Giải mã chiến thuật đối ngoại mới của Trung Quốc
(Dân trí) - Sau nhiều năm theo đuổi chính sách cứng rắn với các nước láng giềng, thời gian gần đây, Trung Quốc bỗng tỏ ra dịu giọng và ôn hòa hơn. Vì sao lại có sự thay đổi khác thường này?
Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về sự thay đổi chính sách gần đây của Trung Quốc.
Chính sách mới này được Trung Quốc áp dụng từ giữa tháng 7 vừa qua sau khi nước này đột ngột cho rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Không chỉ chủ động hạ căng thẳng ở vùng biển của Việt Nam, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng đã đảo ngược chính sách đối đầu với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc, đồng thời thăm dò các mối quan hệ tốt hơn với Ấn Độ và tách dần chính sách của Trung Quốc ra khỏi các chính sách của Triều Tiên.
Ngoài ra, Trung Quốc còn dồn mọi nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với Nga thông qua việc ký kết các dự án năng lượng khổng lồ và đẩy mạnh liên kết kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Giới chính trị và chuyên gia phân tích đã thực sự bất ngờ với sự thay đổi đột ngột này của Trung Quốc. “Chúng tôi cần phải theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra trong 6-12 tháng tới, thậm chí lâu hơn”, theo lời của ông Shi Yinhong, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khi sâu chuỗi lại những động thái gần đây của Trung Quốc, có thể thấy nổi lên một điểm rất đáng chú ý: Sức mạnh kinh tế đã thay thế sức mạnh quân sự trong hoạt động ngoại giao của Trung Quốc thời gian qua. Vì sao như thế?
Thứ nhất, Trung Quốc quyết tâm phải tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 ở Bắc Kinh. Đây là diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là sự kiện mang tầm quốc tế đầu tiên được Trung Quốc tổ chức dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình .
Vì thế, trong suốt thời gian xung quanh hội nghị này, ban lãnh đạo Trung Quốc đã làm mọi cách để vãn hồi tình hình khu vực và hạ nhiệt quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng tìm cách xoa dịu quan hệ Trung – Mỹ vốn bị bào mòn bởi sự nghị kỵ lẫn nhau trong thời gian qua. Bắc Kinh thừa hiểu rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể đơn phương hành động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Nếu Trung Quốc muốn thực hiện được ‘Con đường tơ lụa mới’ và chính sách ngoại giao của mình, nước này phải tìm cho được sự đồng thuận với Mỹ. Đó là lý do căn bản giải thích cho những nhượng bộ và tham vấn lẫn nhau mà chúng ta đã thấy”, tờ Le Monde của Pháp dẫn lời một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh.
|
Để phá vỡ mạng lưới đồng minh không chính thức được Washington tạo ra nhằm hạn chế quyền lực ngày càng mạnh của Bắc Kinh, ban lãnh đạo Trung Quốc rút ra rằng cách tiếp cận quyết đoán hiện nay là phản tác dụng. Trung Quốc cần thay đổi phương pháp để được hưởng nhiều lợi ích kinh tế hơn. Tuy nhiên, hiện chưa biết đây chỉ là chiến thuật ngắn hạn hay là sự điều chỉnh thận trọng lâu dài của Bắc Kinh.
Thứ ba, nếu nhìn sâu hơn vào lịch sử đối ngoại của Trung Quốc, có thể nhận thấy Bắc Kinh luôn tiến hành xen kẽ các giai đoạn “cương, nhu” trong quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ.
Trước đây, thế giới cũng đã được chứng kiến điều này trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Ban đầu, Đại lục theo đuổi chính sách đối đầu và không thỏa hiệp với Đài Loan trong suốt thời gian từ năm 1949 đến cuối những năm 1980s. Đầu những năm 1990s, Đại lục áp dụng chính sách hòa giải hơn nhưng chỉ sau đó 5 năm, Đại lục lại áp dụng các chiêu bài khiêu khích. Lập trường cứng rắn này được duy trì đến năm 2008, khi một giai đoạn hòa giải mới lại nổi lên sau khi ông Mã Anh Cửu được bầu làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan thay ông Trần Thủy Biển.
Đối chiếu với quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hiện nay, nhiều khả năng nước này đang muốn “nới lỏng sợi dây” sau một thời gian “kéo căng quá mức”.
Thứ tư, Trung Quốc tự nhận thấy rằng nước này đang nắm trong tay quân bài chủ chốt trong quan hệ quốc tế: đó là sức mạnh kim tiền. Với nền kinh tế hiện đứng thứ hai thế giới và dự trữ ngoại tệ không ai bằng, Trung Quốc hoàn toàn có thể “vung tiền mua quan hệ”.
Dẫn chứng mới nhất là Trung Quốc đã lập quỹ 40 tỷ USD để xây dựng “Con đường tơ lụa mới” và đóng góp 50 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn điều lệ của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Theo tính toán của Bắc Kinh, khó nước nào cưỡng lại được sức hút kinh tế mạnh mẽ từ dự án “Con đường tơ lụa mới” kết nối Đông Á với châu Âu, cũng như với ngân hàng AIIB do các nước châu Á đang cần tới 8.500 tỷ USD để hoàn thiện hệ thống liên cơ sở hạ tầng.
Với Chủ tịch đầu tiên của AIIB là người Trung Quốc, ngân hàng này lại đặt trụ sở chính ở Bắc Kinh, nên Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình áp đặt ý chí lên các quốc gia thành viên. Ví dụ, nước này có thể sử dụng AIIB tài trợ cho dự án “Con đường tơ lụa mới”, cả đường bộ và đường biển; hay mượn AIIB thúc đẩy liên kết khu vực để phục vụ lợi ích riêng và tăng ảnh hưởng quốc tế của mình. |
Vì vậy, dư luận vẫn đang hoài nghi về tuyên bố nửa vời của nhà lãnh đạo Trung Quốc, cũng như những sự thay đổi bất ngờ trong chính sách đối ngoại của nước này. Sự hoài nghi đó một phần xuất phát từ hành động sẵn sàng bỏ qua luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, phần khác do chính hành động phô diễn máy bay tàng hình hiện đại ở triển lãm hàng không Chu Hải diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp của ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề APEC 22.
Đức Vũ