1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hành trình mới từ New York

New York đón chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) trong cái nắng rớt của mùa hè nước Mỹ.

Hành trình mới từ New York - 1

Các đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp thượng đỉnh Liên hợp quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các sự kiện cấp cao khác ở thành phố còn có tên là Quả Táo Lớn này diễn ra vào đúng dịp LHQ long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, đã hội tụ một số đông các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo quốc gia, người đứng đầu chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong lịch sử của mình, New York chưa bao giờ đón tiếp một số lượng đông đảo các yếu nhân đến như vậy nên cũng là dễ hiểu khi thành phố triển khai một chiến dịch an ninh chưa từng có để bảo vệ cho các nhà lãnh đạo quốc gia.

Chiến dịch này được ghi nhận như là sự kiện lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử của các lực lượng cảnh sát New Yorkvà hoạt động bảo vệ an ninh ở New York trong dịp này được xếp hạng vào nhóm “sự kiện an ninh đặc biệt của quốc gia”.

Dọc các con đường từ sân bay quốc tế JFK về trung tâm thành phố New York chăng các tấm biển, biểu ngữ mang logo của dịp kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ, một con số 70 cách điệu với hình quốc huy LHQ bên trong con số 0 và hàng chữ bên cạnh, thể hiện chủ đề kỷ niệm năm nay: Một LHQ mạnh mẽ. Một thế giới tốt đẹp hơn.

“Kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ là một cơ hội để nhìn lại lịch sử 70 năm phát triển của LHQ và những thành tựu của tổ chức này”-Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã viết như vậy trong thông điệp nhân kỷ niệm 70 năm LHQ.

Đúng thế. Kỷ niệm 70 năm thành lập là cơ hội để nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của LHQ!

Để những cuộc chiến tranh thế giới lùi vào dĩ vãng

Ngay trong những ngày khói lửa của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, ngày 30-10-1943, tại Mátxcơva, thủ đô Liên bang Xô Viết, đại diện của các nước Liên Xô, Anh, Mỹ và Trung Quốc kêu gọi thành lập một tổ chức quốc tế để duy trì hòa bình và an ninh, thay thế cho Hội Quốc liên, vốn được thành lập từ tháng 1-1920 sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt nhưng đã bị giải tán trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Mục tiêu này được tái khẳng định hai tháng sau đó ở Hội nghị Các cường quốc tại Tehran, Iran với sự tham gia của các nhà lãnh đạo ba nước đồng minh chủ chốt trong liên minh chống phát xít là Liên Xô, Anh, Mỹ.

Tuyên bố này được củng cố một bước với hội nghị diễn ra tại Dumbarton Oaks, một trang viên ở ngoại ô thủ đô Washington (Mỹ) với sự tham dự của các đoàn đại biểu Liên Xô, Mỹ, Anh và Cộng hòa Trung Hoa, kéo dài từ ngày 21-8 đến 7-10-1944.

Các bên tham dự hội nghị thống nhất đưa ra các đề xuất thành lập tổ chức LHQ, trong đó có quy chế thành viên LHQ, cơ cấu Hội đồng bảo an LHQ, quyền phủ quyết cho các thành viên thường trực Hội đồng bảo an. Các đề xuất đều được nhất trí, chỉ trừ hai vấn đề về quyền phủ quyết của các thành viên thường trực và đòi hỏi của Liên Xô cho tất cả các nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xô Viết được tham gia LHQ với tư cách là những thành viên độc lập. Để phản đối, Mỹ đòi cả 48 bang của nước Mỹ khi ấy cũng được tham gia với tư cách độc lập như thế.

Cuối cùng, các vấn đề này được giải quyết ở Hội nghị Ianta tổ chức tại Lâu đài Livadia ở Ianta, Crưm, từ ngày 4 đến 11-2-1945, với sự có mặt của đại diện ba cường quốc đồng minh chống phát xít là Liên Xô, Mỹ, Anh.

Tại Hội nghị LHQ về tổ chức quốc tế diễn ra ở San Francisco, có sự tham gia của đại diện 50 quốc gia, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6-1945, vốn thường được gọi là Hội nghị San Francisco, quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an và văn bản cuối cùng của Hiến chương LHQ được thông qua.

Hiến chương LHQ bắt đầu bằng dòng chữ: “Chúng tôi, những dân tộc của LHQ, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh”, đã nói lên mong muốn mục tiêu của tổ chức này là khiến cho những cuộc chiến tranh thế giới mãi lùi sâu vào dĩ vãng.

Ngày 24-10-1945, LHQ chính thức được thành lập.

Cột mốc 2015 sắp qua, cột mốc 2030 đã tới

Kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 70 đã khai mạc từ hôm 15-9 tại Trụ sở LHQ bên bờ sông Đông ở New York với sự tham gia của đại diện 193 thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế. Trọng tâm kỳ họp là bảo đảm việc thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 sẽ được thông qua tại phiên họp thượng đỉnh diễn ra từ ngày 25 đến 27-9 với sự tham gia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Việt Nam.

