Hành trình đổi đời của người trẻ Triều Tiên tại miền đất hứa Hàn Quốc
(Dân trí) - Vượt qua nhiều khó khăn và rào cản, những người trẻ Triều Tiên đã chứng minh được năng lực của họ và từng bước giành được thành công trong những lĩnh vực mà họ theo đuổi trên đất nước Hàn Quốc.
Khi làn sóng những người Triều Tiên tràn sang Hàn Quốc bắt đầu hình thành sau nạn đói cách đây 20 năm, nhiều người trong số họ đã phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn mới so với những gì họ từng trải qua. Họ phải học cách sử dụng thẻ tín dụng và điện thoại thông minh, phải làm quen với tiếng ồn, ánh đèn neon, cuộc sống nhộn nhịp và công việc mới. Người Triều Tiên cũng phải đối mặt với những bình luận khiếm nhã hoặc sự hoài nghi khi người Hàn Quốc nghe thấy giọng địa phương của họ hay khi thấy họ không biết sử dụng máy vi tính.
Vượt qua mọi khó khăn, nhiều người Triều Tiên trẻ tuổi đã và đang gặt hái được những thành công trên đất nước Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi họ không còn nói giọng địa phương và thay đổi xu hướng ăn mặc theo phong cách của người Hàn Quốc, những người trẻ Triều Tiên vẫn không có ý định che giấu nguồn cội của họ.
“Tôi tự hào rằng mình là người Triều Tiên. Đó là một phần quan trọng trong bản sắc của tôi”, Park Su-hyang, 27 tuổi, người góp phần thành lập mạng lưới Woorion giúp những người đào tẩu ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc, cho biết.
Washington Post đã dẫn lại câu chuyện của những người Triều Tiên trẻ tuổi trong hành trình đi tìm con đường đi của chính mình sau khi rời khỏi Triều Tiên.
Nhà thơ
Oh Eun-jeong, 27 tuổi, rời khỏi Kyongsong vào năm 2009.
Bố tôi là một thủy thủ và ông ấy là người nghiện rượu. Tuy vậy, tôi vẫn có một tuổi thơ hạnh phúc.
Thế rồi mẹ tôi bỏ đi và bố tôi mất trong một vụ tai nạn giao thông. Em gái kém tôi 11 tuổi chuyển tới sống cùng bà còn tôi sống một mình trong ngôi nhà của gia đình tôi. Tới năm 2009, tôi bỏ trốn khỏi căn nhà đó.
Tại Triều Tiên, tôi chỉ được đọc một cuốn tiểu thuyết duy nhất mà tôi mượn được từ một người hàng xóm. Cuốn sách đó đã rách nát và bị mất trang, nhưng đó là tất cả những gì tôi có khi đó.
Tại Hàn Quốc, tôi đọc sách liên tục. Ở trường đại học, tôi biết có một giáo sư giỏi về văn học với cách dạy truyền cảm và tôi đã theo học 3 lớp của ông ấy. Tôi thường viết những đoạn ngắn lên điện thoại của tôi. Tôi thậm chí không biết rằng mình đang làm thơ. Tôi chỉ đang viết mọi thứ một cách tự nhiên.
Động lực lớn nhất để tôi làm thơ là nỗi nhớ em gái. Tôi cảm thấy đau đớn và tôi đã trải lòng ra những trang giấy. Đó là cả một thế giới mới đối với tôi.
Cuốn sách đầu tiên của tôi xuất bản năm 2015. Sau đó tôi được mời tham gia một kênh truyền hình và tôi đã đọc các bài thơ của mình. Và tôi được xem là nhà thơ trẻ.
Nhiều tác phẩm của tôi có liên quan tới chủ đề Triều Tiên. Tôi có nhiều ký ức đẹp về nơi đó. Người dân vẫn đói và cuộc sống vẫn khó khăn, tuy vậy bản chất nhân văn vẫn không thay đổi.
Doanh nhân
Kang Min, 31 tuổi, rời khỏi Bukchong vào năm 2007
Vào năm tôi 10 tuổi, nạn đói xảy ra, tôi và mẹ đã đi cùng nhau. Nhưng sau đó chúng tôi bị thất lạc và tôi chưa bao giờ gặp lại mẹ. Từ đó đến nay, tôi phải tự bảo vệ chính mình.
Ban đầu tôi đói đến mức tôi có thể ăn bất kỳ thứ gì mà tôi tìm thấy trên mặt đất. Tôi bắt đầu đi ăn xin nhưng không ai cho tôi đồ ăn. Rồi tôi phải học cách ăn trộm. Tôi sẽ chết nếu tôi không ăn trộm.
Khi tôi 15 tuổi, tôi bắt đầu bán mơ trên tàu. Sau đó tôi bán thuốc lá, rồi bán các đồ dùng bằng nhựa của Trung Quốc và cuối cùng là bán lốp xe đạp.
Khi đặt chân tới Hàn Quốc lần đầu tiên, tôi dự tính sẽ vào đại học. Nhưng sau đó tôi muốn khởi nghiệp và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Tôi thấy điện thoại thông minh là ngành kinh doanh lớn, vì thế tôi bắt đầu mở một cửa hàng trực tuyến. Tôi mua loại quả sắp đến ngày hết hạn và bán trên mạng. Sau đó tôi bắt đầu mua hoa hồng dại để làm xà bông, nước hoa và trà.
Kinh nghiệm bán hàng trên mạng đã giúp tôi nhận ra các cơ hội về công nghệ thông tin. Năm 2016, tôi bắt đầu bắt tay vào ngành thiết kế website. Đó cũng là công việc kinh doanh chính của tôi bây giờ.
