Những tên lái buôn “Giấc mơ châu Âu” (*):
Gian nan phòng chống
Ưu tiên hàng đầu của Europol và EU hiện nay là phá vỡ mạng lưới tội phạm đưa người trái phép từ Trung Đông và châu Phi vào châu Âu.
Để ngăn chặn bọn tổ chức đưa người tị nạn vào châu Âu qua Địa Trung Hải, Europol (Cảnh sát châu Âu) đã phát động chiến dịch Jot Mare từ tháng 3 năm nay, thu thập thông tin tình báo về các tổ chức tội phạm tham gia mạng lưới để từ đó tấn công chúng trên bộ và trên biển.
Miếng bánh quá ngon
Một số tên đã bị tóm khi vận chuyển người tị nạn qua biên giới, một số tàu chở người tị nạn trên biển Địa Trung Hải đã bị bắt giữ kịp thời. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó chỉ là chuyện vụn vặt, sẽ không đi tới đâu nếu cuộc khủng hoảng di dân không được giải quyết tận gốc rễ.
Cảnh sát Hungary bất lực đứng nhìn người tị nạn Syria vượt hàng rào ngăn chặn người tị nạn từ Serbia qua Hungary.
Rob Wainwright - cựu nhân viên phản gián Anh (MI5), đương kim giám đốc Europol - giải thích các tổ chức tội phạm từ chỗ buôn lậu ma túy và buôn bán nô lệ tình dục nay chủ yếu bu vào miếng bánh di dân ở châu Âu do doanh thu thị trường đưa người tị nạn vào EU quá lớn, quá hấp dẫn. Riêng ở Địa Trung Hải, con số này ước tính từ 300-600 triệu euro/năm. Chúng đang tìm cách khai thác triệt để cơ hội này. Đây chính là mặt trái của cuộc khủng hoảng di dân hiện nay ở châu Âu, cũng là thách thức rất lớn cho Europol và chính phủ các nước EU.
Theo số liệu Eurostat (Tổng cục Thống kê của Ủy ban châu Âu) công bố tuần rồi, từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, có 213.000 người xin tị nạn ở các nước châu Âu. Trong số này, nhiều nhất là người Syria (21%), kế đó là người Afghanistan (13%) đều là nạn nhân chiến tranh. Nhưng ngay cả những nước EU sống trong hòa bình như CH Kosovo, Serbia và Albania cũng đóng góp 14%, qua đó cho thấy tính chất phức tạp của hiện trạng di dân ồ ạt sang các nước Tây Âu giàu có.
Từ tháng 6 trở về sau, tình hình đã biến đổi theo cấp số nhân. Cảnh sát Croatia cho hay chỉ trong 4 ngày (16 đến 19-9) đã có 20.737 người nhập cư vào nước này. Và các đảo Hy Lạp - đầu cầu vào châu Âu - đang trở thành điểm đến của người tị nạn Syria. Làn sóng nhập cư này đang thu hút rất đông tội phạm, nay đã lên đến 30.000 tên, theo Europol. Con số này không ngừng tăng lên. Đơn cử, tháng 8 rồi, người ta thấy các băng đảng xứ sương mù dùng xe mang biển số Anh hoạt động xung quanh trại tị nạn ở TP cảng Dunkerque của Pháp.
Giải pháp nào?
Tấn bi kịch di dân nói trên đã được dự báo từ lâu, theo nhà báo Ý Giampaolo Musumeci - người có nhiều năm theo dõi làn sóng người tị nạn vào EU. Nguyên nhân là do EU thiếu 3 thứ: Tầm nhìn, ý chí chính trị và sự quyết đoán. Nó phản ánh sự hợp tác, phối hợp hành động và đối thoại lỏng lẻo giữa các nước EU. Trong nhiều cái thiếu đó, nổi bật hơn hết là thiếu chính sách ngoại giao chung và nhất quán.
Tại sao những kẻ buôn “giấc mơ châu Âu” ngày càng giàu và gia tăng số lượng đến chóng mặt? Theo Musumeci, vì chúng có thể giúp người tị nạn thực hiện được quyền tị nạn chính trị mà luật pháp quốc tế công nhận. Dĩ nhiên, người tị nạn phải trả tiền. Thậm chí, họ còn biết ơn bọn bất lương. Musumeci kể lại: “Trong nhiều lần tiếp xúc với những người tị nạn, tôi thường nghe họ khen (kẻ buôn người) là “người tốt” và trả tiền là chuyện đương nhiên bởi vì “họ giúp chúng tôi đổi đời”.
