1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải quân Mỹ "hóa giải" tên lửa diệt hạm của Trung Quốc

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng DF-21D, tên lửa đạn đạo chống hạm, với biệt danh “kẻ hủy diệt tàu sân bay”, không phải là “vũ khí có khả năng thay đổi cán cân” quân sự mà chỉ là một thách thức đáng chú ý với quân đội Mỹ.

 

Hải quân Mỹ "hóa giải" tên lửa diệt hạm của Trung Quốc - 1

Tên lửa DF-21D của Trung Quốc (Ảnh: dailycaller)

Khả năng chưa được kiểm chứng

Mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D được sự hỗ trợ của vệ tinh và có thể là các thiết bị bay không người lái khác đễ dẫn đường giúp tên lửa “khóa” mục tiêu trên biển. Ngoài ra, tên lửa này còn được nhận được sự hỗ trợ của đầu đạn có khả năng thay đổi mục tiêu (MaRV) để tìm ra chính xác “vật thể”.

Nhiều chuyên gia cho rằng DF-21D là vũ khí quan trọng của Trung Quốc trong việc tiến hành tấn công những khu vực biển mà nước này kiểm soát hoặc từ chối quyền tiếp cận của đối thủ tại các khu vực biển đang có tranh chấp. Báo cáo hồi tháng 8/2011 của Cơ quan Quốc phòng Đài Loan từng cảnh báo: “Trung Quốc đã sản xuất và triển khai DF-21D từ năm 2010”.

Khi phân tích về mẫu vũ khí “hủy diệt tàu sân bay của Trung Quốc”, các chuyên gia của tạp chí National Interest của Mỹ luôn băn khoăn về hai câu hỏi. Thứ nhất là liệu DF-21D có thực sự mạnh tới như thế hay không? Thứ hai, nếu tên lửa của Trung Quốc đủ khả năng tấn công tàu sân bay của đối phương, Hải quân Mỹ sẽ sử dụng cách thức nào để ngăn chặn?

Trong thời gian qua, mẫu tên lửa này đã được quân đội Trung Quốc thử nghiệm nhiều lần. Tuy nhiên, DF-21D chưa bao giờ được sử dụng cho một trường hợp cụ thể hay mục tiêu của đối phương trên biển.

Trong nghiên cứu hồi năm 2013, chuyên gia Andrew Erickson tới từ Đại học Hải quân Mỹ đã đánh giá rằng: “Vẫn còn những thách thức và phải tiến hành thử nghiệm thêm trước khi DF-21D có thể đạt được sức mạnh tối đa. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Đài Loan trong hai năm qua đã xác nhận rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm. Ngoài ra, họ cũng bố trí các hệ thống hỗ trợ khác nhằm tăng cường khả năng chống hạm của DF-21D trước những tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương”.

“Mỗi đe dọa trực tiếp từ tên lửa đạn đạo chống hạm với tàu chiến Mỹ sẽ được quyết định bởi sự phát triển của các hệ thống xử lý thông tin và các khả năng liên quan. Có thể Trung Quốc đang đạt được bước tiến mạnh mẽ về “phần cứng”, tức là công nghệ sử dụng cho tên lửa, nhưng “phần mềm”, gồm các hệ thống và thiết bị hỗ trợ, vẫn chưa rõ ràng và chưa được kiểm chứng trong thực tế. Sức công phá của DF-21D đã được khẳng định thông qua những lần thử nghiệm nhưng Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng tên lửa này nhằm vào một mục tiêu di chuyển trên biển. Ngoài ra, các hệ thống và công nghệ hỗ trợ như chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, thu thập thông tin tình báo và theo dõi, vẫn chưa đạt được tới khả năng có thể xác định và đánh dấu tàu sân bay của Mỹ trong thời gian thực. Cải thiện các hệ thống và công nghệ này đang là ưu tiên hàng đầu trong quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Còn về phía Mỹ, rõ ràng Washington cũng đang chuẩn bị cho các biện pháp nhằm khắc chế tên lửa chống hạm của đối phương”, chuyên gia Erickson nói thêm.

Trong khi đó, ông Harry J.Kazianis, chuyên gia phân tích cấp cao của Trung tâm Chính sách Quốc phòng của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã rất nỗ lực để hoàn thiện các khả năng của DF-21D. Theo ông, giới chức quân sự Mỹ đánh giá Trung Quốc đang cố gắng để DF-21D sớm nhất đạt được khả năng theo dõi mục tiêu khi đang trên hành trình tấn công.

Hải quân Mỹ sẽ xoay sở thế nào trước DF-21D?

Mỹ sẽ sử dụng cách thức nào nếu Trung Quốc sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D nhằm vào một trong những tàu sân bay của nước này? Thời gian qua, có nhiều lo lắng về khả năng phòng vệ cho các hạm đội tàu của Mỹ. Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, những lo lắng ban đầu đã dần được giải quyết theo hướng tích cực.

Chuyên gia quân sự Roger Cliff của Hội đồng Atlantic đánh giá: “Hệ thống radar để phát hiện tàu chiến đối phương có thể bị làm nhiễu hoặc bắn hạ. Mỹ có thể sử dụng các thiết bị làm mờ hoặc tạo khói khi hình ảnh về vị trí của tàu sân bay bị vệ tinh đối phương chụp lại. Sau đó, khi đối phương phóng tên lửa, Mỹ có thể làm nhiễu hệ thống radar nhằm hạn chế khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm có thể khóa mục tiêu”.

Ngoài ra, chuyên gia Roger Cliff cho rằng quân đội Mỹ còn có phương án hiệu quả nhất chính là đánh chặn tên lửa đạn đạo chống hạm đối phương ngay trước khi tên lửa đó khóa được mục tiêu: “Mỗi tàu sân bay Mỹ luôn có tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ lớp Aegis đi kèm. Ngay khi đối phương tấn công, tàu chiến đó có thể phóng tên lửa SM-3 để đánh chặn trước khi tên lửa đối phương bay trở lại khí quyển. Có thể DF-21D sẽ được trang bị các công nghệ khiến quá trình đánh chặn của tên lửa SM-3 trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, các tàu chiến sử dụng hệ thống lớp Aegis của Mỹ còn được trang bị cả tên lửa SM-2 Block 4, với khả năng đánh chặn tên lửa đối phương ngay trên không trung. Để vượt qua được loại tên lửa này, mẫu DF-21D phải đạt tới tốc độ khoảng Mach 10-15”.

“Tất cả giả thuyết chỉ mang tính tham khảo trước khi được kiểm nghiệm trong thực tế.  Tuy nhiên, kể cả khi Trung Quốc đã thử nghiệm DF-21D với một tàu chiến thực sự, nước này vẫn chưa có cơ hội sử dụng tên lửa này trước các tàu chiến được trang bị nhiều hệ thống bảo vệ như của Hải quân Mỹ. Trong khi đó, chắc chắn phía Mỹ đã thử nghiệm những cách thức phòng vệ cho tàu chiến trong trường hợp bị tên lửa đạn đạo của đối phương tấn công”, ông Roger khẳng định.

Có cùng quan điểm với chuyên gia Roger Cliff, ông Harry J.Kazianis cho rằng chủ đề tàu sân bay Mỹ trở thành mục tiêu bị tấn công đã được nêu ra trong nhiều thập niên qua và các kế hoạch phòng vệ cũng đã được Hải quân Mỹ thảo luận và triển khai trong một thời gian dài.

“Chiến tranh trên biển tiếp tục đối diện với những thách thức mới. Trong suốt quá trình phát triển 125 năm qua, Hải quân Mỹ đã sẵn sàng cho các học thuyết và chiến lược để phát triển những chiến dịch hoặc hoạt động nhằm phản công lại đối phương trong trường hợp tàu chiến của họ bị tấn công. Mối đe dọa DF-21D là mới, nhưng nó không mang tới tính bất ngờ như khi Nhật Bản sử dụng máy bay chiến đấu A6M Zero và ngư lôi Type 93 Long Lance trong Chiến tranh Thế giới II. Theo các nguồn tin, DF-21D đã được thử nghiệm vào những mục tiêu trên mặt đất nhưng chưa từng được kiểm nghiệm trước một mục tiêu di chuyển trên biển. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã thực hiện các cách thức chống tên lửa đạn đạo chống hạm của đối phương trong hơn 20 năm qua. Rõ ràng, Mỹ đã có một thời gian nhất định để tìm ra cách khắc chế hiệu quả DF-21D”.

Lâu nay, truyền thông Trung Quốc thường đánh giá DF-21D sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống đối phương tiếp cận của Bắc Kinh. Trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể đặt cược vào khả năng sử dụng DF-21D để ngăn chặn Mỹ can thiệp vào Eo biển Đài Loan, Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, với những thông tin hiện nay, các chuyên gia cho rằng DF-21D không phải là “vũ khí có khả năng thay đổi cán cân” quân sự mà chỉ là một thách thức đáng chú ý với quân đội Mỹ.

Ngọc Anh

Theo National Interest

 

Hải quân Mỹ "hóa giải" tên lửa diệt hạm của Trung Quốc - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm