1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giám đốc tình báo Nga: "Phương Tây muốn chống phá Nga"

(Dân trí) - Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) Nikolai Patrushev ngày 10/10 đã cáo buộc các gián điệp phương Tây đang cố gắng làm suy yếu và phá vỡ nước Nga trong đó các mật vụ Anh là những người hay xâm nhập nhất.

Ông Patrushev cũng cho biết, Mỹ và Anh đang sử dụng các nước từng thuộc Liên bang Xô Viết cũ để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Nga cũng như xúi giục biểu tình trước các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 và bầu cử tổng thống vào mùa xuân tới.

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Argumenty i Fakty số ra hôm thứ tư, giám đốc FSB nói: “Họ đang cố gắng gây ảnh hưởng tới các hoạt động biểu tình tại Nga sao cho có lợi cho họ”.

 

Ông Patrushev cũng cho biết, Cơ quan tình báo Anh (SIS) và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang sử dụng Ba Lan, Grudia và các nước Baltic để bí mật theo dõi chống lại Nga.

 

Giám đốc FSB Patrushev là một đồng minh thân cận và lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và bình luận của ông Patrushev đã phản ánh những nghi ngờ sâu sắc của Matxcơva với các quốc gia phương Tây giữa lúc quan hệ giữa 2 bên đang rơi vào trạng thái băng giá.

 

Cũng theo giám đốc FSB, các mật vụ nước ngoài đang tập trung nỗ lực vào việc thu thập thông tin liên quan tới các cuộc bầu cử ở Nga. Ông Patrushev còn chỉ đích danh Cơ quan tình báo Anh MI6 “không chỉ thu thập thông tin trong tất cả các lĩnh vực mà còn đang cố gắng gây ảnh hưởng tới tình hình chính trị nội bộ của đất nước chúng tôi”.

 

Quan hệ sóng gió

 

Quan hệ giữa Nga và một số quốc gia phương Tây đã rơi vào trạng thái căng thẳng trong thời gian gần đây. Nga và Ba Lan, Grudia từ lâu có mối bất hoà trong vấn đề năng lượng. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gần đây từng chỉ trích Matxcơva sử dụng nguồn dự trữ năng lượng để gây sức ép với các nước châu Âu.

 

Điện Kremlin và Nhà Trắng cũng ở trong hoàn cảnh tương tự mà bất đồng lớn nhất là kế hoạch triển khai dự án lá chắn tên lửa của Mỹ tại Cộng hoà Czech và Ba Lan. Phía Mỹ khẳng định hệ thống này nhằm ngăn chặn những mối đe doạ từ Iran. Tuy nhiên, Nga đã kịch liệt phản đối vì cho rằng kế hoạch trên nhằm vào các tên lửa và đe dọa vũ khí hạt nhân của Nga. Những quan điểm khác biệt này cho tới nay vẫn chưa được thu hẹp.

 

Tuy nhiên, đáng chú nhất là mối quan hệ sóng gió giữa Nga và Anh sau những tranh cãi về vụ sát hại cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko sống lưu vong tại London và xì-căng-đan gián điệp hồi năm ngoái.

 

Litvinenko, một nhân vật thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ điện Kremlin, khi nằm trên giường bệnh đã buộc tội Tổng thống Putin đứng đằng sau vụ đầu độc ông bằng chất phóng xạ polonium - một cáo buộc mà Kremlin kịch liệt phản đối.

 

Nga đã từ chối yêu cầu của các nhà chức trách Nga dẫn độ Andrei Lugovoi, người bị London coi là nghi phạm chính trong vụ sát hại Litvinenko. Lugovoi cũng là cựu nhân viên KGB và từng gặp Litvinenko tại một quán bar khách sạn ở London một ngày trước khi ông đổ bệnh. Ông Putin đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ vì cho rằng Anh có tư tưởng thực dân.

 

VTH

Theo AP