân biệt đối tác”, với mục tiêu cuối cùng là thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Nếu vậy thì rõ ràng, Mỹ là một đối tác đáng được ưu ái, bởi dù đang gặp phải ít nhiều khó khăn, song Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới. Hơn nữa, tiềm năng hợp tác, nhất là về kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ được đánh giá còn rất lớn.
Như nhận xét của Cơ quan nghiên cứu Gateway House có trụ sở tại thành phố Mumbai, kim ngạch song phương Ấn-Mỹ thậm chí có thể vươn tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030… nếu hai bên nỗ lực khai thác tiềm năng. Bên cạnh đó, hai nước cũng đang chuẩn bị những bước đi cuối cùng nhằm đi đến một thỏa thuận mới thay thế cho thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Mỹ sẽ hết hiệu lực vào mùa hè này, đồng thời bàn cách tiến tới những dự án sản xuất chung các thiết bị quân sự.
Không những vậy, ứng xử với Ấn Độ như một đối tác tin cậy trong nền kinh tế toàn cầu cũng như trong các vấn đề quốc tế rõ ràng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ khi triển khai chiến lược tăng cường hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách "tái cân bằng" của Wasington không thể cân bằng nếu thiếu quốc gia đông dân thứ hai thế giới với tiềm năng vươn lên tầm cường quốc hàng đầu.
Nói cách khác, hấp lực khó cưỡng của những lợi ích chung khiến Mỹ và Ấn Độ không thể không đến gần nhau hơn. Tất nhiên, những tiềm năng hợp tác Mỹ-Ấn không thể biến ngay thành hiện thực trong một chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Mỹ. Ông Obama được chờ đợi sẽ có mặt trong lễ diễu hành hoành tráng ở thủ đô New Delhi để tạo ra biểu tượng tinh thần, tiếp thêm lực đẩy cho quan hệ Mỹ - Ấn.
Theo Vũ Hùng
Quân đội Nhân dân