1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải phóng Mosul - nước cờ đầy mạo hiểm của Tổng thống Mỹ Obama

Iraq và Mỹ đã khởi động chiến dịch giải phóng Mosul từ tay IS mà không hề tính đến những hệ lụy của việc này sau khi IS rút đi.

Kế hoạch giải phóng Mosul nhiều lỗ hổng

Theo Reuters, chính giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, kế hoạch giải phóng Mosul còn quá nhiều lỗ hổng và bị coi là quá mạo hiểm, nhất là trong bối cảnh họ lo sợ rằng việc đánh bại IS ngay tại thành trì của chúng có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ sắc tộc và xâu xé đất đai sâu sắc tại khu vực miền Bắc Iraq.

Binh sĩ Mỹ tại khu vực phía Đông Mosul. Ảnh Reuters
Binh sĩ Mỹ tại khu vực phía Đông Mosul. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, giới chức Mỹ tin rằng, kế hoạch thay thế là chờ đợi cho đến khi Mỹ có thể xác định rõ bạn thù đối với rất nhiều nhóm sắc tộc khác nhau tại Iraq là phi thực tế. Giới chức Mỹ khẳng định, đây là thời điểm để tung đòn quyết định bởi IS đang bị tổn thương sâu sắc về quân sự.

Trong khi đó, giới chức phương Tây và Iraq ban đầu tuyên bố, họ đã có kế hoạch cụ thể trong việc hỗ trợ hàng trăm nghìn người tìm cách rời khỏi thành phố này khi giao tranh xảy ra và sau đó là tiếp quản Mosul từ tay IS.

Tuy nhiên, sau đó, chính họ cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn tồn tại những vấn đề nan giải có khả năng quyết định đến sự ổn định trong tương lai của Iraq. Trong đó, đáng lưu ý là việc các bên tại miền Bắc Iraq đang tranh cãi gay gắt về khu vực do mình kiểm soát, nhất là tại thành phố Kirkuk và khu tự trị của người Kurd.

Trong khi đó, tại Mosul, hiện vẫn chưa rõ quyền lực giữa các nhóm người Sunni, Kurd, Turk, Công giáo và Yazidi cùng rất nhiều nhóm nhỏ khác sẽ được chia sẻ như thế nào.

Cựu Đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cho biết, trong khi quá trình lên kế hoạch về quân sự đang có nhiều chuyển biến tích cực thì “về mặt chính trị, chúng tôi vẫn cần giải quyết tốt việc nội bộ”.

Hệ lụy sau giải phóng Mosul còn đáng lo hơn

Trong khi đó, bản thân Mỹ cũng nhiều lần nhận ra rằng, hệ lụy của việc giải phóng Mosul còn phức tạp hơn nhiều so với việc chiến đấu đẩy lùi IS ra khỏi đây.

Mỹ đã tiến vào Iraq vào năm 2003 mà không hề có một kế hoạch chi tiết cho thời hậu chiến. Sự can thiệp của Mỹ đã tạo ra sự hỗn loạn kéo dài tới hơn 13 năm cho quốc gia này. Tương tự như vậy, tại Afghanistan, phiến quân Taliban cũng hoành hành suốt 15 năm sau khi bị liên quân Mỹ và Afghanistan đẩy bật ra khỏi thủ đô Kabul.

Dù tình hình phức tạp như vậy, binh sĩ cùng các lực lượng thân Chính phủ Iraq dưới sự yểm trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu ngày 17/10 vẫn tiến hành giai đoạn đầu tiên của cuộc tổng tiến công giành lại Mosul. Chỉ riêng công tác chuẩn bị đã kéo dài tới hơn 3 tháng.

Các chuyên gia dự đoán, cuộc chiến tại Mosul có thể kéo dài tới hàng tuần hoặc thậm chí là hàng tháng. Ban đầu, các binh sĩ cùng các lực lượng thân Chính phủ Iraq sẽ bao vây Mosul rồi mới tính đến việc tấn công và đẩy lùi khoảng từ 4.000-8.000 phiến quân IS ra khỏi đây.

“Nếu chúng tôi tìm cách giải quyết mọi vấn đề trước khi mở chiến dịch giải phóng Mosul, chúng tôi sẽ không bao giờ đẩy lui được IS ra khỏi đó. Cuộc chiến khi đó chủ yếu mang nặng ý nghĩa biểu tượng hơn là ý nghĩa thực tế”, Đặc sứ của Tổng thống Obama về vấn đề chống IS Brett McGurk tuyên bố.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng sẽ để lại được một di sản trong việc chiếm lại được càng nhiều vùng đất khỏi tay IS càng tốt trước khi ông từ nhiệm vào tháng 1/2017.

Ngoài ra, chiến dịch giải phóng Mosul cũng diễn ra chỉ 3 tuần trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và được cho là sẽ đóng góp rất nhiều cho chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ nếu chiến dịch này diễn ra “thuận buồm xuôi gió”.

Không hề dễ dàng

Quyết định ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong việc giải phóng thành phố chiến lược Mosul của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận được sự ủng hộ của giới chức Mỹ.

Tuy nhiên, một số quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ đã lên tiếng hoài nghi về việc liệu binh sĩ Iraq cùng các lực lượng thân với ông al-Abadi đã sẵn sàng cho chiến dịch này chưa.

Các quan chức này cũng bày tỏ lo ngại chiến dịch này có thể để lại một Mosul ngổn ngang và hoang tàn và sẽ trở thành một “cơn ác mộng về chính trị” khi các lực lượng người Sunni, người Kurd và người Shiite sẽ tìm cách chiếm lấy các phần của thành phố mà họ từng góp công giải phóng.

“Tại Washington, vẫn có nhiều quan chức muốn việc chuẩn bị phải “đâu ra đấy” trước khi chiến dịch quân sự diễn ra. Việc buộc lực lượng quân đội Iraq cùng những nhóm thân Chính phủ phải giải quyết mâu thuẫn chính trị lâu dài trước khi bước vào cuộc chiến sẽ chỉ khiến sĩ khí của họ giảm sút”, một quan chức tình báo Mỹ nói và cho biết, sẽ có nhiều quan chức Mỹ khác tìm cách cản trở chiến dịch này.

Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng với Iraq cũng tuyên bố, binh sĩ nước này đang được huấn luyện tại miền Bắc Iraq sẽ tham gia vào chiến dịch này. Trong khi đó, lực lượng phiến quân người Shiite cũng muốn góp sức. Điều này làm dấy lên nguy cơ xung đột sắc tộc giữa phiến quân người Shiite và những người Sunni đang sinh sống tại Mosul.

Dù Đặc sứ Mỹ McGurk từng nhận được cam kết rằng, tất cả các lực lượng tham gia giải phóng Iraq sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của Thủ tướng Abadi, các quan chức Mỹ vẫn lo ngại về khả năng cam kết này sẽ bị đổ vỡ.

Cũng theo các quan chức Mỹ, dù vẫn còn nhiều vấn đề lớn phải tính toán, Mỹ đã sớm vạch sẵn một kế hoạch ngắn hạn để tiếp quản và ổn định tình hình tại Mosul sau khi giao tranh bắt đầu lắng xuống.

Theo đó, giới chức Mỹ đã kêu gọi Thống đốc thành phố Nineveh tại Mosul Nawfal al-Agoub cần phải được phục chức và thành phố này sẽ được chia thành nhiều phần nhỏ. Ông al-Agoub sẽ cùng nắm quyền điều hành với một đại diện cấp cao từ Baghdad và Erbil- thủ phủ của khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq.

Ngoài ra, Mỹ cũng lên kế hoạch đưa thường dân rời khỏi Mosul sau khi đã “học được bài học đắt giá” từ cuộc chiến tại thành phố Fallujah thuộc tỉnh Anbar. Tại đó, nhiều thanh niên và trẻ em nam đã bị phiến quân người Shiite lập chốt kiểm soát để bắt giữ, tra tấn và thậm chí sát hại.

Theo đó, giới chức Mỹ và Iraq đã tìm cách đảm bảo an toàn cho những thường dân muốn trốn khỏi Mosul và các trạm kiểm soát được thiết lập xung quanh Mosul sẽ được giám sát bởi giới chức địa phương cùng các nhóm phi chính phủ quốc tế.

Giới chức Mỹ cũng kêu gọi người dân tại Mosul nên ở yên trong nhà nếu được bởi không giống như các thành phố khác như Tikrit, Fallujah và Ramadi- vốn đã “vườn không nhà trống” trước khi được giải phóng từ tay IS- còn rất nhiều người Iraq vẫn đang bám trụ tại Mosul.

Liên Hợp Quốc ước tính, trận chiến tại Mosul có thể khiến ít nhất 1 triệu người mất nhà cửa. “Vẫn có khả năng là con số này sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu chỉ chờ đợi mà không làm gì”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Một nhà ngoại giao phương Tây cũng thừa nhận, việc đẩy lui IS khỏi Mosul cần phải được tiến hành một cách rất cân bằng: “Dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu nhưng một khi chiến dịch này bất đầu, họ sẽ phải hành động một cách rất linh hoạt để tránh gây ra thiệt hại không đáng có”./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN