Hàn Quốc và thủ đô mini gây tranh cãi
(Dân trí) - Sau một thập niên tranh cãi, ngày mai, Hàn Quốc dự kiến sẽ khai trương thủ đô mini mới, nơi được những người ủng hộ ca ngợi là thắng lợi cho sự phát triển trong khi những người phản đối xem đây đơn thuần là dự án được chính phủ chi tiền.
Thành phố Sejong cho đến năm 2015 sẽ là nơi tọa lạc của 16 bộ cùng 20 văn phòng chính phủ trung ương. Khi được hoàn thành, thành phố nằm gần Seoul này sẽ có hơn 10.000 công chức làm việc.
Mục đích xây dựng thành phố là để tái cân bằng sự phát triển của quốc gia, ở đất nước mà Seoul và các thành phố vệ tinh của nó chứa gần một nửa dân số và chiếm gần một nửa lượng sản lượng của cả nước.
Thành phố mới nằm cách nam Seoul 120km sẽ chính thức mở cửa vào ngày mai, với lễ khánh thành vào ngày thứ hai, do Thủ tướng Kim Hwang-Sik chủ trì. Tuy nhiên, khoảng 10 cơ quan nhà nước, trong đó có văn phòng tổng thống, bộ ngoại giao, bộ quốc phòng và quốc hội vẫn ở lại Seoul.
Bản thân Thủ tướng Kim sẽ phải đi làm tới Seoul trong một khoảng thời gian nữa, thậm chí là sau khi văn phòng của ông được chuyển tới thành phố Sejong vào tháng 9 tới. Giới phê bình cho rằng việc chính phủ bị xẻ lẻ sẽ dẫn đến sự phí phạm về thời gian đi lại cũng như thiếu hiệu quả.
Thành phố trải rộng 465km2. Tổng cộng 22,5 nghìn tỷ won (19,4 tỷ USD), trong đó có 8,5 nghìn tỷ won là của nhà nước, đang được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các tòa nhà chính phủ và nhà cho cư dân tương lai.
Ý tưởng về thành phố Sejong, được đặt tên theo vị vua đáng kính thế kỷ 15, người đã phát triển bảng chữ cái tiếng Hàn, là của nhà lãnh đạo Roh Moo-Hyun, khi ông đại diện cho đảng cánh tả chạy đua tổng thống vào năm 2002.
Mục đích của ông là nhằm giảm tình trạng đông đúc ở Seoul, bằng cách di chuyển thủ đô đến khu vực Chungcheong ở miền trung, vùng đất của những cử tri không theo đảng nào mà cả hai chính đảng ở Hàn Quốc đều muốn lôi kéo trong các cuộc bầu cử.
Ông Roh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó, một phần nhờ vào sự ủng hộ của Chungcheong. Nhưng năm 2004, tòa án hiến pháp, trong lần giải quyết khiếu nại của đảng bảo thủ đối lập, đã ra phán quyết thủ đô phải ở Seoul.
Ông Roh sau đó đã chỉnh sửa lại kế hoạch, giữ một số bộ ở Seoul và xem Sejong là thành phố hành chính hơn là thủ đô mới.
Tổng thống báo thủ Lee Myung-Bak, người lên nắm quyền vào năm 2008, muốn thu nhỏ dự án và muốn biến dự án thành trung tâm khoa học, kinh doanh và giáo dục, chứ không phải là trung tâm đầu não của chính phủ.
Song một nhánh nhỏ trong chính đảng của ông đã gia nhập phe đối lập phản đối kế hoạch của tổng thống đương nhiệm. “Vẫn có những người hoài nghi về thành phố…nhưng chất lượng cuộc sống ở đó sẽ tốt hơn ở Seoul rất nhiều”, JK Oh, người phát ngôn của Ủy ban chuẩn bị cho thành phố cho biết.
Giá nhà cũng khá rẻ hơn so với ở Seoul, khiến các gia đình có dư nhiều tiền hơn và có nhiều hoạt động giải trí hơn, ông cho biết.
Cũng theo ông Oh, thành phố Sejong được hồi sinh từ nền kinh tế suy tàn trước kia, nhờ bùng nổ hoạt động xây dựng và các ngành kinh doanh mới, thu hút được nhóm cư dân trẻ, có trình độ học vấn cao.
Hoạt động xây dựng đang ở trong giai đoạn đầu. Chính phủ ước tính cư dân thành phố, hiện vào khoảng 120.000, sẽ tăng lên 150.000 vào năm 2015, 300.000 vào năm 2020 và 500.000 vào năm 2030. Kinh tế cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng không ngừng.
Cơ quan kiểm toán và kiểm tra nhà nước hồi tháng 2 vừa qua cho rằng thành phố sẽ thiếu vắng sự đầu tư của các đơn vị tư nhân và có thể sẽ không đạt được mục tiêu dân số năm 2030.
“Thành phố Sejong sẽ được nhớ tới là đại thảm họa, do giới chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy sợ nói không tạo ra”, ông Cho Dong Keum, giáo sư kinh tế tại Đại học Myongji cho hay.
Ông cho rằng việc xé lẻ các bộ giữa Seoul và thành phố Sejong sẽ làm tiêu tốn thời gian đi lại giữa hai địa điểm, tạo ra sự bất tiện và làm các quyết định được đưa ra chậm chạp.
"Do thiếu các cơ sở giải trí và trường học tư thục cho trẻ em ở Sejong, nên theo ông Cho, hầu hết công nhân viên chức sẽ chọn cách sống xa gia đình ở Seoul và trở về nhà vào dịp cuối tuần, đóng góp ít vào kinh tế của vùng.
“Những chính trị gia này luôn nói lời hứa luôn là lời hứa”, ông cho biết. “Nhưng theo đuổi một lời hứa vô giá trị nhằm lôi kéo cử tri trong mùa bầu cử còn tồi tệ hơn là thất hứa”.
Phan Anh
Theo AFP