1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai cuộc khủng hoảng của Tổng thống Pháp Sarkozy

(Dân trí) - Đối với Tổng thống Nicolas Sarkozy, ngày 18/10 đã trở thành ngày vô cùng ảm đạm khi nhà lãnh đạo Pháp 52 tuổi phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng cùng một lúc: Lao động và hôn nhân.

Vào thứ 5 vừa qua, một làn sóng các cuộc đình công đã lan tràn trên khắp nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu. Cũng trong ngày hôm đó, điện Elysee đã ra thông báo chính thức rằng cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm của ông Sarkozy với người vợ thứ 2 Cecilia đã kết thúc.

 

Ít phút khi phát ngôn viên tổng thống David Martinon từ chối đưa ra bình luận về tình trạng hôn nhân của ông Sarkozy trong một cuộc họp báo ngắn gọn, điện Elysee đã dội một quả bom tấn rằng ông Sarkozy và bà Cecilia “tuyên bố ly thân theo thoả thuận giữa 2 bên”. Sau đó, Elysee khẳng định thêm 2 người đã ly dị.

 

Nhưng ông Sarkozy, người đã từng một lần kết hôn và ly dị trước khi đắc cử tổng thống Pháp, lại là người đầu tiên ly hôn khi đang tại vị.

 

Ngay sau khi tin tức trên được phát trên truyền hình và đài phát thanh, những người biểu tình tại thàng phố cảng Le Havre đã hô lớn: “Cecilia, chúng tôi giống bà. Chúng tôi rất buồn với ông Sarkozy!”.

 

Thông báo của điện Elysee xảy ra đồng thời với một cuộc đình công trên toàn quốc trong lĩnh vực giao thông công cộng - cuộc đình công đầu tiên kể từ khi ông Sarkozy lên nắm quyền 5 tháng trước đó, để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm cắt giảm lương hưu cho khối dịch vụ công.

 

Được gọi với cái tên “Ngày thứ 5 đen tối”, cuộc đình công kéo dài suốt 24 giờ đã khiến hệ thống giao thông trên toàn quốc bị rối loạn, các mạng đường sắt, tàu điện ngầm và xe buýt gần như không hoạt động, khiến nhiều lớp học và các buổi biểu diễn nghệ thuật phải huỷ bỏ.

 

Hai cuộc khủng hoảng của Tổng thống Pháp Sarkozy - 1

Hàng nghìn công nhân trong lĩnh vực giao thông công cộng đã biểu tình tại thành phố cảng Marseille.

 

Các cuộc đình công kéo dài cả ngày khiến chỉ 46 trong tổng số 700 tàu điện ngầm cao tốc của Pháp hoạt động. Nhiều bảo tàng phải đóng cửa. Các công nhân tại các tập đoàn khí đốt và điện của nhà nước cũng tham gia đình công, dẫn tới sản lượng điện giảm đáng kể.

 

Tuy nhiên, giao thông đình trệ không gây những ảnh hưởng quá nghiêm trọng như đã được dự đoán. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng tăng tại Pháp rằng cải cách kinh tế là cần thiết. Các nhà chức trách hàng không cho biết mọi việc trong ngành giao thông hàng không quốc gia vẫn diễn ra bình thường mặc dù một số chuyến bay bị hoãn. Báo chí vẫn được đưa tới đúng địa chỉ và các đài phát thanh lớn của quốc gia vẫn hoạt động bình thường.

 

Tại Paris, thời tiết mát mẻ dễ chịu trong một ngày mùa thu quang mây đã góp phần vào bầu không khí bình tĩnh và bình thường của cuộc sống tại đây. Những người thường xuyên đi lại bằng xe buýt thay vì đó đã sử dụng ô tô, xe đạp, đi bộ, thậm chí là dịch vụ taxi môtô để đi làm. Hệ thống thuê xe đạp mới của Paris đã phát huy tác dụng tại nhiều địa điểm. Tại các thành phố và thị trấn khác trên khắp cả nước, tình trạng đập phá xe buýt và đường hầm cũng xảy ra ít hơn dự đoán.

 

Cuộc đình công bắt đầu vào tối ngày thứ tư vừa rồi không nghiêm trọng như những gì xảy ra hồi năm 1995. Khi đó, các cuộc biểu tình đường phố và đình công kéo dài 3 tuần liên tiếp nhằm phản đối cải cách lương hưu đã gây thiệt hại lớn cho chính phủ và khiến chính phủ thất bại trước đảng Xã hội và lực lượng cánh tả trong cuộc tổng tuyển cử năm đó. Kết quả là nước Pháp đã chứng kiến 5 năm "chung sống tả-hữu" giữa tổng thống thuộc cánh hữu và quốc hội do cánh tả lãnh đạo.

 

Nhưng thông tin thống trị các tờ báo, tạp chí, sóng phát thanh không phải là cuộc đình công mà là sự tràn ngập của hàng loạt các bài viết liên quan tới cuộc hôn nhân đổ vỡ của ông Sarkozy.

 

Bà Cecilia gần đây đã không xuất hiện trước công chúng trong nhưng vào tuần trước - theo yêu cầu của bà - đệ nhất phu nhân đã có mặt tại một khách sạn ở Paris để chụp ảnh cho tuần báo rất được ưa chuộng tại Pháp, Paris-Match. Số ra mới nhất cũng đúng vào hôm thứ 5 đã đăng tải một bức hình lớn với tiêu đề “Cécilia - một phụ nữ trầm lặng”. Tuy nhiên, tờ báo đã không tiết lộ gì liên quan tới tình trạng hôn nhân của họ.

 

Libération, tờ báo thiên tả có quan điểm không đưa tin dựa vào những lời đồn đại, cũng đã đổi hướng nhanh chóng bằng một bài viết đặc biệt số ra ngày thứ năm với một bức ảnh lớn của vợ chồng ông Sarkozy.

 

Giải thích quyết định của mình, Libération viết: “Một tờ báo phải đưa tin chứ không phải tin đồn. Mọi thứ đã thay đổi”. Tờ báo còn trích lời một người bạn cũ của ông Sarkozy rằng khoảng 1 năm rưỡi về trước, ông Sarkozy đã định tuyên bố ly dị nhưng lại không bao giờ dám công khai chuyện này”.

 

Trong khi dư luận Pháp đang nóng lên với các cuộc đình công và thông tin về cuộc hôn nhân đổ vỡ của Tổng thống Sarkozy thì ông lại đang có mặt ở Lisbon, Bồ Đào Nha tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU. Ông Sarkozy sẽ làm gì khi trở về?

 

VTH

Theo IHT