Chương trình nghị sự gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu cụ thể. Sẽ không thể có phát triển bền vững cho các quốc gia nếu không có hòa bình, an ninh và tôn trọng quyền con người.

Cũng trong kỳ họp lần này sẽ bầu chọn Tổng thư ký mới thay cho ông Ban Ki-moon chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 31-12-2016. Có vẻ như, một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ là khuyến khích bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ đã được phản ảnh rõ nét qua gương mặt của những ứng viên tiềm năng: Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO); bà Helen Clark, quản trị viên Chương trình Phát triển LHQ (UNDP); bà Michelle Bachelet, Tổng thống Chile; bà Dalia Gribauskaite, Tổng thống Litva; bà Helene Thorning Schmidt, cựu Thủ tướng Đan Mạch.

Tất cả đều là phụ nữ! Phải chăng, LHQ sẽ bước vào một thời kỳ mới với một Tổng thư ký là phụ nữ? Chưa thể biết được, nhưng rõ ràng, những Mục tiêu Thiên niên kỷ cần phải được cụ thể hóa, như Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đã làm trong thời gian qua.

Năm 2000, cũng tại kỳ họp thượng đỉnh ở New York có sự tham dự của đoàn đại biểu Việt Nam, LHQ đã đề ra 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ cho giai đoạn 2000-2015: Loại trừ nghèo đói; hoàn thành phổ cập tiểu học; khuyến khích bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em; cải thiện sức khỏe bà mẹ; chiến đấu chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh tật khác; bảo đảm môi trường bền vững; khuyến khích một mối quan hệ đối tác phát triển quốc tế.

Việt Nam đã cơ bản hoàn thành cả 8 mục tiêu này, trong đó hoàn thành sớm một số mục tiêu, đặc biệt ấn tượng là thành tích xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010, thành công trong việc kiểm soát sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm.

Hành trình mới từ New York - 2

Tượng nòng súng bị xoắn trong khuôn viên trụ sở Liên hợp quốc thể hiện khát vọng hòa bình của các dân tộc. (Ảnh: Văn Yên)

Giờ đây, khi cột mốc 2015 đã sắp trôi qua, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục bước vào Chương trình nghị sự đến 2030, trong đó Mục tiêu Phát triển bền vững phải được đặt lên hàng đầu.

Vì một thế giới tốt đẹp hơn

“Các mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, bất ổn và xung đột”-Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói như thế trong bài phát biểu tại phiên họp thượng đỉnh cuối giờ chiều 25-9 (theo giờ New York), trước đông đảo các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo quốc gia, Chính phủ các nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay vang dội khắp khán phòng rộng lớn ở Trụ sở LHQ thể hiện sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế đối với chính sách của Việt Nam. Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Mỗi ngày, LHQ cung cấp thức ăn cho người đói, chỗ trú ẩn cho người tị nạn, vắc-xin chữa bệnh cho trẻ em chống lại những bệnh dịch chết người trên khắp thế giới.

Mỗi ngày, LHQ bảo vệ môi trường, duy trì quyền bình đẳng giới cho phụ nữ, đấu tranh bảo vệ quyền con người, chấm dứt các cuộc xung đột, nội chiến.

Ông Dag Hammarskjold, người Thụy Điển, là Tổng thư ký thứ hai của LHQ, từng nói: “Thúc đẩy hòa bình và tiến bộ không thể chấm dứt trong một vài năm, bất kể là chiến thắng hay thất bại. Thúc đẩy hòa bình và tiến bộ, với những thử thách và sai lầm, thành công và thất bại của nó, LHQ không bao giờ thỏa mãn và không bao giờ từ bỏ những mục tiêu của mình”.

Cùng với những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng luôn kiên định các Mục tiêu Phát triển bền vững với con người là trung tâm trong chiến lược quốc gia của mình. Trên diễn đàn LHQ, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã long trọng tuyên bố với thế giới như thế và cam kết Việt Nam sẽ thực hiện được các mục tiêu lồng ghép phát triển bền vững vào mọi chiến lược và chương trình quốc gia.

Với những gì đã thực hiện được trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ thời gian qua, có thể tin rằng Việt Nam cũng sẽ thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong thời điểm bước ngoặt của LHQ.

“LHQ là niềm hy vọng và ngôi nhà chung của toàn nhân loại. Hiến chương LHQ là la bàn của chúng ta”. Tổng thư ký Ban Ki-moon đã phát biểu như thế trong lễ kỷ niệm 70 năm thông qua Hiến chương LHQ ở San Francisco.

Việt Nam sẽ không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại trong cuộc đấu tranh vì một LHQ mạnh mẽ, một thế giới tốt đẹp hơn. Cùng LHQ, Việt Nam lại tiếp tục bắt đầu một hành trình mới vì Mục tiêu Phát triển bền vững, bắt đầu từ New York!

Ghi chép của Văn Yên (từ New York, Hoa Kỳ)

Theo Quân đội Nhân dân

Hành trình mới từ New York - 3