Hamas sẽ thành lập chính phủ "không đối tác'
Kết thúc hội đàm thành lập liên minh với các đảng phái ở Palestine song không đạt kết quả, phong trào Hamas tuyên bố sẽ xây dựng chính phủ mới dựa trên chính sức lực của mình.
Yếu tố chính khiến hội đàm thất bại là Hamas từ chối thừa nhận bản tuyên ngôn độc lập đơn phương của Palestine năm 1988, trong đó công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel.
Khi tuyên bố vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, nhà lập pháp Hamas, ông Mushir al-Masri, không nói rõ rằng các cuộc thương thuyết đã thất bại. Tuy nhiên, Mặt trận Giải phóng nhân dân Palestine - từng được xem có khả năng là một đối tác trong liên minh - tuyên bố họ không tìm được nền tảng chung với Hamas. Trong khi đó, phong trào Fatah của Tổng thống Abbas tuyên bố họ không tham gia chính phủ liên minh.
Ông Al-Masri cho biết, nếu không tìm được các đối tác liên minh, Hamas sẽ trình một nội các gồm những người độc lập, những nhà kỹ trị và các chính trị gia Hamas lên Quốc hội vào thứ Hai tuần sau (20/3). Trong đó, người của Hamas sẽ chốt giữ các vị trí cấp cao như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tài chính.
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử cuối tháng 1 vừa qua, Hamas hy vọng sẽ thành lập được một chính phủ liên minh rộng rãi, một phần nhằm xoa dịu sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, phong trào này lại không chịu thay đổi các quy tắc của mình.
Nội các mới của Hamas sẽ được trình lên Quốc hội Palestine vào tuần tới và cần được Tổng thống Mahmoud Abbas thông qua. Theo luật, ông Abbas có quyền phủ quyết cơ cấu của một chính phủ do Hamas thành lập hoặc yêu cầu thay thế một số bộ trưởng. Mặc dù vậy, do Quốc hội vốn do Hamas chiếm đa số muốn Nội các được thông qua nên Tổng thống Abbas sẽ không thể áp đặt sự lựa chọn của mình.
Tổng thống Abbas từ lâu yêu cầu Hamas chấm dứt bạo lực và chấp nhận các thỏa thuận hòa bình tạm thời với Israel. Tuy nhiên, yêu cầu đó - được Israel, Mỹ và châu Âu ủng hộ - bị Israel từ chối. Điều này khiến Tel Aviv ngừng chuyển giao hàng chục triệu đôla tiền thuế cho người Palestine và khiến các quốc gia phương Tây xem xét cắt giảm viện trợ cho Palestine.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua, các đại diện từ Mỹ, Nga, EU và LHQ đã nhóm họp ở Brussels, Bỉ, để bàn thảo về cách thức bỏ qua chính quyền Palestine và rót viện trợ trực tiếp cho dân chúng.
Trong khi đó ở Bờ Tây, các binh sĩ Israel đã tấn công vào thị trấn Jenin và bao vây hai địa điểm, yêu cầu 5 thành viên của phong trào Hồi giáo Thánh chiến và Lữ đoàn Tử vì đạo Al Aqsa có quan hệ với Fatah ra đầu hàng. Một trận đọ súng đã nổ ra với kết quả là một binh sĩ Israel thiệt mạng. Quân đội Israel đang kiểm tra khả năng nạn nhân bị trúng đạn của chính đồng đội mình.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet/BBC, AP, Reuters