Giải mã cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc
(Dân trí) - Hàn Quốc hôm nay đã tập trận bắn đạn thật, bất chấp cảnh báo của Triều Tiên rằng sẽ tiến hành trả đũa mạnh hơn cuộc pháo kích ngày 23/11. Mục đích của Hàn Quốc là gì và động thái này nguy hiểm đến mức nào?
Theo các nhà phân tích, Hàn Quốc đã lựa chọn đảo Yeongpyeong để phô trương tiềm lực quân sự vì hòn đảo này nằm gần khu vực nơi con tàu Cheonan bị đánh đắm. Đây cũng là nơi tiếp giáp với biên giới Triều Tiên và cũng là nơi hai miền Triều Tiên đã từng có những vụ đối đầu khác.
Ngoài ra, theo giới phân tích, vấn đề nằm ở chỗ cuộc tập trận lần này thực sự không phải là một vấn đề mang tính chiến thuật mà nó là một phần kế hoạch tái thiết uy tín của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn các hành động có thể xảy ra của Triều Tiên, đặc biệt là trong bối cảnh uy tín đó đã bị ảnh hưởng sau vụ chìm tàu Cheonan và vụ nã pháo vào đảo Yeongpyeong. Hơn nữa, tâm lý của công chúng Hàn Quốc thực sự rất dao động xung quanh việc có nên tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn hay không. Vì vậy, với Hàn Quốc, điều quan trọng đầu tiên là phải thực hiện các cuộc tập trận nhằm giúp quân đội nước này nâng cao khả năng đối phó với các cuộc tấn công của Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc, nhiều người dân đã thu gói đồ đạc và rời khỏi đảo Yeonpyeong. Tuy nhiên, có rất nhiều người tham gia vào một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh mặc dù họ được lệnh di tản khẩn cấp để tránh thương vong.
Tại Triều Tiên, loạt bài bình luận đăng trên các báo chính thức của nước này xác định: Chiến tranh Liên Triều chỉ còn là vấn đề thời gian. “Thái độ hiếu chiến và vô trách nhiệm của Hàn Quốc dẫn đến câu hỏi: đến khi nào chiến tranh Triều Tiên sẽ bùng nổ. Trong trường hợp xảy chiến tranh, đây sẽ là một cuộc xung đột nguyên tử, không giới hạn ở bán đảo Triều Tiên”, mạng Uriminzokkiri viết. Còn tờ Roddong Sinmun cùng lúc mô tả bán đảo Triều Tiên là khu vực nguy hiểm nhất thế giới.
Nhận xét về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ông Bill Richardson, đặc sứ Mỹ vừa có chuyến thăm Bình Nhưỡng, nói gọn trong từ “cực kì rối loạn”. Hội đồng Bảo an LHQ vừa triệu tập họp khẩn – động thái chứng tỏ nhận xét của ông Richardson là chính xác. Mục đích chính của phiên họp là gửi cho Seoul và Bình Nhưỡng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế đừng thực hiện những bước đi có thể dẫn đến sự leo thang tình hình căng thẳng. Nhưng sau 8 giờ thảo luận, các bên vẫn chưa tìm được một giải pháp cho tháo gỡ căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Cả Nga và Trung Quốc đều là hai nước láng giềng với hai quốc gia Triều Tiên. Mátxcơva và Bắc Kinh có đủ cơ sở để lo ngại rằng tình hình trong khu vực động chạm đến lợi ích an ninh quốc gia của họ. Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu nước này sử dụng thứ vũ khí này thì hậu quả của tai họa sẽ ra ngoài phạm vi ranh giới của Bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, hai nước đòi phải sớm nối lại tiến trình đàm phán 6 bên.
Nhật Bản cũng lo ngại về tình hình căng thẳng hiện nay. Ngày 20/12, Thủ tướng Nhật Bản đã chỉ thị cho các cơ quan chính phủ theo dõi sát sao tình hình Bán đảo Triều Tiên trong thời gian Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật tại vùng biển gần đảo Yeontyeong.
Trong khi đó, Tướng James Cartwright, Phó Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lo ngại các đợt thao diễn quân sự của Hàn Quốc sẽ dẫn đến “các phản ứng dây chuyền, hoặc Bình Nhưỡng viện lý do này để bắn trả đũa”. Báo chí Mỹ ngày 20/12 thì cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama có 24 giờ để ngăn chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch bắn tập pháo binh của Hàn Quốc khi nói "quốc gia nào cũng có quyền huấn luyện quân sự để tự vệ", nhưng rõ ràng, chính quyền Mỹ đang quan ngại rằng tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực.