1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai ngày bi kịch của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Việc Đài truyền hình PBS trình chiếu bộ phim tài liệu “Two days in October” (Hai ngày trong tháng 10) vào ngày 17 và 18/10 với nhiều sự thật vừa được tiết lộ, đúng thời điểm xảy ra 2 sự kiện xé nát nước Mỹ cách đây 38 năm, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Mặc dù 2 sự kiện này xảy ra vào tháng 10/1967, nhưng báo chí Mỹ khi giới thiệu bộ phim này đều cho rằng vết thương vẫn còn đó với những ký ức không thể xóa nhòa của những người trong cuộc.

 

Năm 1967, số lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam bị tử trận ngày càng tăng trở thành vấn đề nóng bỏng của nước Mỹ. Ngày 17/10, 64 trong tổng số 142 lính Mỹ của phi đội Sư tử đen tử trận khi đụng độ với quân giải phóng Việt Nam và hầu hết số còn lại bị thương.

 

Ngày 18/10, lần đầu tiên cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam của sinh viên Đại học Wisconsin (Madison) biến thành cuộc xô xát nhuốm máu với cảnh sát. Khoảng 65 sinh viên bị thương được đưa vào bệnh viện. Hai sự kiện trên xảy ra chỉ vài tháng trước cuộc tấn công Tết Mậu thân 1968 đã tạo ra sự chia rẽ chưa từng có trong lòng nước Mỹ, sự thất vọng với chính quyền và sức ép đòi rút quân càng gia tăng.

 

Từ cuốn sách “They Marched into Sunlight” (Họ đã hành quân vào ánh sáng mặt trời) của nhà báo David Maraniss, đạo diễn Robert Kenner đã mất hơn 2 thập kỷ tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau, phỏng vấn những người trong cuộc ở cả hai chiến tuyến (trực tiếp sang Việt Nam) để tái hiện một cách chân thực các chi tiết của 2 ngày bi kịch trên.

 

Về sự kiện thứ nhất, đơn vị Sư tử đen do Thiếu tá Terry Allen, người đã tử trận, chỉ huy bị phục kích, nhưng những người sống sót bị cấm tiết lộ sự thật vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh của chiến tranh. Phóng viên truyền hình CBS hồi đó cũng đưa tin sai sự thật rằng lính Mỹ đụng độ với số lượng lớn quân giải phóng Việt Nam.

 

Về sự kiện thứ 2, cảnh sát và quan chức Madison lớn tiếng rằng chỉ hành động để tự vệ khi sinh viên tấn công họ. Tuy nhiên, các thước phim tài liệu cùng với câu chuyện của những người trong cuộc cho biết một sự thật gây phẫn nộ rằng cảnh sát đã hành động vượt quá giới hạn.

 

Cựu binh Jim Shelton, Joe Costello...thẳng thắn thừa nhận về việc họ buộc phải nói sai sự thật. Bà Jean Ponder Allen, vợ của viên chỉ huy Terry Allen, khẳng định: “Tôi không bao giờ thay đổi suy nghĩ về những sai lầm trong chiến tranh Việt Nam”. Terry Allen sang tham chiến ở Việt Nam để lại vợ cùng 3 con nhỏ. Đầu năm 1967, bà Jean bắt đầu chất vấn chồng về cuộc chiến tranh và đã ly dị trước khi Terry tử trận.

 

Nhân vật đặc biệt còn sống sót từ trận chiến ngày 17/10 là viên chỉ huy Clark Welch. Ông Welch được thưởng huy chương nhờ sự kiện trên và đã từng trở lại Việt Nam, gặp ông Võ Minh Triết, người chỉ huy bên phía quân giải phóng, để tìm hiểu sự thật. Nhiều cựu sinh viên vẫn nhớ như in ngày đẫm máu ở Đại học Wisconsin và cho biết họ vẫn tiếp tục chống chiến tranh.

 

Hạnh Diễm

Tiền phong