Câu chuyện có vẻ trái khoáy nhưng đó là sự thật. Bởi EU không nhất quán trong việc cung cấp quyền tị nạn cho người Syria, Somalia hay Eritrea, những kẻ buôn người trở thành ân nhân vì chúng đáp ứng nhu cầu của người tị nạn, trong khi các nước EU do dự, lưỡng lự. Chừng nào còn cảnh này thì nhiệm vụ quét dọn lái buôn “giấc mơ châu Âu” của Europol rất khó hoàn thành.
Cái khó khác nữa là bọn buôn người liên kết với nhau rất chặt chẽ và được tổ chức rất tốt. Ai Cập với Lybia, Thổ Nhĩ Kỳ với Afghanistan, Sudan với Serbia. Chúng trở thành công ty lữ hành bất hợp pháp lớn nhất thế giới, luôn có những tuyến mới với giá cả linh hoạt tùy theo yêu cầu của khách. Chúng cũng rất gian hùng: Nếu quân lực EU đóng một con đường xâm nhập hoặc một nước EU đóng cửa biên giới như Hungary và Hy Lạp từng làm thì chúng lập tức mở của ngõ khác có thể dài hơn, nguy hiểm hơn và người tị nạn phải bỏ ra nhiều tiền hơn. Chúng vẫn hốt bạc như thường còn EU cứ loay hoay đối phó.
Muốn giải quyết được tình trạng kể trên, theo nhà báo Musumeci, phải xây dựng một chiến lược 3 điểm:
(1) Trấn áp: Nghiêm trị bọn buôn người tị nạn khắp EU. Tăng quyền hạn cho Eurojust - cơ quan công tố của EU. Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước có ổ tội phạm lớn như Istanbul, Tripoli, Cairo, Islamabad, Kabul… Chống tham nhũng trong ngành cảnh sát thật mạnh mẽ ở các nước đầu cầu như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Serbia.
(2) Phòng ngừa: Cần thiết lập các trung tâm xét đơn tị nạn gần các nước có lượng di dân lớn như Afghanistan, Syria hay Somalia. Nghèo đói và chiến tranh là nguồn gốc của “giấc mơ châu Âu”. EU cần viện trợ thực chất để giúp các nước này phát triển trong hòa bình, từ đó sẽ kiểm soát được dòng người tị nạn.
(3) Bảo vệ và giúp đỡ người tị nạn: Việc cứu hộ người tị nạn trên biển cần được tiến hành thường xuyên và hữu hiệu. Cần bỏ ngay quy định Dublin, theo đó người tị nạn phải xin tị nạn chính trị ngay ở nước đầu tiên họ đặt chân tới vì nó không thực tế. Ví dụ, người tị nạn đến Ý thường không muốn ở lại đây mà muốn đến các nước Bắc Âu.
Ai quan tâm đến Jot Mare?
Người phát ngôn của Europol xác nhận: Các tài khoản Facebook cung cấp dịch vụ đưa người tị nạn vào châu Âu đang bị theo dõi sát sao. Tuy nhiên, ông này cũng xác nhận chiến dịch đang gặp khó khăn vì “một số chính phủ như Libya - nơi có rất đông dân bỏ xứ ra đi - chưa có hiệp định hợp tác với Europol”.
Trong khi đó, tại Zuwara, TP cảng Libya, Abdul Aziz - một trong hàng trăm kẻ buôn “giấc mơ châu Âu” - vẫn tiếp tục quảng cáo trên Facebook các “tua du lịch” của mình. Y thú thật không hay biết gì về Jot Mare nhưng cũng chẳng quan tâm đến nó. Aziz bình luận: “Đó chỉ là từ ngữ trên giấy. Tôi chẳng sợ gì cả vì nó vô nghĩa. Theo dõi tôi ư? Có dám đến Libya bắt tôi không? Nếu có, chắc chắn sẽ mang tiếng xâm lược. Hay chờ bắt tôi ở nước ngoài? Tôi chẳng bao giờ rời khỏi Libya mà dẫu có đi, họ cũng không thể nào biết”.
Theo Nguyễn Cao
Người Lao động