Khi mọi người nhận ra tôi từ Triều Tiên tới, họ hỏi tôi có biết gì về kinh doanh hay chủ nghĩa tư bản không. Nhưng tôi vẫn có niềm tin vào sự nhạy bén trong kinh doanh cũng như khả năng của mình. Bây giờ tôi đã nhận được các đề xuất về nhượng quyền thương hiệu và tôi sẽ tới Mỹ để học về kinh doanh.
Trong tương lai, tôi muốn làm trong lĩnh vực kinh doanh có liên quan tới Triều Tiên vì tôi có thể giúp những đứa trẻ từng có tuổi thơ khó khăn như tôi.
Quản lý tập đoàn
Kim Sang-woon, 30 tuổi, rời khỏi Tanchon vào năm 2009
Khi tôi học đại học ở Triều Tiên, tôi đã xem các bộ phim của Hàn Quốc và các kênh truyền thông của nước ngoài. Tôi nhận ra Triều Tiên bị tụt hậu, tôi muốn đi máy bay và tận hưởng cuộc sống. Vì thế tôi quyết định bỏ trốn.
Khi tôi đến Hàn Quốc, tôi phải dành một năm để chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào đại học. Tôi đã ứng tuyển vào vị trí nhân viên tổng đài bán thời gian vì tôi nghĩ công việc này dễ dàng. Nhưng ngay sau khi nghe thấy giọng nói của tôi, họ đã nói rằng sao tôi có thể làm việc cho một tổng đài với giọng nói như vậy. Sau đó tôi bắt đầu làm công việc dán áp phích vào 4 giờ sáng hàng ngày và làm cho một dây chuyền lắp điện thoại.
Năm 2011, tôi vào đại học và bắt đầu học về thương mại quốc tế và tiếng Trung. Vào năm cuối đại học, tôi thực tập tại công ty Huyndai và làm việc cho văn phòng Bắc Kinh vì tôi biết tiếng Trung. Tất cả mọi người đều tài năng và giỏi, nhưng tôi phải cố gắng từng bước một. Tôi đã học hành chăm chỉ và những cơ hội đã xuất hiện. Tôi đã có cơ hội đến Mỹ, và được tới thăm đại học Harvard.
Khi tôi tốt nghiệp, tôi ứng tuyển vào tập đoàn SK. Tôi đã vượt qua bài thi đầu vào và lọt qua hai vòng phỏng vấn. Có rất nhiều ứng viên thông minh, nhưng tôi nghĩ việc tôi xuất thân từ Triều Tiên và từng trải qua nhiều khó khăn đã giúp tôi nhận được công việc này. Tôi chưa bao giờ che giấu nguồn cội của mình. Đó là niềm tự hào lớn của tôi.
Bây giờ tôi là người quản lý chuỗi cung ứng. Trong 10 năm tới, tôi muốn trở lại Triều Tiên và điều hành văn phòng của SK ở Bình Nhưỡng. Người Triều Tiên rất chăm chỉ, và một khi Triều Tiên mở cửa, tôi nghĩ sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.
Thợ cắm hoa
Jeon Geum-ju, 32 tuổi, rời khỏi Hoeryong năm 2008
Tôi giành được điểm số cao tại trường phổ thông, vì thế tôi nghĩ mình sẽ vào đại học. Nhưng tôi phát hiện ra rằng chỉ những đứa trẻ là con của quan chức cấp cao mới được cử vào trường đại học. Tôi được phân công làm việc trong một nhà máy giày nhưng không sản xuất giày. Thay vào đó tôi chỉ làm những công việc tay chân như đào hố hay trồng cây.
Năm tôi 20 tuổi, tôi gặp một cô gái người Trung Quốc tới Triều Tiên du lịch cùng gia đình. Cô ấy đã kể cho tôi nghe về Hàn Quốc. Đó là thời khắc quan trọng đối với tôi. Tôi chưa bao giờ rời khỏi thành phố của mình, nhưng tôi bị thôi thúc rời đi.
Tôi đặt chân đến Hàn Quốc vào năm 24 tuổi. Tôi đã đấu tranh tư tưởng về việc có nên vào đại học hay không vì sau khi tốt nghiệp tôi đã 30 tuổi. Sau đó, tôi quyết định học về kế toán vì tôi giỏi về toán.
Giấc mơ hồi nhỏ của tôi là trở thành người cắm hoa. Tôi thường lên những ngọn núi tại Triều Tiên và hái hoa. Vì thế tôi bắt đầu làm việc cho một cửa hàng hoa sau giờ làm việc. Tôi cũng học thêm các lớp tiếng Anh. Mặc dù cảm thấy mệt nhưng khi làm việc trong cửa hàng hoa, tôi thấy hạnh phúc. Tôi bắt đầu xem đây là sự nghiệp của mình.
Tôi nhận ra rằng nhiều người cắm hoa thành công từng theo học ở châu Âu. Tôi đã tiết kiệm tiền từ công việc kế toán trong 3 năm để có thể sang châu Âu học tập. Ban đầu tôi có cơ hội tới Mỹ để học tiếng Anh trong một năm nhưng tôi không nhận được thị thực. Vì thế tôi đã tới Canada trong 3 tháng.
Sau đó tôi tới Anh để học khóa học về hoa trong 6 tháng. Tôi đã có cơ hội thực tập với một thợ cắm hoa nổi tiếng ở London. Ban đầu tôi chỉ được làm những công việc dọn dẹp, nhưng sau đó tôi cũng được tự tay cắm hoa. Tôi làm việc từ sáng sớm tới tối khuya. Nhờ vậy, những cánh cửa đã dần mở ra cho tôi.
Bây giờ tôi là giáo viên dạy cắm hoa tại một trung tâm ở Hàn Quốc và bán hoa trên mạng. Giấc mơ của tôi là mở một cửa hàng bán hoa của chính mình.
Thành Đạt
Theo Washington Post