Hàn Quốc: 8 thẩm phán sẽ quyết định số phận của Tổng thống Yoon Suk-yeol
(Dân trí) - Phán quyết của 8 thẩm phán Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hiện nay sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bất kỳ hành vi phạm pháp nào mà ông Yoon mắc phải.
Suốt 6 tuần qua, đất nước Hàn Quốc chao đảo với cuộc khủng hoảng chính trị được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Ngày 14/1, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ bắt đầu quá trình xem xét có nên bãi nhiệm hay phục hồi chức vụ cho Tổng thống Yoon Suk-yeol hay không.
Tại tòa, 8 thẩm phán sẽ là những trọng tài cuối cùng đưa ra phán quyết về số phận của ông Yoon, người đã bị Quốc hội Hàn Quốc luận tội và đình chỉ chức vụ vào ngày 14/12 vì tuyên bố lệnh thiết quân luật 11 ngày trước đó.
Nếu ông Yoon bị cách chức, đây sẽ là một đòn giáng mạnh mẽ vào phe bảo thủ: Ông sẽ là tổng thống bảo thủ thứ 3 liên tiếp bị lật đổ, bỏ tù hoặc rơi vào cả hai trường hợp, trước hoặc sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, nếu ông Yoon được phép quay trở lại nắm quyền thì "điều đó có thể tạo ra tiền lệ cho các nhà lãnh đạo tương lai sử dụng thiết quân luật như một công cụ chính trị", Ha Sang-eung, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sogang ở Seoul, cho biết.
Ông Yoon tuyên bố mình sẽ giành chiến thắng tại Tòa án Hiến pháp. Thế nhưng, các luật sư của ông cho biết, ông sẽ không tham dự phiên điều trần đầu tiên ngày 14/1 với lý do lo ngại các nhà điều tra hình sự có thể tìm cách bắt giữ ông để thẩm vấn về các cáo buộc nổi loạn nếu ông rời khỏi dinh thự kiên cố của mình ở trung tâm Seoul.
Sự vắng mặt của ông Yoon dự kiến sẽ cắt ngắn phiên điều trần vào ngày 14/1 nhưng tòa án có thể tiến hành các cuộc thảo luận từ phiên điều trần thứ hai, được ấn định vào ngày 16/1, dù ông Yoon có mặt hay không.
"Tổng thống Yoon sẽ tự bào chữa tại tòa án khi cần thiết", luật sư của ông Yoon cho hay.
Lệnh thiết quân luật của ông Yoon chỉ kéo dài 6 giờ và sau đó bị các nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập lãnh đạo bỏ phiếu bác bỏ. Tuy nhiên, nỗ lực đặt Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của quân đội lần đầu tiên sau 4 thập niên đã gây ra sự bất ổn chính trị kéo dài tại nước này.
Trong lúc ông Yoon vẫn đang phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự trước những cáo buộc nổi loạn, thì phán quyết liên quan tới nhiệm kỳ tổng thống của ông thuộc thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp.
Hàn Quốc có một Tòa án Tối cao riêng nhưng năm 1987 Seoul vẫn thành lập Tòa án Hiến pháp với tư cách là cơ quan diễn giải Hiến pháp cuối cùng.
Tọa lạc tại khu phố cổ yên tĩnh của Seoul, tòa án này thường thu hút các nhà hoạt động đối thủ cầm biểu ngữ và loa phóng thanh khi gần đến các phán quyết mang tính lịch sử.
Khi số lượng các vụ luận tội tăng lên, Tòa án Hiến pháp ngày càng có vai trò quan trọng hơn về mặt chính trị cũng như quyền lực của 9 thẩm phán, mỗi người nắm nhiệm kỳ 6 năm.
Trong số các thẩm phán, 3 người do tổng thống lựa chọn, 3 người do Chánh án Tòa án Tối cao lựa chọn và 3 người do các đảng phái chính trị lựa chọn.
Tòa án Hiến pháp hiện tại có 8 thẩm phán và một vị trí còn khuyết, trong đó 2 người do ông Yoon và đảng của ông lựa chọn, 3 người do các thẩm phán Tòa án Tối cao hiện tại hoặc trước đây lựa chọn và 3 người do Tổng thống Moon Jae-in tiền nhiệm và đảng Dân chủ thuộc phe đối lập lựa chọn.
Bang Seung-Ju, giáo sư tại Trường Luật Đại học Hanyang ở Seoul cho biết, ông Yoon có thể bị cách chức nếu ít nhất 6 thẩm phán đồng ý như vậy. Phán quyết của tòa án sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bất kỳ hành vi vi phạm hiến pháp và pháp lý nào mà ông Yoon phạm phải.