1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có nhiều cơ hội cho “ngoại giao sáng tạo”

Đây là nhận định của chuyên gia Carl Thayer, Giáo sư danh dự - Học viện Quốc phòng Australia, với Báo TG&VN nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

Giáo sư Carl Thayer.
Giáo sư Carl Thayer.

Giáo sư đánh giá thế nào về Ngoại giao Việt Nam kể từ Hội nghị Ngoại giao thứ 29 vào tháng 8 năm 2016? Đâu là những đặc trưng của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn này?

Chính sách đối ngoại của Việt Nam trong hai năm qua định hình bởi các quyết định chính sách chiến lược, được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XII, tháng 1/2016.

Bốn định hướng chính tiếp tục định hình ngoại giao Việt Nam bao gồm: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong hai năm qua, các nhà ngoại giao Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng các cam kết chính trị và nâng cấp quan hệ với các nước, trước tiên là với 16 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện, đặc biệt là các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Pháp và Anh) và các nước trung cường (Ấn Độ và Nhật Bản). Quan hệ Việt Nam-Australia được nâng cấp từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược. Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam với New Zealand đang tiếp tục được tiến hành. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump cũng tái khẳng định cam kết đối với quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ.

So với một số thành viên sáng lập ASEAN, hiện Việt Nam đang đóng góp nhiều hơn cho sự thống nhất và gắn kết của tổ chức này. Đặc biệt, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng thực hiện các cam kết thực chất về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) thông qua việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp II tại Nam Sudan.

Nhờ có những nỗ lực ngoại giao đó, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một đối tác chiến lược, đóng góp tích cực cho an ninh và thịnh vượng chung của khu vực. Điều này được phản ánh trong Sách Trắng Quốc phòng của Australia (2017), Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (2017) và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ (2018).


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, động viên lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Nguồn: Quân khu 7)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, động viên lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Nguồn: Quân khu 7)

Với tình hình thế giới và khu vực đang biến chuyển nhanh, khó lường hiện nay, theo ông, ngoại giao Việt Nam đang có thuận lợi và thách thức gì?

Cân bằng quyền lực ở khu vực và toàn cầu hiện nay là tập hợp của các dòng mâu thuẫn, dẫn đến tính bất định chiến lược ngày càng gia tăng. Một mặt, kinh tế thế giới đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 1 thập kỷ. Mặt khác, làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang gia tăng ở nhiều quốc gia trong khi nhiều chính phủ, đáng chú ý nhất là Mỹ, lại ủng hộ các chính sách bảo hộ.

Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Trump đối với Nga vì việc chiếm đóng Crimea và can thiệp tại Ukraine, cộng với việc Mỹ áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc và các quốc gia khác, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, “trật tự quốc tế tự do”, vốn được thiết lập bởi các thể chế đa phương và duy trì dưới sự lãnh đạo của Mỹ, được cho là đang suy yếu. Sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), công khai khuyến khích sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU), đưa ra các chính sách mơ hồ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phản đối các hiệp định thương mại đa phương và buộc Canada và Mexico phải đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng gây khó khăn cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách phủ quyết việc bổ nhiệm thẩm phán của tòa án giải quyết tranh chấp.

Chủ nghĩa đơn phương và phân chia nội bộ ở Mỹ tương phản với phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự ổn định của Trung Quốc. Ông Tập thúc đẩy toàn cầu hóa và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, tìm đến EU để hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do sự thay đổi từ việc phát triển dựa trên xuất khẩu chuyển sang gia tăng nhu cầu trong nước.

Trong khi ông Trump tạo ra sự bất định chiến lược, ông Tập lại đưa ra một mô hình mới về trật tự thế giới dựa trên sự lãnh đạo của Trung Quốc, dựa trên nền tảng thịnh vượng kinh tế. Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc trên thế giới vào năm 2035 với sức mạnh quân sự làm điều kiện tiên quyết.

Trung Quốc thiết lập nên các tổ chức đa phương (chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á) nhằm thay thế các trật tự quốc tế đang suy yếu. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình là một chiến lược bao quát để gắn kết Trung Quốc với khu vực Á-Âu và các tuyến giao thông chủ đạo từ Biển Hoa Đông, Biển Đông đến Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương.

Sự cạnh tranh toàn cầu giữa các cường quốc cũng có thể thấy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc và Mỹ có thể cùng đặt mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng họ vẫn có những quan điểm khác nhau về cách thức hình thành trật tự trên bán đảo Triều Tiên sau tiến trình phi hạt nhân hoá. Tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh đã khiến Mỹ xây dựng mạng lưới kiến trúc an ninh khu vực nhằm chống lại Trung Quốc.

Về phần mình, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 cũng như được Khối Châu Á đề cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mới cho ngoại giao sáng tạo.

Cơ hội cho ngoại giao sáng tạo của Việt Nam phải dựa trên sự ổn định trong nước cũng như tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ. Trong khu vực, Việt Nam phải tiếp tục làm việc để đẩy mạnh tốc độ và hiệu quả của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột - an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội.

“Ngoại giao sáng tạo” (creative diplomacy) của Việt Nam phải dựa trên sự ổn định trong nước cũng như tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ.

Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017 và đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao. Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa, tác động của sự kiện này đối với ngoại giao Việt Nam?

Sự thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 được tiếp nối sau thành công của các sự kiện lớn trước đó như Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ 1997, Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006 và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2010.

Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng đã tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo Việt Nam có các cuộc thảo luận bên lề cũng như đón các chuyến thăm chính thức tới Hà Nội của lãnh đạo các nước Canada, Trung Quốc, Chile và Mỹ.

Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời trong việc dẫn dắt các cuộc thảo luận về TPP-11 và thúc đẩy các mục tiêu đa phương của APEC về hội nhập kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được tầm nhìn dài hạn về hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh, cách tiếp cận thương mại đa chiều và cách thức ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên.

Sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với các hiệp định thương mại tự do song phương tiêu chuẩn cao đã tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi một FTA tự do và “có qua có lại” với Mỹ. Điều này sẽ giúp Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Mỹ với mức thuế thấp hơn và có thể được công nhận quy chế kinh tế thị trường trong tương lai. Nhiệm vụ chính hiện nay là giải quyết các tranh chấp về thuế quan của Mỹ đối với cá da trơn, tôm và thép.

Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ Mỹ và Trung Quốc để mở rộng quan hệ, hưởng lợi từ hoạt động tích cực của các công ty Mỹ tại thị trường trong nước và từ đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo

Thế giới & Việt Nam