1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mã nghi vấn phóng tên lửa quân sự hay vệ tinh dân sự của Triều Tiên

(Dân trí) - Giới phân tích vẫn đang tìm cách “giải mã” ý định thực sự của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng được dự đoán có thể sắp phóng một tên lửa tầm xa sau một loạt động thái khởi động lại trạm phóng gần đây.

Giải mã nghi vấn phóng tên lửa quân sự hay vệ tinh dân sự của Triều Tiên - 1

Tên lửa Unha-3 tại trạm phóng vệ tinh Sohae ở Triều Tiên năm 2012. (Ảnh: AFP)

 

Phóng tên lửa vào tháng sau?

Theo Joe Wit, chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên và là người sáng lập 38 North - dự án chuyên theo dõi và phân tích Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào giữa tháng 4 tại trạm phóng vệ tinh Sohae. Đây là thời điểm Triều Tiên dự kiến khai mạc phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) khóa 14.

“Ông Kim Jong-un có thể tiến hành vụ phóng sau khi Tổng thống Trump khiến ông thất vọng ở Hà Nội”, chuyên gia Wit nhận định, đề cập tới cuộc gặp thượng đỉnh không đạt được thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tuần trước.

“Ông Kim Jong-un có thể sử dụng vụ phóng để chứng tỏ trước phiên họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4, rằng ông không lo sợ trước các lệnh trừng phạt”, chuyên gia Mỹ cho biết.

Hồi đầu tuần, cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc đã trình báo cáo lên quốc hội, trong đó đề cập tới các hoạt động khôi phục trạm phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên trong thời gian gần đây. Trước đó, Triều Tiên đã cam kết dỡ bỏ một phần cơ sở này nhằm thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Trump tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.

Sau đó, 38 North công bố các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trạm phóng Sohae của Triều Tiên dường như quay trở lại “trạng thái hoạt động bình thường”. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể đã sẵn sàng cho một vụ phóng tên lửa sau khi không đạt được thỏa thuận với Mỹ tại cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), mỗi lần Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh, Bình Nhưỡng đều khẳng định họ có quyền “thám hiểm không gian vũ trụ một cách hòa bình” giống như các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia về tên lửa cho rằng việc phóng tên lửa mang vệ tinh và  tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) về cơ bản là giống nhau, chỉ khác về trọng tải.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Wit, việc phóng tên lửa ICBM ở thời điểm hiện tại là quyết định rủi ro với Triều Tiên vì động thái này sẽ vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả hai quốc gia thân cận với Bình Nhưỡng là Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, phóng tên lửa mang vệ tinh có thể tạo cho Triều Tiên “vỏ bọc về chính trị”.

Chuyên gia Mỹ dự đoán sau khi phóng vệ tinh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đề xuất nối lại đàm phán với phía Mỹ như cách ông đã làm sau vụ phóng vệ tinh hồi năm 2012. Cuộc đàm phán đã dẫn tới một thỏa thuận mang tên “Thỏa thuận Ngày Nhuận” 2012, trong đó Triều Tiên cam kết dừng thử hạt nhân và tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực.

“Ông Kim Jong-un có thể quay lại với chính quyền Trump như cách ông từng làm sau vụ phóng hồi tháng 4/2012 và nói (với chính quyền Trump) rằng “hãy cùng đạt một thỏa thuận”. Chính quyền (cựu tổng thống) Barack Obama từng khước từ ông ấy và áp đặt các lệnh trừng phạt. Liệu Tổng thống Trump có chấp thuận đề xuất của ông ấy hay không vẫn còn là vấn đề để ngỏ”, chuyên gia Wit nhận định.

Lo ngại quá mức?

Giải mã nghi vấn phóng tên lửa quân sự hay vệ tinh dân sự của Triều Tiên - 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa năm 2017 (Ảnh: KCNA)

 

Do lo ngại về mục đích quân sự, các vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên đều bị cấm theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Mặc dù vậy, giới chức và truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn công bố kế hoạch Phát triển Không gian Quốc gia thời hạn 5 năm, trong đó nhắm mục tiêu tới việc xây dựng hệ thống liên lạc vệ tinh để góp phần cải thiện nền kinh tế và nâng cao cuộc sống của người dân.

Theo Jeffrey Lewis, giám đốc Dự án Chống phổ biến vũ khí Đông Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California, Mỹ và là người nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh chụp trạm phóng của Triều Tiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa quân sự hay một vụ phóng tên lửa mang vệ tinh dân sự lên vũ trụ. Giới phân tích cũng tranh cãi về thời điểm Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng này.

Chuyên gia Lewis cho biết nhiều khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị phóng một vệ tinh lên quỹ đạo. Trước khi quan hệ Mỹ - Triều tan băng vào năm 2018, các quan chức Triều Tiên từng nói họ đã lên kế hoạch phóng 2 vệ tinh. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là từng tới thăm nhà máy Sanumdong, nơi Triều Tiên lắp ráp các tên lửa ICBM và các tên lửa phóng vệ tinh, vào cuối năm 2017 và chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa.

Theo ông Lewis, cộng đồng quốc tế không nên đánh giá một vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là hành động khiêu khích vì các tên lửa được sử dụng để phóng vệ tinh thường không thích hợp để sử dụng cho các tên lửa quân sự tầm xa.

“Tôi nghĩ chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị ám ảnh quá nhiều bởi các vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên”, chuyên gia Lewis nói.

Tuy vậy, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/3 cho biết Washington vẫn coi bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên, dù chỉ là phóng vệ tinh, cũng là hành động gây tổn hại cho thiện chí hợp tác giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Theo nhận định của chúng tôi, việc phóng một vệ tinh từ trạm phóng Sohae là không phù hợp với các cam kết mà Triều Tiên đã đưa ra. Có vẻ như hai bên đang rời xa nhau hơn là xích lại gần. Tôi hy vọng đây không phải là sự lo lắng quá mức của Mỹ đối với một vụ phóng vệ tinh”, quan chức Mỹ nói với các phóng viên.

Thành Đạt

Theo Yonhap, NPR