Giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên: Đắt mà không chắc
(Dân trí) - Sau gần 4 năm thương lượng, Bắc Triều Tiên cuối cùng đã chấp nhận đóng cửa lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutoni, nhưng để triệt thoái hoàn toàn các chương trình hạt nhân của nước này sẽ là điều không dễ thực hiện và cái giá phải trả sẽ là rất cao.
Không có thêm sự đột phá
Một trong những dấu hiệu cho thấy tiến trình này sẽ rất khó khăn đó là việc ngày 20/7, vòng đàm phán sáu bên mới bàn về giai đoạn giải giáp thứ hai các chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã kết thúc sau ba ngày nhóm họp tại Bắc Kinh mà không đạt được đột phá nào, ngoài một tuyên bố chung nói rằng các bên vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận 13/2/2007 và sẽ tiếp tục gặp nhau vào đầu tháng 9 tới.
Theo ông Peter Peck, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế Khu vực Đông Bắc Á, việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon là "một bước tiến có ý nghĩa", song chưa đủ và việc vòng đàm phán sáu bên mới đây không đặt ra được thời hạn cho các bước giải giáp tiếp theo cho thấy trở ngại phía trước sẽ là rất lớn.
Mặc dù việc đóng cửa lò phản ứng ở Yongbyon có thể chấm dứt ý đồ của Bình Nhưỡng trong việc sản xuất thêm các thanh nhiên liệu plutoni, nhưng kho dự trữ các thanh plutoni hiện nay vẫn chưa được xác định và chưa được tiêu hủy. Các nhà phân tích tin tức tình báo khu vực cho rằng CHDCND Triều Tiên có đủ các thanh nhiên liệu để sản xuất khoảng 10 vũ khí hạt nhân, với việc lò phản ứng Yongbyong, một lò kiểu cũ của Liên Xô trước đây, hàng năm có thể cung cấp đủ nhiên liệu để sản xuất ra một vũ khí hạt nhân. Lò phản ứng này đã hoạt động khoảng 20 năm.
Theo các nhà phân tích, mặc dù đóng cửa lò phản ứng Yongbyon, CHDCND Triều Tiên vẫn là một cường quốc hạt nhân. Vì vậy, các bước tiếp theo có tầm quan trọng rất lớn đối với triển vọng của việc xây dựng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, khi CHDCND Triều Tiên cung cấp số lượng vũ khí, nhiên liệu và các linh kiện liên quan khác mà họ có, rồi tiêu huỷ số này và cho phép cộng đồng quốc tế giám sát.
Các cường quốc khu vực hiện muốn Bắc Triều công khai toàn bộ các chương trình hạt nhân và từ bỏ số nhiên liệu đã được tách mà nước này đang tích trữ để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, CHDCND Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ phương tiện mặc cả duy nhất mà nước này đang có trước phương Tây, đó là khả năng răn đe hạt nhân.
Trong thỏa thuận đạt được hồi tháng 2/2007 tại Bắc Kinh, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý với Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga rằng họ sẽ kê khai toàn bộ các kho chứa plutoni của mình. Đổi lại, CHDCND Triều Tiên sẽ nhận được thêm 950.000 tấn dầu nhiên liệu hoặc khoản viện trợ tương tự cùng với những lợi ích về ngoại giao cũng như các bảo đảm an ninh.
Nhưng không ai có thể dám chắc việc liệu Bình Nhưỡng có công khai toàn bộ các kế hoạch làm giàu hạt nhân để sản xuất vũ khí của họ hay không hoặc ngoài các chương trình làm giàu hạt nhân công khai này, họ còn chương trình làm giàu bí mật nào khác không.
Ông Cho Min, một chuyên gia về CHDCND Triều Tiên làm trong viện Triều Tiên thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói: "Đây là chương trình mà miền Bắc đã đặt cược cả sinh mạng của chế độ vào đó".
Đắt nhưng không chắc
Trong nhiều thập kỷ qua, CHDCND Triều Tiên đã cho đào rất nhiều đường hầm đồ sộ để cất giấu hầu hết những những bí mật cần bảo vệ. Các nguồn tin tình báo cho biết CHDCND Triều Tiên có thể có hàng trăm cơ sở lớn và hàng nghìn cơ sở nhỏ ngầm dưới lòng đất hoặc trong các lòng núi nơi nước này đang bí mật sản xuất các vũ khí hạt nhân, tên lửa và các vũ khí khác.
Các nhà phân tích dự đoán, ngay cả khi các cuộc đàm phán hạt nhân về việc giải giáp hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang diễn ra, nước này vẫn có thể đang hoàn thiện thiết kế các vũ khí hạt nhân của họ ở một địa điểm bí mật nào đó.
Các chuyên gia ước tính, cứ mỗi bước để vô hiệu hóa và tháo dỡ lò phản ứng quá đát này, cộng đồng quốc tế lại phải trả bằng một số tiền hoặc hàng hóa tương đối lớn cho Bắc Triều Tiên. Và thực tế đã chứng minh điều này qua vụ tranh cãi về các tài khoản ngân hàng giữa Bình Nhưỡng và Oasinhtơn cũng như việc Hàn Quốc chuyển dầu nặng vừa qua cho Bắc Triều Tiên.
Trong năm 2002, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết CHDCND Triều Tiên đang xây dựng một nhà máy mà đến năm 2005, có thể làm giàu một lượng urani đủ để sản xuất từ hai quả bom trở lên. Nhưng đầu năm nay, các quan chức Mỹ lại cho biết họ đã đánh giá quá cao chương trình này.
CHDCND Triều Tiên có nhiều urani tự nhiên, nhưng lại không có phương tiện hoặc nguồn điện đáng tin cậy để vận hành đủ máy li tâm cho một chương trình làm giàu ở quy mô lớn. Ông Daniel Pinkston, Giám đốc Chương trình Không phổ biến hạt nhân Đông Á thuộc Trung tâm nghiên cứu không phổ biến hạt nhân có trụ sở tại California nói: "Tôi không tin CHDCND Triều Tiên có một cơ sở làm giàu urani ở quy mô đủ để sản xuất vũ khí".
Cứ cho rằng Bình Nhưỡng không có chương trình làm giàu urani bí mật, thì Bình Nhưỡng hiện cũng đã sở hữu một lượng plutoni tương đối lớn. Và để tiêu hủy số lượng plutoni này, cái giá chắn chắn là không rẻ. Một vấn đề nữa đó là việc CHDCND Triều Tiên hiện đang sở hữu các tên lửa tầm xa có thể bắn tới Nhật Bản và xa hơn thế nữa. Và nếu nước này phát triển được khả năng thu nhỏ đầu đạn để có thể lắp chúng lên tên lửa thì cái giá sẽ còn cao hơn nhiều.
Tuần này, trong khi hy vọng rằng CHDCND Triều Tiên sẽ vô hiệu các cơ sở hạt nhân chính của nước này vào cuối năm nay và từ bỏ lượng nhiên liệu hạt nhân đã phân tách vào cuối năm 2008, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên Mỹ, Christopher Hill cũng phải thừa nhận rằng cái giá phải trả cho mỗi bước đi sẽ là rất cao.
Theo các nhà phân tích, xét trên lịch sử đàm phán của Bình Nhưỡng và xét theo bối cảnh bị cô lập trong nghèo túng và luôn cảm thấy bị đe dọa như hiện nay, việc buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ con bài mặc cả duy nhất của họ là điều không dễ dàng. Không những vậy, cho dù có chấp nhận trả giá đắt cho việc từ bỏ này, không có gì đảm bảo rằng cộng đồng quốc tế sẽ nhận được đủ và đúng với những gì mà họ đã trả.
Kiến Văn