1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Gia tăng trừng phạt Triều Tiên: Nhờn thuốc?

(Dân trí) - Cộng đồng quốc tế đang ra sức tìm kiếm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này.

Tuy nhiên, lợi hại của việc trừng phạt cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, bởi đây không phải là lần đầu Triều Tiên “giơ đầu chịu báng”.
 
Các lệnh trừng phạt của HĐBA xem ra không còn nhiều sức mạnh răn đe đối với Triều Tiên.
  Các lệnh trừng phạt của HĐBA xem ra không còn nhiều sức mạnh răn đe đối với Triều Tiên.

Hơn một tháng sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo mang theo vệ tinh và phải trải qua rất nhiều cuộc tranh luận, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) mới đi đến nhất trí trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã vi phạm các Nghị quyết 1718 và 1874 của HĐBA, đồng thời đưa ra Nghị quyết 2087 gia tăng chế tài đối với việc mua bán vật tư kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên.

Ý nghĩa mang tính dấu ấn của nghị quyết mới này nằm ở chỗ, sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên HĐBA ban hành nghị quyết trừng phạt thay cho hình thức “Tuyên bố của Chủ tịch” để gây sức ép với Triều Tiên. Ngoài ra, một dấu ấn khác cũng phải kể đến là Trung Quốc đã có động thái hiếm thấy khi quyết định tán thành nghị quyết trừng phạt đồng minh của mình.

Nhưng trên thực tế, hành động này của HĐBA và Trung Quốc không những đã không “kìm cương được chú ngựa bất kham”, mà còn đẩy Bình Nhưỡng đến chỗ quyết tâm hành động mạnh tay hơn. Kết quả là một vụ thử nghiệm hạt nhân lần 3 đã nhanh chóng được thực hiện ngay tại bãi thử hạt nhân Pchunggye-ri, chỉ cách biên giới Trung Quốc 100km và biên giới Nga gần 200 km.

Theo nhận định của giới phân tích, phản ứng quyết liệt của Triều Tiên lần này xuất phát từ 3 chi tiết đặc biệt liên quan tới bối cảnh ra đời Nghị quyết 2087: Thứ nhất là Hàn Quốc chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch HĐBA trong tháng 2/2013, thứ hai là Tổng thống mới đắc cử Hàn Quốc Pak Geyn-hye chuẩn bị nhậm chức và thứ ba là Trung Quốc lần đầu tiên công khai phản đối mạnh mẽ hành động “qua mặt” của Triều Tiên.

Không chỉ dừng lại ở việc thử hạt nhân, ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng còn cảnh báo “sẽ tiếp tục có thêm các đòn thứ hai, thứ ba mạnh mẽ hơn”, dù rằng thừa biết sẽ phải đón nhận thêm nhiều lệnh cấm vận nghặt nghèo của LHQ cùng với sức ép ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế.

Câu hỏi không ít lần được đặt ra là: Liệu các lệnh trừng phạt Triều Tiên có thực sự đem lại hiệu quả như phương Tây kỳ vọng, khi mà các bên vẫn cứ khăng khăng bám giữ quan điểm của mình?

Ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính phủ Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng quan điểm là chỉ có sự tương xứng về sức mạnh quân sự mới có thể đối phó được với chính sách thù địch từ Mỹ cũng như Hàn Quốc. Vì vậy, sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2003, Triều Tiên đã liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa cho tới thử nghiệm hạt nhân.

Rõ ràng, các hành động này của Bình Nhưỡng cũng đã tạo ra được sức nặng đáng kể trong các cuộc mặc cả với Mỹ và phương Tây. Không ít lần, Bình Nhưỡng đã buộc được Washington phải xuống thang, cho dù những chuyển biến này mới chỉ dừng lại ở mức rất nhẹ.

Trong khi đó, về phía phương Tây, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác  luôn cho rằng Triều Tiên không có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, bất kể nước này có tham gia NPT hay không. Phương Tây tuyên bố chỉ ký Hiệp định hòa bình với Bình Nhưỡng khi Triều Tiên ngừng hoàn toàn chương trình hạt nhân. Chính sách của các chính quyền B.Clinton, G.Bush rồi đến B.Obama cũng đều chỉ hướng tới việc buộc chính phủ Triều Tiên phải hủy bỏ hoàn toàn chương trình này. Ngay cả những chương trình viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cũng luôn được Washington gắn với câu chuyện vũ khí hạt nhân như một thứ điều kiện đi kèm.

Các lệnh trừng phạt của HĐBA xem ra không còn nhiều sức mạnh răn đe đối với Triều Tiên.
Các chương trình viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng luôn được phương Tây gắn kèm với các điều kiện về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh việc đặt ra các điều kiện tiên quyết, phương Tây cũng luôn lấy các lệnh trừng phạt để ép buộc Bình Nhưỡng. Các nghị quyết 1718, 1874 và 2087 cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tuy nhiên phương Tây quên mất rằng, với một nước đã quá quen với các lệnh trừng phạt như Triều Tiên, thì việc có thêm một vài điều khoản siết chặt cấm vận cũng không thể buộc được nước này từ bỏ quyết tâm. Đối với các thế hệ ban lãnh đạo luôn lấy chính sách “tiên quân” làm trọng, các lệnh trừng phạt có lẽ cũng chỉ là những thiệt hại có thể chấp nhân được nếu như tiếp cận từ quan điểm “không có thành công nào không phải trả giá”.

Chính sự khác biệt quan điểm trong cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề giữa Triều Tiên và phương Tây là nguyên nhân chính giải thích vì sao “số lượng lệnh trừng phạt không tương xứng với hiệu quả mong đợi”. 

Một câu hỏi khác được đặt ra là: Đến khi nào Triều Tiên và phương Tây mới chấm dứt “trò chơi đuổi bắt”?

Nhìn lại lịch sử hơn 20 năm phát triển chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Không phải lúc nào quan hệ giữa Triều Tiên với phương Tây cũng căng như dây đàn. Đã có những thời điểm Bình Nhưỡng hoặc phương Tây, mà cụ thể là Mỹ, tỏ ra sẵn sàng nhún mình để hai bên tìm thấy điểm tương đồng.

Cụ thể vào ngày 21/10/1994, Triều Tiên và Mỹ đã đạt được nhất trí về Thỏa thuận khung yêu cầu Bình Nhưỡng đóng cửa và phá hủy tất cả các cơ sở hạt nhân để đổi lấy việc được giúp đỡ xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ và viện trợ lớn về lương thực, an ninh và năng lượng.

5 năm sau, vào ngày 15/12/1999, hai bên chính thức đặt bút ký vào Thỏa thuận khung nói trên để mở đường cho việc xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ.

Ngày 15/6/2000 và tiếp đó từ ngày 2 - 4/10/2007, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã gặp nhau trong các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử. Xen giữa các cuộc gặp này là chuyến thăm Bình Nhưỡng ngày 24/10/2000 của Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và hai vòng đàm phán 6 bên diễn ra từ 27 – 29/8/2003 và ngày 19/9/2005 tại Bắc Kinh.

Đáng lưu ý là trong thời gian xung quanh các cuộc gặp và đàm phán với Triều Tiên, Mỹ đã tuyên bố nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng, đồng thời quyết định cấp thêm nhiều khoản viện trợ hậu hĩnh hơn và đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia khủng bố.

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, giữa các bên cũng đã không ít lần xảy ra căng thẳng. Những căng thẳng này xuất phát từ việc Triều Tiên liên tiếp cho tiến hành các vụ thử tên lửa, gồm tên lửa 3 tầng Taepo -Dong-1 ( 31/8/1998), tên lửa đạn đạo Taepo-Dong-2 (4-5/7/2006), tên lửa 3 tầng Unha-2 (5/4/2009), tên lửa Unha-3 (13/4/2012 và 12/12/2012).

Các lệnh trừng phạt của HĐBA xem ra không còn nhiều sức mạnh răn đe đối với Triều Tiên.
Bất chấp sức ép của phương Tây, Triều Tiên vẫn tiến hành các vụ thử tên lửa với tuyên bố nhằm mục đích nghiên cứu hòa bình.

Ngoài ra, Triều Tiên còn trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của IAEA (27/12/2002), tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân NPT (10/1/2003), khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân (10/2/2005), thử hạt nhân lần 1 (9/10/2006), lần 2 (25/5/2009) và lần 3 (12/2/2013). Trước đó, ngày 12/11/2010, Bình Nhưỡng tuyên bố chuyển đổi công nghệ hạt nhân lên mức cao hơn từ plutoni sang làm giàu urani.

Đáp lại các hành động ngang ngạnh của Bình Nhưỡng, phương Tây ra sức tìm cách siết chặt trừng phạt bằng các Nghị quyết 1718 (15/7/2006), Nghị quyết 1784 (12/6/2009) và mới đây nhất là Nghị quyết 2087 (22/1/2013). Trước đó, Mỹ còn đưa Bình Nhưỡng vào danh sách “trục ma quỷ” cùng với Iran và Iraq (29/1/2002), đồng thời rút lại hết các cam kết viện trợ cũng như hoạch xây dựng hai nhà máy nước nhẹ cho Triều Tiên.

Những động thái kiểu “ăn miếng, trả miếng” đó của hai bên cứ diễn ra như vậy trong nhiều năm liền, mà căn nguyên chỉ vì thiếu trầm trọng lòng tin ở nhau. “Trò chơi đuổi bắt” xem ra chỉ có thể kết thúc chừng nào các bên thực sự tạo dựng được lòng tin, từ đó tìm được điểm tương đồng trong các vấn đề liên quan đến chương trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Như Bình Nhưỡng đã nhiều lần tuyên bố, lệnh trừng phạt và sự cô lập của phương Tây sẽ chỉ càng khiến nước này có thêm quyết tâm. Tất nhiên trong thời điểm hiện tại, các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể cản bước Triều Tiên, nhưng chí ít cũng làm chậm lại các bước tiến trong chương trình hạt nhân của nước này. Mặc dù, các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng chưa thể làm thay đổi ngay cán cân sức mạnh trong khu vực, nhưng động lực để nước này dừng lại sẽ khó hơn nhiều nếu như tiếp tục đạt được các bước tiến trong công nghệ tên lửa và hạt nhân.

Vì vậy, giờ là lúc các bên cần tìm ra phương cách tiếp cận khác thay vì hết lần này đến lần khác chỉ đưa ra những lệnh trừng phạt không còn nhiều hiệu quả răn đe.

Việt Giang