1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giới trẻ Trung Quốc trong những “bộ lạc kiến”

(Dân trí) - Liu Jun ngủ trong một căn phòng không những nhỏ mà anh còn phải chia sẻ giường cùng với 2 người khác. Đó là tất cả những gì chàng trai mới tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính này có thể “tải” được tại một thành phố quá đắt đỏ như Bắc Kinh.

Giới trẻ Trung Quốc trong những “bộ lạc kiến” - 1


Một cặp trai gái trong "bộ lạc kiến" Tangjialing bên ngoài Bắc Kinh, Trung Quốc.
 
Từ “bộ lạc kiến”...
 
Cụm từ “bộ lạc kiến” trùng với từ mà giáo sư Lian Si viết trong một cuốn sách có cùng tiêu đề về thế hệ sinh trước năm 1980 ở Trung Quốc.

“Không giống như những khu ổ chuột ở Nam Phi hay ở Đông Nam Á, những "bộ lạc kiến" này đầy ắp người trẻ có học thức, khác hẳn những người lao động bình thường hay những người quét dọn đường phố”, Lian, giáo viên dạy tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, cho biết. 

Căn phòng rộng 17m2 ở ngoài rìa thủ đô Bắc Kinh của Liu Jun được chiếu sáng bằng một bóng đèn huỳnh quang. Sàn nhà rải đầy đầu thuốc lá, quần áo bẩn và những bát mỳ tôm giấy ăn dở.

 

“Đây là những gì tôi nhận được khi sống cùng 2 người nữa”, chàng trai 24 tuổi Liu cho hay, khi khom người gần đống phụ tùng máy tính cũ. Liu hút thuốc liên tục và nói nhanh như "súng liên thanh". “Thật là lộn xộn, không có không gian riêng. Cũng rất xấu hổ khi mang bạn gái về nhà”.

 

Giấc mơ của nhiều bạn trẻ, có học thức của Trung Quốc đang vấp phải thực tế khi kinh tế phát triển với tốc độ “nóng”. Chi phí cuộc sống tăng cao và đồng lương thấp, do thừa sinh viên tốt nghiệp, đang “ăn mòn” kỳ vọng của họ.

 

“Tôi không muốn mắc kẹt ở một thị trấn nhỏ mãi mãi, để giống như “ếch ngồi đáy giếng””, Liu cho hay. Anh xuất thân từ một thành phố mỏ than ở miền bắc xa xôi, thường xuyên “đóng băng” trong giá lạnh. “Tôi đã mơ ước gặt hái được thành công của chính mình ở thành phố lớn này”.

 

Một ngày nào đó, giấc mơ của anh có thể sẽ thành sự thực. Nhưng giờ, Liu đã gia nhập “bộ lạc kiến” – từ quen thuộc đối với hàng triệu người trẻ Trung Quốc đang chen chúc sống trong các khu ổ chuột tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

 

Nơi anh ở nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kinh khoảng nửa giờ, hai bên đường tràn ngập những tấm biển hiệu han rỉ chào đón người mới đến. Từng là một làng nhỏ gồm nông dân, người lao động chân tay sinh sống,  Tangjialing trở thành một làng trọ giá rẻ vào năm 2003 sau khi các khu công nghiệp phần mềm khổng lồ, gồm cả trụ sở của hãng sản xuất máy tính Lenovo Group và công cụ tìm kiếm internet được sử dụng rộng rãi Baidu.com, được khai trương gần đó.

 

Và giờ các tòa nhà bê tông cao từ 4-6 tầng với sắc màu nhợt nhạt đã “điểm xuyết” cho ngôi làng. Hầu hết các phòng đều chỉ có một chiếc tủ đựng quần áo nhỏ, một chiếc giường và một chiếc bàn để đầu giường. Không có điều hòa mặc dù trời có thể nóng nắng tới 38 độ C. Giá thuê là từ 45USD tới 100USD/tháng. Những ai trả thêm 15USD thì có phòng tắm. Còn những người khác phải dùng nhà tắm công cộng.

 

 ... đến “giấc mơ Mỹ” ở Trung Quốc 

 

Những người Trung Quốc sinh sau năm 1980 nằm trong thế hệ có nhiều đặc ân nhất lịch sử nước này. Khi họ lớn lên, các tòa tháp văn phòng sáng lấp lánh đã tái tạo lại các thành phố của Trung Quốc. Hàng triệu người đã thoát khỏi đói nghèo. Việc đi nước ngoài, có xe hơi , căn hộ riêng và được học đại học – tất cả từng được xem là đời sống cao cấp - giờ đã trở nên ngày một bình thường.

 

Những “siêu thành phố” đầy sôi động như Bắc Kinh và Thượng Hải là hiện thân cho cuộc sống tươi đẹp này. Vì vậy thế hệ “kiến” tìm đến và mang theo những khát vọng của họ.

 

Nhưng chính sự thừa thãi này đã khiến cho lương đầu vào khá thấp, trong khi chi phí nhà cửa và các chi phí khác lại không ngừng tăng. Giá bất động sản đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm qua ở các thành phố lớn, trong khi mức lương từ năm 2005-2009 chỉ tăng 40%.

 

“Đây là khó khăn lớn đối với thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay”, Liu Neng, một giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Kinh cho biết. “Những người ở độ tuổi 40, 50 giờ đã là lãnh đạo trong xã hội, đã trải qua thời kỳ khó khăn. Nhưng giờ lại đến lượt thế hệ trẻ hơn phải đối mặt với những thách thức trước khi họ trở thành một phần của nhóm giàu có của đất nước”.

 

Theo Lian, hầu hết cư dân Tangjialing đến từ các làng và các thành phố nhỏ, không muốn trở về quê nhà vì sợ sự buồn chán ở đó, và sợ bị gắn mác là kẻ thất bại.

 

Còn với Liu, một kỹ sư máy tính, tới thủ đô là cơ hội sống phiên bản của “giấc mơ Mỹ” ở Trung Quốc. Trong năm cuối tại Đại học dầu mỏ Đông bắc, anh đã từ chối nỗ lực của cha mẹ tìm cho anh một công việc ổn định ở một công ty nhà nước tại thành phố quê nhà Jixi. “Tôi đến Bắc Kinh là bởi tôi muốn được tự do khỏi họ nữa”, Liu cho hay.

 

Anh đến “bộ lạc kiến” Tangjialing vào cuối năm ngoái. Với khoảng 90USD/tháng, Liu và 2 người bạn ở cùng được ở một phòng tốt hơn, có giường ngủ lớn, 2 chiếc bàn và một tủ quần áo nhỏ. Họ có nhà tắm, có một chiếc cửa sổ nhỏ để ánh sáng lọt vào. Họ cũng có một chiếc ghế gấp dài, có thể tận dụng làm giường ngủ trong trường hợp có ai đó ngủ qua đêm hoặc muốn thoải mái duỗi chân cẳng.

 

Sau khi có được việc mới ở một công ty bán phần cứng máy tính, ngoài khoản tiền thuê nhà 30USD, Liu dành dụm được khá nhiều trong số lương 400USD/tháng của mình và anh hi vọng nó có thể giúp anh thành lập một công ty phần mềm riêng của mình vào một ngày nào đó.

Phan Anh

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm