1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giả thuyết mới về phi công vụ máy bay MH370 chở 239 người mất tích bí ẩn

Thành Đạt

(Dân trí) - Một kỹ sư hàng không vũ trụ đã đưa ra giả thuyết mới để giải thích về sự mất tích bí ẩn của máy bay MH370 chở 239 hành khách cách đây 7 năm.

Giả thuyết mới về phi công vụ máy bay MH370 chở 239 người mất tích bí ẩn - 1

Phi công Zaharie Ahmad Shah - người điều khiển chiếc máy bay mất tích MH370 (Ảnh: Youtube).

Telegraph dẫn nhận định của kỹ sư hàng không vũ trụ Richard Godfrey cho biết, phi công Zaharie Ahmad Shah vận hành chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích đã "lên kế hoạch cẩn thận" về đường bay của mình nhằm tránh để lại manh mối về nơi máy bay xấu số di chuyển trước khi lao xuống Ấn Độ Dương.

"Đường bay dường như được lên kế hoạch cẩn thận. Mức độ chi tiết trong việc lên kế hoạch đã cho thấy sự tính toán rằng, kế hoạch phức tạp này phải được thực hiện đúng cách cho đến cuối cùng", Godfrey cho biết.

Theo Richard Godfrey, phi công Zaharie Ahmad Shah, người được cho là bị trầm cảm về mặt lâm sàng, đã cố tình thay đổi hướng bay và tốc độ để che giấu thông tin về nơi anh ta đang đi đến. Godfrey tin rằng phi công đã cố tình vạch sẵn một đường bay để tránh bị radar phát hiện, trước khi lao máy bay xuống biển.

Chiếc Boeing 777 đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014. Khi đó, máy bay chở 239 người trên khoang.

MH370 bất ngờ quay đầu khỏi đường bay dự kiến và được theo dõi bởi radar quân sự trên eo biển Malacca trước khi mất liên lạc.

"Trong trường hợp máy bay bị phát hiện, phi công cũng tránh đưa ra manh mối rõ ràng về nơi anh ta đang đến bằng cách sử dụng đường bay đã bị thay đổi về hướng", Godfrey nhận định.

Theo Godfrey, "đường bay của MH370 có vẻ được lên kế hoạch kỹ lưỡng và tránh các đường bay thương mại". Ông cho rằng phi công "dường như không quá lo lắng về việc sử dụng nhiên liệu và quan tâm nhiều hơn đến việc để lại những tín hiệu giả".

"Những lần thay đổi đáng kể về đường đi và tốc độ bay cho thấy phi công vẫn hoạt động trong suốt chuyến bay", Godfrey cho biết thêm.

Godfrey được cho là đã đưa ra kết luận của mình sau khi theo dõi chuyển động của MH370 thông qua hệ thống truyền sóng vô tuyến tín hiệu yếu (WSPR) - mạng lưới tín hiệu vô tuyến toàn cầu có thể theo dõi chuyển động của máy bay.

Theo The Atlantic, bạn bè của phi công Shah cho biết người đàn ông này "cô đơn và buồn bã" và được cho là mắc chứng "trầm cảm lâm sàng".

Giả thuyết mới về phi công vụ máy bay MH370 chở 239 người mất tích bí ẩn - 2

Một mảnh vỡ nghi của MH370 được tìm thấy trên biển (Ảnh: Getty).

Bất chấp nỗ lực tìm kiếm quốc tế kéo dài 4 năm trên khu vực có diện tích hơn 120.000 m2 với chi phí lên tới 200 triệu USD, xác máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn chưa được tìm thấy.

Vụ mất tích của MH370 vẫn được xem là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới. Hàng loạt giả thuyết đã được đưa ra, song cho đến nay chưa một cuộc tìm kiếm nào công bố kết quả rõ ràng về số phận máy bay và điều gì đã xảy ra.

Xác máy bay chưa được tìm thấy nhưng các mảnh vỡ nghi của MH370 đã được phát hiện ở ngoài khơi Mauritius, Madagascar, Tanzania và Nam Phi.

Các nghiên cứu mới đã thúc đẩy việc kêu gọi một cuộc điều tra mới nhằm vào mảnh vỡ phần cánh trôi dạt vào Nam Phi tháng 8 năm ngoái. Các chuyên gia nhận định phần cánh bị hỏng cho thấy máy bay có thể đã bị phá hủy khi lao thẳng xuống biển trong tình trạng không kiểm soát.