1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn, Mỹ đang lúng túng vì Triều Tiên?

(Dân trí) - Triều Tiên đang tỏ dấu hiệu hoà dịu ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ. Dường như vẫn chưa phải lúc dự báo về bước đột phá trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington, nhưng rõ ràng Hàn Quốc và Mỹ đang lúng túng trước chính sách mới của Triều Tiên.

 
Hàn, Mỹ đang lúng túng vì Triều Tiên?  - 1
 Phái đoàn Triều Tiên viếng đám tang cựu Tổng thống Hàn Quốc.

Triều Tiên - Chiến lược ngoại giao mới?

Phái đoàn ngoại giao cấp cao Triều Tiên hôm qua đã có chuyến viếng thăm hiếm hoi Hàn Quốc để dự đám tang cựu Tổng thống Kim Dae-Jung. Dẫn đầu phái đoàn này là ông Kim Ki-Nam, bí thư đảng và là một trong những nhân vật thân cận của Nhà lãnh đạo Kim Kong-Il. Theo hãng tin Yonhap, phái đoàn sẽ có cuộc gặp mang tính đột phá với một bộ trưởng trong chính phủ Hàn Quốc vào ngày hôm nay, 22/8. 

Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai miền kể từ khi Hàn Quốc có chính phủ mới tháng 2 năm ngoái và có chính sách hà khắc hơn với miền bắc. Đây cũng là cử chỉ “chưa từng có” và là một dấu hiệu hoà giải của Triều Tiên, được đánh giá có ảnh hưởng tích cực tới quan hệ hai nước vốn căng thẳng đến mức cao độ sau vụ thử hạt nhân và phóng các tên lửa của Triều Tiên 3 tháng trước đây. 

Chỉ vài giờ trước đó, Triều Tiên đã chính thức mở cửa biên giới cho xe lửa lưu thông và cho công nhân Hàn Quốc đến làm việc ở khu công nghiệp Kaesong ở biên giới phía bắc - nơi có khoảng 100 xí nghiệp Hàn Quốc đặt cơ sở. Triều Tiên cũng khôi phục lại đường dây nóng và cho hoạt động trở lại tuyến đường sắt đã bị ngưng trệ từ cuối năm 2008.

Những cử chỉ  này xuất hiện sau quyết định của Triều Tiên trả tự do cho nhân viên Hàn Quốc bị bắt giữ từ tháng 3.

Không chỉ tỏ  vẻ hòa dịu với Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đã có  một số cử chỉ nhằm cải thiện quan hệ  với Mỹ, mà đầu tiên là trả tự do hai nhà báo Mỹ nhân chuyến đi Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Bill Clinton. Tiếp đến, hai nhà ngoại giao thuộc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hôm 19/8 đã gặp thống đốc bang New Mexico Bill Richardson và thông điệp mà các nhà ngoại giao Triều Tiên muốn truyền đạt là Bình Nhưỡng hy vọng Washington sẽ thay đổi lập trường sau vụ trả tự do cho hai nữ phóng viên.

Hàn, Mỹ - Đối sách nào cho “tương xứng”?

Chính phủ Hàn Quốc dường như chưa biết phải xử lý cách nào trước những cử chỉ hoà dịu mà Bình Nhưỡng đưa ra liên tiếp trong những ngày qua.

Seoul đã tuyên bố hoan nghênh kết quả chuyến thăm của Chủ tịch tập đoàn Huyndai - giúp khai thông bế tắc về vấn đề nhân viên Hàn Quốc bị bắt giữ và những hạn chế về du lịch giữa hai miền. Hàn Quốc cũng đã bật đèn xanh cho việc nối lại những cuộc đoàn tụ các gia đình bị ngăn cách bởi đường biên giới và đống ý tiếp đón phái đoàn Triều Tiên đến viếng tang cựu Tổng thống Kim Dae-Jung. Nhưng vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng là liệu Seoul có nắm lấy cơ hội này để xoa dịu những căng thẳng lâu nay giữa hai bên hay không.

“Tất cả những hành động của Triều Tiên phản chiếu chính sách vượt qua những ý tưởng và quan điểm chính trị bất đồng để tìm kiếm hoà giải”, tờ Choson Sinbo (có trụ sở ở Nhật Bản và ủng hộ Bình Nhưỡng) nói. 

Theo tờ báo, Triều Tiên mong muốn phá vỡ các biện pháp trừng phạt mà quốc tế áp đặt với nước này sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Những cử chỉ mới của Triều Tiên đã nhận được phản ứng tích cực của Hàn Quốc, nhưng hai bên vẫn còn bị chia rẽ về nhiều vấn đề, đặc biệt là chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triển vọng hai bên có thể tiến tới làm dịu bớt mối quan hệ căng thẳng vẫn còn phải chờ xem.

Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng hy vọng Washington sẽ thay đổi lập trườnMy. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rõ là Mỹ sẵn sàng hội đàm song phương với Triều Tiên, nhưng phải là trong khuôn khổ đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa. Giới phân tích Mỹ cho rằng mục tiêu tối hậu của chế độ Bình Nhưỡng vẫn là được Mỹ công nhận như là một cường quốc hạt nhân, điều mà toàn bộ chính giới Mỹ bác bỏ.

Chính quyền Obama vẫn giữ thái độ cứng rắn đối với Triều Tiên, bằng chứng là chỉ vài ngày sau chuyến đi của Bill Clinton đến Bình Nhưỡng, Obama đã cử một phái viên đến châu Á để vận động cho việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Như vậy, vẫn còn quá sớm để dự báo một bước đột phá ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên, trong khi đây mới chính là điểm mấu chốt để khai thông bế tắc trên vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

 Việt Hà
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm