1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hà Lan cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh

(Dân trí) - Hà Lan hôm nay đã tuyên bố cấm máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống thành phố Rotterdam do những tranh cãi giữa hai nước về một cuộc tuần hành. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã lên tiếng phản đối động thái này của Hà Lan và gọi đối tác cùng trong khối NATO bằng những từ ngữ rất nặng lời.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: NDTV)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: NDTV)

BBC đưa tin, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm nay bay tới thành phố Rotterdam của Hà Lan để tham dự một cuộc tuần hành của người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ủng hộ một cuộc trung cầu dân ý sắp tới để trao thêm quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.

Tuy nhiên, cuộc tuần hành đã bị cấm vì các lý do an ninh, và chuyến bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng bị rút giấy phép hạ cánh.

Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức triệu tập đại biện lâm thời của Hà Lan để giải thích.

Giận dữ trước động thái trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã miêu tả người Hà Lan là “tàn dư của Phát xít”.

“Các ông có thể cấm máy bay ngoại trưởng của chúng tôi chừng nào các ông muốn, nhưng kể từ nay hãy xem các chuyến bay của họ hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ thế nào”, ông Erdogan cảnh báo trong một cuộc tuần hành ở Istanbul.

“Họ không biết các nghi thức ngoại giao hay chính trị. Họ là các tàn dư của Phát xít. Họ là những người phân biệt chủng tộc”, ông Erdogan nói thêm.

Tranh cãi ngoại giao leo thang

Đáp trả, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi đề cập của ông Erdogan với Phát xít và những kẻ phân biệt chủng tộc là “bình luận điên khùng”.

Tổng thống Erdogan muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng quyền lực vào ngày 16/4 tới. Ông Erdogan đang kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sống ở nước ngoài để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có 1,4 triệu người ở Đức.

Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Âu đã leo thang trong những ngày gần đây. Áo, Đức và Thụy Sĩ trước đó cũng đã cấm các cuộc tuần hành tương tự tại Hà Lan, trong đó giới chức Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tham gia và phát biểu.

Hồi đầu tuần này, việc hủy bỏ các cuộc tuần hành ở Đức đã khiến Tổng thống Erdogan cáo buộc Berlin là “hành động theo kiểu Phát xít”. Bình luận này cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của giới chức chính phủ Đức.

Quan hệ giữ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Âu đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các chính phủ châu Âu, trong đó có Đức, vì các vụ bắt giữ và sa thải nhiều quan chức được tin là có liên quan tới âm mưu đảo chính. Ước tính, gần 100.000 công chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải vì cuộc đảo chính.

Nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ sự bất bình đối với cách thức đối phó của Tổng thống Erdogan trong cuộc đảo chính.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố bà sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn căng thẳng chính trị Thổ Nhĩ Kỳ leo thang sang đất Đức.

An Bình